Không có gì là đồ bỏ
Sách báo xưa, tiền, tem và sành sứ xưa đã trở thành “chuyện xưa rồi diễm”. Bây giờ, thú chơi của người sưu tập là tìm mua luôn cả nồi đồng, cối đá, vỏ chai bia, nước ngọt, giấy khai sanh, hôn thú, thẻ căn cước, thẻ cử tri, giấy cầm đồ, các loại hóa đơn trước năm 1975 và thậm chí thơ từ, album hình cưới, hình kỷ niệm của…người lạ hoắc.
Mua để làm gì? Anh N.K.N., cựu tổng thư ký tòa soạn một nhựt báo tại Sài Gòn tỏ vẻ ngạc nhiên và không tin, yêu cầu tôi phải “post” cho anh xem mấy tấm hình để làm bằng chứng.
Có thể nói, bây giờ cái gì cũ là bán được. Đặc biệt là những thứ đồ cũ trước 1975, tưởng như là đồ bỏ thì bây giờ được rao bán trên các trang mạng với giá trên trời. Ví dụ, mấy cái nón sắt quân dụng thời chiến tranh. Loại này hồi xưa bà con ở nông thôn dùng cái nón nhựa carton làm gàu múc nước, còn cái nón sắt thì làm dụng cụ đâm chuối cho heo ăn. Bây giờ người ta tách nón nhựa, nón sắt riêng và rao bán với giá từ 2 – 4 triệu đồng/cái, tùy theo tốt xấu.
Vài ba năm trước, người ta rất ngạc nhiên khi thấy giới chơi sách sẵn sàng bỏ ra 5 – 7 triệu đồng để mua những quyển sách có chữ ký của tác giả nổi tiếng. Thậm chí, trong một cuộc đấu giá trên mạng xã hội, có người chấp nhận bỏ ra 20 triệu đồng để mua quyển Thú chơi sách có chữ ký của cụ Vương.
Bây giờ, chuyện đó là bình thường! Bởi vì có rất nhiều quyển sách xưa người ta rao bán với giá từ 5 – 10 triệu đồng tới 30 – 40 triệu đồng, nhất là sách lịch sử, khảo cứu của một số tác giả nổi tiếng như Tạ Chí Đại Trường, Phan Khoang, Bình Nguyên Lộc, Toan Ánh…
Tờ nhạc phát hành trước năm 1975 mấy năm trước giá chỉ vài ngàn mà có người còn chê mắc. Bây giờ, giá trung bình từ 150.000 – 300.000 đồng, nhưng có người rao bán với giá 500.000 – 700.000 đồng, thậm chí 1,5 triệu đồng/tờ. Đặc biệt như tờ Chiều mưa biên giới, người bán đòi giá tới 2 triệu đồng.
Thú sưu tập rất lạ
Lạ nhất là có những thứ tưởng như đồ bỏ rồi mà bây giờ vẫn đem ra bán được và bán với giá rất cao. Cụ thể: quyển tập học sinh cũ, đã viết rồi, nếu thấy để chật nhà, trước đây người ta đem cân ký cho mấy bà ve chai với giá vài ngàn đồng một ký.
Bây giờ, những quyển tập như vậy được bán từ 20.000 – 70.000 đồng, tùy theo hình bìa. Có những quyển tập cũ được bán với giá 100.000 – 200.000 đồng, nếu bìa trước có tranh thiếu nữ đẹp do các họa sĩ Lê Trung, Hoàng Lương vẽ, hoặc bìa sau có truyện tranh như Thạch Sanh – Lý Thông, Sự tích trầu cau, Con Tấm – Con Cám…
Những năm trước, dân chơi sưu tầm vé số phát hành trước năm 1975 với giá từ 50.000 – 70.000 đồng một tờ. Có lẽ bây giờ nguồn này đã cạn nên người ta chơi luôn vé số mới phát hành vào thập niên 1980 -1990 với giá cũng từ 10.000 – 50.000 đồng/tờ, tùy chủ đề. Riêng vé số Tombola phát hành trước năm 1975 thì giá từ 600.000 – 700.000 đồng/tờ, nhưng rất hiếm.
Trước đây, những vật dụng xưa người ta rao bán nhiều nhất là đèn măng xông, bàn ủi, đồng hồ, mắt kiếng, lon sữa Guigoz… Còn bây giờ, vỏ chai bia con cọp, bia 33, chai nước ngọt BGI, Phương Toàn, chai nước suối Vĩnh Hảo và cả cái thạp da bò và cái kiệu (lu) đựng nước cũ bự tổ chảng cũng được rao bán!
Giấy tờ xưa trước năm 1975 cũng là loại hàng bán đắt với giá khá cao. Trong đó, các loại hóa đơn mua vàng, mua radio, cassette, vô tuyến truyền hình, máy may, đồng hồ, xe đạp… trung bình từ 100.000 – 300.000 đồng/tờ. Một số loại hóa đơn thuộc loại hiếm như “tiệm vàng lá” Nguyễn Thế Tài, tiệm vàng Nguyễn Thế Năng nổi tiếng ở đường Lê Thánh Tôn, Sài Gòn.
Rồi hóa đơn đồng hồ Odo, máy may hiệu Singer, Sinco, hóa đơn “television” hiệu Denon… Xưa nhất có lẽ là tờ cổ phiếu đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho, có người rao bán giá 9 triệu đồng. Đặc biệt là giấy thuế thân thời Pháp thuộc giá trên dưới 1 triệu đồng.
Cũng rất lạ là các loại giấy tờ cá nhân trước năm 1975 bán rất đắt. Chẳng hạn như thẻ học sinh, thẻ sinh viên, học bạ, chứng chỉ học trình, chứng chỉ đánh máy chữ, bằng tiểu học, thẻ căn cước, thẻ cử tri, giấy khai sanh, hôn thú, chứng chỉ sống chung, bằng lái xe, thẻ đăng bộ xe, tờ khai gia đình, giấy mua bán nhà, giao kèo cho mướn ruộng, rồi hợp đồng thuê bao điện thoại, lắp đặt thủy lượng kế… cũng có người mua hết.
Ngoài ra, dòng giấy tờ thời bao cấp cũng được sưu tập, như: sổ mua lương thực, sổ hộ khẩu, sổ đăng ký tạm trú, sổ nhận hàng, nhận tiền nước ngoài gởi về. Một số loại hàng “độc” như vé xe đò, phiếu tem vải, phiếu thực phẩm “bồi dưỡng người đẻ”, phiếu xăng dầu, được bán với giá vài ba trăm ngàn một tờ. Lạ nhất là hóa đơn tiền điện, tiền nước và toa thuốc, sổ… khám bệnh cũng được rao bán.
Riêng các loại tuần báo, nhựt báo phát hành trước năm 1975 tại Sài Gòn vì “độc bản” nên đẩy giá cho người sưu tập rất cao. Vài năm trước, tờ nhựt báo 4 hoặc 8 trang khổ lớn, giá chừng 40.000 – 80.000 đồng. Bây giờ, người ta “hét” lên 400.000 – 700.000 đồng, thậm chí 1 triệu đồng/tờ. Có người rao bán tờ Tiếng Dội do nhà báo Trần Tấn Quốc làm chủ bút với giá 4,5 triệu đồng. Vì vậy, với những tờ giai phẩm xuân của thập niên 1950 – 1960 giờ rất hiếm nên giá càng cao chót vót.
Nguồn: https://thanhnien.vn/thu-suu-tap-do-co-doc-la-gia-tri-khong-tuong-185241223102018706.htm