Một vấn đề rất đáng lưu ý tại Hoa Kỳ hiện nay là phát triển logistics xanh đang nổi lên như một xu hướng tất yếu. Các sáng kiến mới như giảm phát thải carbon, áp dụng phương tiện vận tải điện và tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển, tăng cường sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và blockchain để tối ưu hóa vận hành, minh bạch hóa chuỗi cung ứng và nâng cao hiệu quả dự báo.
Ở Việt Nam, logistics được xem là yếu tố cốt lõi để hỗ trợ các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, đồ gỗ mỹ nghệ, nông sản và linh kiện điện tử. Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam vẫn chiếm khoảng 16,8% GDP – cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu 10-12%, tạo ra áp lực lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Chi phí vận chuyển và lưu kho, đặc biệt là trong vận tải biển – phương thức chính để kết nối với Hoa Kỳ, cần được cải thiện đáng kể. Để làm được điều này, các cảng biển nước sâu như Cái Mép – Thị Vải và hệ thống kho bãi hiện đại đang được đầu tư mạnh mẽ nhằm giảm chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả và tăng tính cạnh tranh.
Một thách thức khác nổi lên trong thời gian gần đây là tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực logistics, bao gồm giả mạo vận đơn và thất thoát hàng hóa. Bộ Công Thương đã khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sử dụng công nghệ blockchain để tăng cường tính minh bạch và bảo mật trong giao dịch. Đồng thời, hợp tác với các đối tác logistics uy tín sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả vận chuyển.
Bên cạnh các thách thức, ngành logistics Việt Nam cũng có nhiều cơ hội lớn nhờ vào xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử cũng đang thúc đẩy logistics đa kênh, yêu cầu các doanh nghiệp phải đầu tư vào giao hàng chặng cuối và tối ưu hóa luồng vận chuyển.
Để tận dụng tối đa tiềm năng, ngành logistics cần tiếp tục đầu tư vào công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực hạ tầng và xây dựng hệ thống quản lý thông minh. Sự kết hợp giữa đổi mới công nghệ, phát triển bền vững và tăng cường hợp tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam củng cố vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó không chỉ nâng cao giá trị xuất khẩu mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Tham gia diễn giả có:
– Ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ;
– Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục Trưởng Cục Xuất Nhập Khẩu, Bộ Công Thương;
– Ông Miguel A. Ferer, Tiến sĩ, CEO Công ty cổ phần Công nghệ VloT
và một số chuyên gia khác.
Dẫn chương trình: Ông Nguyễn Thắng Vượng – Vụ thị trường Châu Âu- Châu Mỹ
Để biết thêm thông tin chi tiết, xin mời xem Tọa đàm trực tuyến “Logistics với thị trường Hoa Kỳ” theo đường link: Logistic.mp4 – Google Drive
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/toa-dam-truc-tuyen-logistics-voi-thi-truong-hoa-ky.html