Trục lợi bảo hiểm là hành vi gian lận có chủ ý, nhằm thu lợi bất chính.
Các vụ trục lợi bảo hiểm ngày càng gia tăng
Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết vấn đề trục lợi trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Tuy nhiên gần đây có dấu hiệu tăng về số lượng, tinh vi trong thủ đoạn thực hiện.
Nhiều án điểm đã hình thành, mang tính cảnh tỉnh cao.
Ngành bảo hiểm cũng chứng kiến nhiều vụ trục lợi tinh vi, để lại hậu quả nặng nề cho sức khỏe và tính mạng người tham gia bảo hiểm.
Theo ghi nhận tại thị trường Việt Nam những năm gần đây, hành vi trục lợi bảo hiểm không dừng lại ở chỗ toan tính của một cá nhân mà còn có sự tham gia của nhiều người, thậm chí cả một đường dây, bao gồm: khách hàng, đại lý bảo hiểm, nhân viên y tế…
TS Lê Đạt Chí – trưởng khoa tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM – nhận định nhiều người tham gia bảo hiểm với ý đồ trục lợi thường không lường trước được những hậu quả nghiêm trọng phải đối mặt.
Bao gồm: “Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của bản thân. Phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền trục lợi cho công ty bảo hiểm. Bị phạt tiền, bị truy tố hình sự và chịu án tù nghiêm khắc. Làm tổn thất uy tín, danh dự của gia đình…”, TS Lê Đạt Chí phân tích.
Cần có sự hợp sức liên ngành
Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), cơ quan quản lý nhà nước cũng đã và đang triển khai những giải pháp, có chế tài để xử lý, hạn chế việc trục lợi bảo hiểm.
Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu quốc gia của Việt Nam còn chưa đồng bộ, cơ sở dữ liệu dân cư chưa gắn với dữ liệu y tế, lỗ hổng cho việc trục lợi bảo hiểm. Chưa có dữ liệu lịch sử khám chữa bệnh của người được bảo hiểm, lịch sử sử dụng bảo hiểm y tế cũng như khám chữa bệnh dịch vụ của các cơ sở y tế trên cả nước.
Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhận định sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng chống gian lận, trục lợi bảo hiểm. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp bảo hiểm mong muốn nhà nước sớm hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung của ngành bảo hiểm và ban hành cơ chế, cơ sở pháp lý.
Từ đó có thể tra cứu thông tin, phục vụ việc: thẩm định, phát hành hợp đồng và giải quyết quyền lợi bảo hiểm, xác minh, điều tra dấu hiệu gian lận, phòng chống gian lận, trục lợi cả bảo hiểm y tế và bảo hiểm thương mại.
Song song đó, phía doanh nghiệp bảo hiểm kiến nghị, Bộ Y tế và các bệnh viện cần siết chặt quy trình, quy định liên quan đến khám chữa bệnh. Đảm bảo hồ sơ y tế ghi nhận đúng bệnh, có bệnh nhân thật, thông tin bệnh nhân thật khớp với thông tin nhân thân trên hồ sơ y tế…
Trong thời gian tới hiệp hội và các doanh nghiệp bảo hiểm hội viên sẽ phối hợp chặt chẽ, chủ động hơn trong công tác phòng chống gian lận trục lợi bảo hiểm. Nghiên cứu thực hiện giải pháp: lập danh sách đen, danh sách cảnh báo cơ sở y tế, nhân viên y tế, nhóm bệnh, địa bàn, loại sản phẩm dễ bị gian lận, trục lợi, chia sẻ các kết quả điều tra, phát hiện cách thức, thủ đoạn gian lận…
Hiện tại nhiều doanh nghiệp khối nhân thọ đang đầu tư xây dựng quy trình hướng dẫn cho thẩm định viên nhận diện những trường hợp đáng ngờ, chứng từ có dấu hiệu làm giả. Sàng lọc các hồ sơ yêu cầu bồi thường có dấu hiệu khả nghi, điều tra kỹ lưỡng. Dùng công nghệ để nhận diện, giúp thẩm định viên có thể xử lý phù hợp…
Khi rà soát và xác minh, các doanh nghiệp cần đảm bảo tính minh bạch và công bằng, vừa phòng chống và ngăn chặn trục lợi bảo hiểm, vừa phục vụ đầy đủ và kịp thời quyền lợi của khách hàng chân chính.
Nguồn: https://tuoitre.vn/truc-loi-bao-hiem-hau-qua-nghiem-trong-20241223164516932.htm