Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã cấp chứng nhận cho 247 sản phẩm Ocop. Các Hợp tác xã có sản phẩm đạt chứng nhận Ocop đang từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó cùng người nông dân nâng cao giá trị cây, con đặc trưng của địa phương.
Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, một số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã chủ động tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Ocop). Đến thời điểm này, toàn tỉnh Yên Bái đã cấp chứng nhận 247 sản phẩm Ocop. Việc tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm cũng là cơ hội để các hợp tác xã, tổ hợp tác nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Phát huy lợi thế phát triển các sản phẩm Ocop đặc trưng.
Được thành lập vào năm 2020, Hợp tác xã sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh ở thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) đã phát huy lợi thế của địa phương để phát triển các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của núi rừng Tây Bắc như: cá sấy Hồ Thác Bà, thịt lợn sấy, trâu sấy, mật ong rừng Mù Cang Chải. Trong đó, HTX chủ yếu tập trung phát triển các sản phẩm từ cá hồ Thác Bà với 2 sản phẩm thế mạnh đó là: Cá mương sấy hồ Thác Bà Hiền Vinh và Cá rô lọc xương sấy hồ Thác Bà Hiền Vinh. Đây đều là các sản phẩm Ocop đã được công nhận đạt tiêu hạng 3 sao vào năm 2020, đã và đang được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.
Chị Phạm Thị Hồng Ly, trú ở phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) chia sẻ, bản thân và gia đình rất thường xuyên sử dụng các sản phẩm Ocop cho sinh hoạt hàng ngày cũng như để biếu tặng. “Các sản phẩm Ocop đảm bảo về chất lượng, làm quà biếu mọi người rất thích. Nhiều người sử dụng xong còn nhờ mua thêm vì sản phẩm rất đặc trưng, chất lượng không lẫn với sản phẩm của nơi khác”.
Chia sẻ với PV, chị Đồng Thị Hiển, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh, cho biết: “Điều thôi thúc tôi xây dựng một HTX phát triển là do địa phương có nguồn nguyên liệu, trên hồ Thác Bà có nguồn cá nhưng người dân bán với giá rất rẻ. Tôi đã thành lập HTX cùng với người dân tập hợp lại, xây dựng đưa sản phẩm cá xấy hồ Thác Bà phát triển”.
Để duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm Ocop, HTX sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh luôn chú trọng đến khâu nguyên liệu, quy trình chế biến sản phẩm. Với phương pháp sản xuất, chế biến và bảo quản theo hướng thủ công kết hợp hiện đại, tất cả các sản phẩm sau khi chế biến xong đều được hút chân không, để đảm bảo chất lượng thơm, ngon, mẫu mã đẹp, có mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc rõ ràng, giúp khách hàng yên tâm khi sử dụng.
Tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm Ocop, thời gian qua, HTX chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương ở thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) cũng đã nỗ lực xây dựng thành công ba sản phẩm được chứng nhận Ocop 3 sao cấp tỉnh và sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2023 gồm: mứt táo mèo, ô mai táo mèo và rượu táo mèo. Đây đều là những sản phẩm được chế biến từ quả sơn tra (quả táo mèo) một trong những sản phẩm đặc trưng của huyện vùng cao Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái).
Bà Hà Thị Hạnh, Công nhân HTX chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương, thành phố Yên Bái cho biết: “Để có sản phẩm ngon, chất lượng thì chúng tôi phải lựa chọn những quả táo tươi, ngon, chín đều, những quả thối chúng tôi loại bỏ, đảm bảo an toàn thực phẩm”.
Sơn Tra là loại quả thời vụ, mỗi vụ chỉ kéo dài vài tháng trong năm, nên vào chính vụ, để có thể cung cấp đủ sản phẩm ra thị trường, ngoài việc thuê thêm lao động địa phương, HTX chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương đã áp dụng các tiến bộ khoa học, đầu tư máy móc để nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến.
“Khách hàng luôn mong muốn có một sản phẩm chất lượng tốt nhất, an toàn nhất nên chúng tôi luôn tìm kiếm giải pháp cho sản phẩm làm sao đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thứ 2 về mẫu mã, bao bì. Trong đó chất lượng sản phẩm phải đặt lên đầu tiên chính vì khi đó sản phẩm của chúng tôi nhận được phản hồi rất tích cực từ phía khách hàng, điều đó tạo động lực rất lớn cho chúng tôi và các thành viên HTX để đưa ra thị trường sản phấp tốt nhất đến tay khách hàng”. Chị Đoàn Thị Lương, Giám đốc HTX chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương, thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) chia sẻ.
Với mong muốn tiếp tục mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, khẳng định thương hiệu “táo mèo” Yên Bái, bên cạnh việc nâng cao chất lượng các sản phẩm: ô mai táo mèo, mứt táo mèo và rượu táo mèo, Hợp tác xã Chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương còn đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá, trưng bày sản phẩm, bán online, trực tiếp tại các cửa hàng, đại lý, khu du lịch trong, ngoài tỉnh.
Tăng giá trị sản phẩm Ocop tạo thu nhập cho người dân.
Đặc biệt, trước xu thế phát triển của công nghệ 4.0, Hợp tác xã Hiền Vinh (thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) còn chủ động, nắm bắt cơ hội đưa các sản phẩm Ocop lên sàn thương mại điện tử như: Shopee; Tiki, Lazada và các trang mạng xã hội: facebook, tiktok. Nhờ đó, mỗi năm, Hợp tác xã đã cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh hàng chục tấn cá sấy, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm đặc sản địa phương.
“Dựa trên nguồn cá tươi mình chế biến thành sản phẩm khô, nâng cao giá trị sản phẩm lên từ đó giúp bà con khu vực hồ nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo mức sống, có thêm thu nhập và có thêm nguồn tiêu thu cá tốt hơn”. Đồng Thị Hiển, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh nói.
Để có các sản phẩm vừa ngon, hấp dẫn, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ngoài một cửa hàng trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm ở trung tâm thành phố Yên Bái, Hợp tác xã Đoàn Lương đã xây dựng riêng một cơ sở sản xuất, chế biến nằm trên địa bàn xã Văn Phú (thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái). Tại đây, táo mèo tươi được Hợp tác xã thu mua từ trên các huyện vùng cao Mù Cang Chải, Văn Chấn về và được chọn lọc, phân loại kỹ lưỡng trước khi đưa đi chế biến thành phẩm.
Việc ứng dụng công nghệ sinh học, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến đã giúp các sản phẩm Ocop từ quả táo mèo đều có giá trị cao hơn. Hiện mỗi năm, Hợp tác xã Đoàn Lương tiêu thụ ra thị trường khoảng 2 tấn mứt, 2 tấn ô mai và 2.000 lít rượu, đạt doanh thu khoảng 500 triệu đồng/ năm. Đồng thời, tạo việc làm cho khoảng 10 lao động địa phương, chủ yếu là chị em phụ nữ với mức thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng/ người/ tháng.
“Yên Bái có rất nhiều táo mèo, hàng năm sản lượng táo mèo ở vùng Mù Cang Chải, Văn Chấn rất lớn nhưng giá thành ra thị trường lại rất rẻ chỉ dao động từ vài nghìn đồng đến 10 nghìn đồng cho 1 kilogam thôi. Chính vì vậy người dân mang được quả táo xuống dưới phố bán tôi thấy rất khó khăn và vất vả. Bản thân tôi kinh doanh sản phẩm táo mèo từ rất lâu rồi.
Ngoài chế biến ngâm rượu và phơi khô thì khách hàng không biết làm gì. Cho nên tôi luôn khao khát tìm tòi để cho ra thị trường dòng sản phẩm khác để người tiêu dùng có thể sử dụng sản phẩm táo mèo quanh năm và cũng để nâng cao giá trị của sản phẩm”. Chị Đoàn Thị Lương, Giám đốc HTX chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương, tâm sự.
Tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm, các HTX đã được chính quyền địa phương hỗ trợ hoàn thiện nâng cấp bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm ocop, tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm. Dựa trên đăng ký của HTX, các địa phương cũng đã có định hướng phát triển để nâng hạng sản phẩm đạt chứng nhận Ocop cấp tỉnh lên cao hơn. Giúp các hợp tác xã nâng cao chất lượng sản phẩm, giá thành sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
nguồn: https://danviet.vn/nang-cao-chat-luong-san-pham-ocop-de-nang-cao-gia-tri-tang-thu-nhap-2024121616175268.htm