“Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Loại hình nghệ thuật đặc sắc
Năm 2019, “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Theo Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá tỉnh Lạng Sơn cho biết, Then của người Tày, Nùng Lạng Sơn là nét sinh hoạt văn hóa cổ xưa với các hệ thống nghi lễ, là dịp để con cháu báo công với tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho một mùa làm ăn suôn sẻ, tốt đẹp. Chính vì vậy, Then có nghĩa là Thiên (trời), hát Then là “những câu hát của trời”.
Giống như nhiều địa phương khác trên cả nước, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay, “Thực hành Then” đang tồn tại ở 2 dạng chính: Then nghi lễ – Then cổ (phục vụ việc hành nghề tín ngưỡng) và Then mới (cải biên, sáng tác dựa trên âm hưởng Then cổ đã được sân khấu hóa).
Trong đó, Then nghi lễ ở Lạng Sơn bao gồm một số loại hình như lẩu Then; Then cầu mong; Then chúc tụng; Then cầu mùa… Then được phân bố ở hầu khắp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, dần hình thành và khẳng định các vùng Then tiêu biểu như Bắc Sơn – Bình Gia; Văn Quan – Chi Lăng; Tràng Định – Văn Lãng; Cao Lộc – thành phố Lạng Sơn…
Mỗi vùng có đặc điểm riêng của làn điệu âm nhạc và mang đậm bản sắc, sự độc đáo của vùng đó trong các cuộc Then. Then Lạng Sơn hiện nay vẫn còn lưu giữ tương đối đầy đủ các làn điệu như tò mạy, khảm hải (vượt biển), sluôi lừa (chèo thuyền), pây tàng (đi đường), múa chầu… Đây chính là yếu tố làm nên sự đa dạng, phong phú và hấp dẫn của Then Lạng Sơn so với Then ở các địa phương khác trong khu vực.
Đến hết năm 2023, tỉnh Lạng Sơn có 510 nghệ nhân “Thực hành then”, trong đó có 62 nghệ nhân then nam và 448 nghệ nhân then nữ. Đặc biệt, tỉnh đã có 3 nghệ nhân nắm giữ di sản “Thực hành Then” được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Cùng với đó, Lạng Sơn đã xây dựng được hơn 60 câu lạc bộ hát then, đàn tính với khoảng 1.500 thành viên tham gia.
Phát huy giá trị di sản “Thực hành Then”
Để bảo tồn di sản Then, trong những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều giải pháp góp phần bảo tồn, phát huy, lan tỏa giá trị của Then trong cộng đồng.
Theo ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, ngay sau khi thực hành Then được UNESCO vinh danh, Sở đã xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này, đảm bảo đồng bộ theo các quy định của Công ước UNESCO.
Cụ thể, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản tới cộng đồng. Đồng thời, tổ chức các hoạt động vinh danh khen thưởng các nghệ nhân, thành lập các câu lạc bộ (CLB), mở lớp truyền dạy hát dân ca, trong đó có hát Then…
Sở đã tham mưu UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2030”.
Theo đó, từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi năm, Sở tổ chức từ 1 đến 3 lớp truyền dạy hát Then, đàn tính cho người dân thuộc nhiều lứa tuổi tại cơ sở. Đồng thời, hỗ trợ nhạc cụ và một số trang phục biểu diễn cho người dân.
Ngoài ra, ngành Văn hóa tỉnh Lạng Sơn cũng phối hợp cùng Hội Bảo tồn dân ca tỉnh vận động, khuyến khích các cơ sở có đông đồng bào dân tộc Tày, Nùng sinh sống, thành lập các CLB hát Then – đàn tính gắn với truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Tại các huyện, thành phố, ngành Văn hóa cũng rất chú trọng công tác bồi dưỡng Then cho thế hệ trẻ. Hằng năm, ngành Văn hóa đều phối hợp với các trường học mời các nghệ nhân, trong đó có nghệ nhân trẻ đến giới thiệu giá trị của di sản Then tại các hoạt động ngoại khóa.
Mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể “Thực hành Then” trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Mục đích của kế hoạch nhằm huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị Then theo các nội dung đã cam kết với UNESCO, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công ước quốc tế đối với di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO và danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Bên cạnh đó, chương trình cũng nhằm mục đích gìn giữ, lưu truyền cho các thế hệ mai sau những giá trị độc đáo, mang đậm tính nhân văn nhằm từng bước nhân rộng, lan tỏa, phát triển không gian văn hóa Then trong đời sống, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, phổ cập văn hóa Then trong nhà trường; nâng cao nhận thức và lòng tự hào, ý thức tự giác của cộng đồng, cá nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ về ý nghĩa, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Then trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ở hiện tại và tương lai.
Kế hoạch cũng nhằm đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị “Thực hành Then” ở quy mô sâu rộng hơn, hoàn chỉnh hơn, mang tính bền vững và trở thành nội lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, dịch vụ của tỉnh.
Kế hoạch của chương trình sẽ gồm 6 nhóm nội dung chủ yếu, trong đó đặc biệt là việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê và tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, quảng bá, giới thiệu Then; Tập huấn, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh hoạt động truyền dạy Then trong cộng đồng, nhà trường và xây dựng mô hình, điểm không gian trải nghiệm, trưng bày, triển lãm, quảng bá, giới thiệu, trình diễn Then gắn với phát triển du lịch.
Để thực hiện kế hoạch, trung bình mỗi năm tỉnh Lạng Sơn sẽ đầu tư, hỗ trợ mới các trang thiết bị cần thiết như: đàn tính, trang phục, đạo cụ và cơ sở vật chất liên quan khác cho từ 3 – 5 CLB hoặc mô hình sinh hoạt Then truyền thống trên địa bàn toàn tỉnh; các huyện, thành phố đầu tư, hỗ trợ mới các trang thiết bị cần thiết như: đàn tính, trang phục, đạo cụ và cơ sở vật chất liên quan khác cho từ 1 – 2 CLB hoặc mô hình sinh hoạt Then truyền thống trên địa bàn quản lý…
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/bao-ve-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-phi-vat-the-thuc-hanh-then-20241221111325131.htm