(Dân trí) – Từ kỷ niệm về bà trong những ngày nằm viện, nam sinh Trường THPT Ứng Hòa B và đồng đội ở Trường THPT Hà Nội – Amsterdam có công trình vừa đoạt giải nhất cuộc thi Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024.
Kỷ niệm về bà nội và công trình AI sức khỏe y tế
Nhóm nghiên cứu gồm Trần Khánh Thành, học sinh lớp 12, Trường THPT Ứng Hòa B, Hà Nội, kiêm trưởng nhóm. 4 thí sinh còn lại của đội thi đến từ Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, trong đó có 2 nam sinh đến từ lớp chuyên lịch sử.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Trần Khánh Thành (học sinh Trường THPT Ứng Hòa B, Hà Nội) cho biết, công trình của nhóm với mục đích hỗ trợ bác sĩ hiểu tâm lý, cảm xúc bệnh nhân trong phòng bệnh.
Nếu trước đây, việc theo dõi bệnh nhân trong phòng bệnh thông qua camera, với nghiên cứu của nhóm này, việc theo dõi nhờ vào AI tập trung phân tích khẩu hình miệng, các cử động trên cơ thể để đưa ra dự đoán sớm về sức khỏe khi bệnh nhân tỉnh dậy.
Cũng từ việc phân tích cảm xúc trên khuôn mặt, ý nghĩa thứ hai công trình mang tới: có thể áp dụng cho các trường học, nhằm phát hiện ra các bệnh trầm cảm hay những bất ổn tâm lý học sinh.
Ngoài áp dụng trong công tác chăm sóc y tế, nhờ việc phân tích cử chỉ khuôn mặt, công trình có thể đưa vào giáo dục nhằm phân tích học lực, phân loại năng lực học sinh, từ đó áp dụng bài giảng phù hợp với học lực từng đối tượng.
Được biết bố của Khánh Thành vốn là nhân viên kỹ thuật bệnh viện tuyến huyện. Thành sớm được tiếp xúc những câu chuyện trong y tế mỗi ngày, chứng kiến tình cảnh nhiều bệnh nhân vật lộn trong phòng bệnh.
Đặc biệt, kỷ niệm khó quên với nam sinh là câu chuyện của bà nội em trong giây phút nguy kịch tại bệnh viện cách đây nhiều năm.
“Nhiều khi một vài giây vàng sau khi bệnh nhân tỉnh dậy, có ý nghĩa rất lớn trong y tế. Thế nhưng với việc thiếu nhân lực, nhất là tuyến dưới hoặc ở vùng sâu, vùng xa, khiến việc chăm sóc sức khỏe bệnh nhân còn khó khăn.
Với việc giám sát của trí tuệ nhân tạo, chúng ta có thể đưa việc chăm sóc sức khỏe bệnh nhân lên tầm cao hơn, phát hiện tình trạng phục hồi sớm hơn, giúp bệnh nhân chớp lấy thời gian vàng”, Thành nói.
Dân chuyên Sử, nghiên cứu và đoạt giải AI
Điều đặc biệt thú vị, trong số 5 thành viên đội thi này, có hai nam sinh học chuyên lịch sử của Trường Hà Nội – Amsterdam.
Đặng Huy Khanh (phó trưởng nhóm), học sinh lớp 11 chuyên sử cho biết, mặc dù học chuyên khối xã hội nhưng nhờ đam mê rô-bốt, chúng em được xích lại gần nhau.
“Chúng em quen nhau qua câu lạc bộ rô-bốt của trường và qua các cuộc thi khác về AI trước đây. Ngay sau khi có thông tin về cuộc thi “Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024”, Trần Khánh Thành và chúng em cùng bắt tay nhau thực hiện.
Điều khó khăn Thành học ở trường huyện ngoại thành, rất xa Trường Hà Nội – Amsterdam. Từ việc bàn thảo ý tưởng đến thực hiện, chúng em đều thực hiện online.
“Các thành viên trong đội đều là học sinh, chưa từng kinh qua các công việc ở bệnh viện nên những ngày đầu tiếp cận đề tài, chúng em thực sự mơ hồ, căng thẳng.
Chúng em tìm rất nhiều dữ liệu trên mạng, gắn nhãn cho các AI. Mỗi bạn có ngày phải gắn nhãn cho hàng trăm khuôn mặt, rất căng thẳng. Sau hơn 2 tháng, chúng em hoàn thành dữ liệu”, Đặng Huy Khanh cho biết.
Ông Trần Trọng Đạt, bố em Trần Khánh Thành, cho biết mình chỉ là nhân viên y tế tại một bệnh viện cấp huyện, không giúp đỡ được nhiều cho con. Điều quan trọng nhất ông giúp có lẽ là lời khuyên các con nên thực hiện đề tài nghiên cứu liên quan đến y tế bởi nó sẽ giúp ích cho nhiều người.
“Tôi già rồi, công nghệ hay trí tuệ nhân tạo gì đó đều không biết để hướng dẫn. Các cháu đã nỗ lực rất nhiều để đoạt giải”, ông Đạt nói.
Nhận xét về các bài dự thi năm nay, giáo sư Thomas E. Patterson từ Đại học Harvard chia sẻ, AI không chỉ thay đổi cách học tập mà còn định hình tư duy sáng tạo, chuẩn bị cho thế hệ trẻ đối mặt với các thách thức trong tương lai…
Với vai trò là Ban giám khảo, ông đã chấm 27 công trình, trong đó công trình nào cũng xuất sắc, đều đưa ra các giải pháp về AI, các ý tưởng dự thi sắc bén, đầu tư công phu.
Với giải nhất năm nay, ông thực sự ngạc nhiên bởi tại sao các em lại nghĩ ra điều đó để thực hiện hiệu quả.
“AI có thể giúp Việt Nam thực hiện các bước nhảy vọt trong kinh tế, để đạt trình độ ngang tầm một số nước trong khu vực. Tôi tin rằng, các bạn trẻ có vai trò quan trọng, góp phần đưa AI vào cuộc sống”, ông Thomas E. Patterson nói.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/ky-niem-ve-ba-nam-sinh-doat-giai-nhat-cuoc-thi-ve-tri-tue-nhan-tao-20241223100351972.htm