Tối 23/12, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức “Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024” tại TP.HCM. Đây là lần thứ 2 (sau năm 2022), VASEP tổ chức hoạt động này nhằm nhìn lại kết quả và hướng tới những mục tiêu cao hơn trong năm 2025.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc – Chủ tịch VASEP cho biết: “Năm 2024 có nhiều khó khăn đối với ngành thủy sản. Tuy nhiên nhờ tinh thần sáng tạo, khả năng thích ứng linh hoạt ngành thủy sản Việt Nam đã đạt được thành tích ấn tượng với giá trị xuất khẩu 10 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2023”.
Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024. Ảnh: VASEP
Các mặt hàng chủ lực đều có tăng trưởng tích cực như: tôm 4 tỷ USD, tăng 16,7%; cá ngừ gần 1 tỷ USD, tăng 17%; cá tra 2 tỷ USD, tăng 9,6%. Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, hiện Việt nam là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.
“Ngành thủy sản Việt nam tự hào góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước, đem lại việc làm cho hàng triệu nông ngư dân, khẳng định vị thế trên thương trường thế giới”, Chủ tịch VASEP cho biết.
Tham dự lễ mừng và phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết: “Năm nào cũng trông ngóng kết quả xuất khẩu thủy sản ra sao”.
Theo ông Tiến, kết thúc một năm nhiều thách thức, xung đột và bất ổn chính trị ở một số quốc gia, khu vực trên thế giới dẫn đến lạm phát tăng cao, thất nghiệp tăng, kinh tế nhiều nước bất ổn, tác động từ rào cản của thị trường ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam. Bên cạnh đó những khó khăn về môi trường, dịch bệnh, thiên tai nói chung, đặc biệt là cơn bão Yagi (Bão số 3) đã gây thiệt hại lớn cho ngành thủy sản, ảnh hưởng đến hàng trăm tàu thuyền và hàng nghìn hecta, hàng nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản, gây thiệt hại kinh tế hàng trăm tỷ đồng cho các doanh nghiệp và bà con nông-ngư dân, tuy nhiên toàn ngành đã vượt qua, duy trì tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu.
Đặc biệt để có được kết quả như hiện nay có thể nói ngành đã nhận sự quan tâm trực tiếp và sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (như gói hỗ trợ 30.000 tỷ…), lãnh đạo Bộ NNPTNT, các Bộ, ngành, địa phương trong định hướng, chỉ đạo. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của các Hiệp hội, Doanh nghiệp ngành hàng trong tổ chức sản xuất, chế biến, cải tiến không ngừng về chất lượng sản phẩm, đa dạng hoá thị trường, chúng ta đã vượt qua những khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc và vượt kế hoạch.
Theo thống kê, năm 2024 xuất khẩu thủy sản của cả nước cán đích với khoảng 10 tỷ USD, tăng khoảng 12,7% so với năm 2023, trong đó một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao như: Tôm ước đạt 4,0 tỷ USD (tăng 16,7%); Cá tra ước đạt 2,0 tỷ USD, (tăng gần 9,6%); Cá ngừ ước đạt 1,0 tỷ USD (tăng 17%); Mực, bạch tuộc ước đạt trên 600 triệu USD…
Trước những kết quả nêu trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã biểu dương và đánh giá cao các hoạt động của VASEP trong việc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về thuỷ sản, liên kết hoạt động của các doanh nghiệp, xây dựng mối liên kết với nông, ngư dân sản xuất nguyên liệu, đồng thời, tích cực chủ động trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ, phản ánh kịp thời những vướng mắc, giải quyết những thách thức từ chính sách, thị trường, luôn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá rất cao.
“Trong thời gian tới, cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, Ngành liên quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã, đang và tiếp tục luôn đồng hành cùng cộng đồng nông dân, ngư dân, doanh nghiệp trong ngành thủy sản, chỉ đạo quyết liệt tái cơ cấu, mở rộng sản xuất, rà soát, bổ sung cơ chế chính sách; kiên quyết gỡ bỏ những quy định không còn phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp. Sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và VASEP luôn rất chặt chẽ, đặc biệt trong công tác chỉ đạo sản xuất, hỗ trợ thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp”- ông Tiến cho biết.
Năm 2025 sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức mới đối với ngành thủy sản, trong đó, việc giải quyết thẻ vàng IUU, thích ứng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và các rào cản từ thị trường sẽ là mục tiêu quan trọng. Nhưng tôi tin rằng, với sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp, cùng với sự đồng hành của VASEP và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chúng ta sẽ tiếp tục vượt qua những khó khăn này và tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Theo ông Tiến, ngành thủy sản Việt Nam có nhiều cơ hội để vượt qua mốc 10 tỷ USD trong năm 2025, và tiến tới mục tiêu 11 tỷ USD, trong bối cảnh nguồn nguyên liệu được cải thiện và thị trường xuất khẩu được mở rộng. Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện uy tín của các doanh nghiệp sẽ giúp chúng ta gia tăng thị phân, khẳng định vị thế của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế….
Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, ngoài trách nhiệm của Bộ NNPTNT và các địa phương, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã đề nghị VASEP, cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông ngư dân trong ngành thủy sản cùng thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, làm tốt công tác vận động, tuyên truyền các hội viên thực hiện nghiêm các quy định tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn, đặc biệt liên quan đến quy định sử dụng hóa chất, kháng sinh; thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ trong chuỗi sản xuất, chế biến theo hướng kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường…
Thứ hai, tăng cường sự hợp tác, đoàn kết giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận, duy trì và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tuân thủ các quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu, kiên quyết bài trừ những biểu hiện mất đoàn kết, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật, phát triển thiếu bền vững. Để tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản, ngoài các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU… cần tập trung phát triển xuất khẩu các sản phẩm thủy sản đi các thị trường Halal, Trung Đông….
Thứ ba, thúc đẩy liên kết giữa các đơn vị tham gia vào chuỗi sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tiếp tục nâng cao tỷ trọng các mặt hàng giá trị gia tăng xuất khẩu. Thông báo kịp thời tới Bộ, ngành liên quan về các vướng mắc trong quá trình xuất khẩu để có biện pháp xử lý kịp thời; tiếp tục chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý và tăng trưởng bền vững.
“Với tinh thần đó, tôi tin tưởng rằng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặt hái được các thành công, góp phần quan trọng vào hiện thực hóa mục tiêu phát triển thủy sản bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong Quyết định số 339 và góp phần vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước”- ông Tiến khẳng định.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết: Thủy sản là một trong những ngành hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực, có năng lực cạnh tranh cao, đi đầu trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của Việt Nam và còn nhiều dư địa phát triển.
Để gia tăng giá trị của ngành hàng này trong thời gian tới, Thứ trưởng cho biết cần đa dạng hóa thị trường; các doanh nghiệp cần tận dụng xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang diễn ra rất nhanh trên thế giới; khai thác thêm các thị trường mới, nhất là vùng nguyên liệu tại các khu vực Châu Phi, Trung Đông…
“Trọng tâm của Bộ Ngoại giao hiện nay trong triển khai công tác đối ngoại là ngoại giao kinh tế. Ngoại giao kinh tế trở thành nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nước ta. Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp thủy sản để đồng hành, hỗ trợ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Chúng tôi sẵn sàng đẩy mạnh trao đổi thông tin, cung cấp thông tin thị trường, kinh nghiệm các nước trong xu thế hiện nay trên thế giới”, Thứ trưởng Hằng cho biết.
Nguồn: https://danviet.vn/vasep-to-chuc-le-mung-xuat-khau-thuy-san-dat-tren-10-ty-usd-rieng-con-tom-mang-ve-tren-100000-ty-dong-20241224074254223.htm