NDO – Vào mùa đông, mày đay là một tình trạng rất hay gặp do người mắc có cơ địa da nhạy cảm, khi trời chuyển lạnh và kết hợp với sự khô hanh sẽ là tác nhân làm bùng phát hoặc nặng thêm tình trạng này.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương, mày đay có thương tổn da là những sẩn phù được bao quanh bởi quầng đỏ, rất ngứa. Các sẩn có thể tồn tại từ 30 phút tới 36 giờ, có kích thước từ 1mm tới vài cm (mày đay khổng lồ), ấn kính mất màu. Đặc trưng của mày đay là các mạch máu bị giãn và tăng tính thấm ở trung bì nông và liên quan tới mạng lưới mao mạch ở vị trí đó.
Đối với mày đay cấp tính có biểu hiện đột ngột ở bất cứ vùng nào trên cơ thể, thể hiện trên những sần, phù nề, ngứa dữ dội, xảy ra trong vài phút hoặc vài giờ rồi lặn hoặc có thể từng đợt kế tiếp nhau.
Còn mày đay mạn tính là tình trạng nổi mày đay kéo dài trên 8 tuần, không kể nhiều hay ít, có khi ngắt quãng nhiều ngày, có thể gặp các dạng khác nhau.
Do vậy để phòng ngừa mày đay trong mùa đông, bạn cần lưu ý: Luôn chú ý mặc ấm, hạn chế tối đa tiếp xúc với môi trường lạnh; giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ; tránh ăn thức ăn, uống các loại thuốc đã gây dị ứng từ trước.
Người bệnh thận trọng khi sử dụng mỹ phẩm, lựa chọn sử dụng mỹ phẩm phù hợp; đeo khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ lao động khi tiếp xúc với môi trường có nhiều hoá chất độc hại…
Duy trì độ ẩm cho da vào mùa đông
Để duy trì độ ẩm cho da vào mùa đông, bác sĩ khuyến cáo người dân cần lưu ý tăng cường dưỡng ẩm cho da. Dưỡng ẩm và tăng độ ẩm cho da mùa đông là quan trọng nhất. Chúng ta cần bôi kem dưỡng ẩm cho da đều đặn và bôi đúng cách. Cách bôi dưỡng ẩm da đơn giản nhất là bôi thật kỹ, thật dày ngay sau khi tắm xong vì lúc đó da có độ ẩm cao nhất. Sau khi tắm sau, nên lau khô người rồi bôi dưỡng ẩm ngay lúc đó là thuận lợi nhất để ngấm hoạt chất dưỡng ẩm vào trong da.
Không tắm nước quá nóng: Để tránh khô da, mọi người không nên tắm nước quá nóng, đặc biệt với trẻ nhỏ chỉ nên tắm với nhiệt độ nước khoảng 37 độ C và được đo chính xác bằng nhiệt kế.
Lưu ý khi dùng đèn sưởi, điều hòa: khi dùng đèn sưởi, điều hòa cũng rất dễ gây khô da nhất là loại đèn sưởi có bóng đèn sợi đốt. Tốt nhất, khi dùng các thiết bị này nên có một chậu nước để trong phòng để tạo độ ẩm tốt cho da, không nên để đèn sưởi quá gần giường ngủ hoặc quá gần người.
Tuyệt đối không đốt than, củi để sưởi ấm khi ngủ: việc làm này vẫn còn diễn ra ở một số vùng nông thôn, không chỉ gây khô da trầm trọng, mà còn gây hệ lụy cho sức khỏe, như việc sưởi than phòng kín dễ gây ngạt khí, cháy nổ.
Chú ý chăm sóc đặc biệt với những người mắc viêm da cơ địa, vảy nến,…: Với những người bệnh có tiền sử viêm da cơ địa, vảy nến hay một số bệnh lý khác, khô hanh sẽ là điều kiện để bệnh tái phát hoặc bùng phát nặng hơn. Do đó với những trường hợp này việc chăm sóc da cần được chú ý hơn, tốt nhất là nên tham khảo với bác sĩ da liễu để được hướng dẫn cụ thể.
Nguồn: https://nhandan.vn/phong-ngua-may-day-bung-phat-vao-mua-dong-post851103.html