Trước ý kiến người dân nghi vấn doanh nghiệp lợi dụng bão số 3 để “cạo trọc” rừng phòng hộ hồ Khe Giữa, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ khẳng định đang triển khai phương án khai thác rừng theo các quyết định đã phê duyệt.
Rầm rộ khai thác cây rừng phòng hộ đầu nguồn
Những ngày trung tuần tháng 12, PV Báo Giao thông lên chiếc thuyền máy nhỏ đón ở chân đập hồ Khe Giữa để hành trình vào phía rừng thượng nguồn. Chiếc thuyền máy liên tục lách qua những ngọn cây khô như những chiếc cọc nằm mập mờ dưới dưới làn nước hồ Khe Giữa khá đục vào mùa cạn.
Khu vực này có 2 loại rừng là rừng phòng hộ do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ quản lý và rừng sản xuất của người dân xã Dương Huy.
Chừng 15 phút sau, chiếc thuyền máy cặp vào bờ, PV Báo Giao thông dùng xe máy tiếp tục vượt qua quãng đường mòn nhỏ hẹp, trơn trượt, đầy rẫy những tảng đá lớn, những suối sâu chắn lối… thì đến được những cánh rừng bị bão số 3 quật cho tả tơi. Ở đây, các cây keo bị cụt ngọn, gãy ngang thân, đổ rạp xuống đất…
Qua quan sát của PV, những cánh rừng keo ở khu vực này được trồng khá thưa và đường kính cũng chênh nhau khá nhiều. Cây thì đường kính gốc lên tới 30-40cm, nhưng có cây chỉ hơn chục cm đường kính gốc.
Đáng chú ý là, trong những cánh rừng lại có nhiều đám cháy loang lổ, thậm chí vẫn còn bốc khói.
Clip một khoảnh rừng phòng hộ đang được doanh nghiệp khai thác trắng.
Men theo một con đường mới mở để ô tô vào chở keo, PV đến một khoảng rừng đang có rất nhiều nhân công đang khai thác những cây gỗ bị bão làm gãy, đổ la liệt. Một nam thanh niên cho biết, nhóm thợ nhà ở xã Sơn Dương, TP Hạ Long đến đây làm thuê, để chặt hạ, thu gom những cây bị bão đổ.
“Người thuê nói nếu không khai thác nhanh thì sẽ không còn giá trị gì nhiều. Vì gỗ mà khô, các chủ xưởng chế biến hầu như không nhận hoặc giá rất thấp”, người công nhân nói.
Hơn 14h chiều, chúng tôi “hạ sơn”. Trên đường trở ra, thỉnh thoảng gặp những chiếc xe chở đầy gỗ keo xuôi về hướng phường Mông Dương, TP Cẩm Phả trên những con đường đèo dốc, đầy hiểm nguy.
Cơ quan chức năng, chủ rừng nói gì?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Bá Trượng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ cho biết, cây keo ở rừng phòng hộ thượng nguồn hồ Khe Giữa tỷ lệ sinh trưởng khá thưa, lại được trồng từ gần 20 năm trước.
Theo cơ sở khoa học thì gỗ keo sinh trưởng đến 20 năm là cơ bản không phát triển nữa và bị bấc lõi, gãy mục, không còn giá trị. Chính vì thế, ngay từ năm 2022, doanh nghiệp đã có kế hoạch khai diện tích này để trồng lim, lát giổi…
Để chứng minh, ông Trượng đã cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan phương án khai thác chính, khai thác tận thu, khai thác tận dụng, khai thác tận thu gỗ loài thực vật rừng thông thường từ rừng phòng hộ là rừng trồng của doanh nghiệp tại tiểu khu 155, 156 thuộc địa phận xã Hòa Bình, TP Hạ Long (phương án – PV) được doanh nghiệp trình cấp có thẩm quyền từ đầu tháng 11/2022.
Đến ngày 2/7/2024, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh đã có báo cáo thẩm tra phương án khai thác rừng trồng trên diện tích 84,0ha của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ.
Ngày 11/7/2024, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&TNT) tỉnh Quảng Ninh Vũ Duy Văn đã ký công văn số 3886 về phê duyệt phương án này.
Ông Trượng cho biết, theo lộ trình, doanh nghiệp sẽ khai thác khoảng 750ha rừng trồng keo để chuyển sang trồng lim, lát, giổi xanh. Diện tích rừng trồng do doanh nghiệp thực hiện là từ ngân sách nhà nước, vì thế, việc tổ chức đấu thầu, thanh lý tài sản đã được cơ quan có thẩm quyền thực hiện đúng quy định. Hiện đơn vị trúng thầu đã đóng khoảng trên 4 tỷ vào ngân sách nhà nước.
“Công ty đã và đang triển khai phương án khai thác theo các quyết định đã phê duyệt trước khi bão số 3 đổ về. Do vậy, thông tin người dân kiến nghị là doanh nghiệp lợi dụng thiệt hại do bão số 3 gây ra để “cạo trọc” rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Khe Giữa là không chính xác”, ông Nguyễn Bá Trượng nói.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Vũ Duy Văn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết: Rừng trồng ở tiểu khu 155, 156 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ đang khai thác là gỗ keo được trồng từ lâu, đã hết kỳ sinh trưởng. Đặc biệt, sau bão Yagi, số cây bị hư hại rất lớn. Do vậy, việc khai thác diện tích này là cần thiết để tránh lãng phí tài sản của nhà nước…
“Các khâu, các quy trình thực hiện hồ sơ, phương án liên quan đều đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành”, ông Văn khẳng định.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/bi-to-loi-dung-bao-so-3-de-cao-troc-rung-phong-ho-ho-khe-giua-doanh-nghiep-noi-gi-192241220174733081.htm