Chính quyền mới do tổ chức Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu tại Syria hôm qua ra tuyên bố nêu lên quan điểm bình đẳng với mọi quốc gia và các bên khác trong khu vực, phản đối sự phân cực.
Theo AFP, chính quyền mới muốn “khẳng định vai trò của Syria trong việc thúc đẩy hòa bình khu vực và xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược đặc quyền với các nước trong khu vực”.
Điểm xung đột: Mỹ ngừng treo thưởng săn thủ lĩnh HTS; Ukraine không kịp xây phòng tuyến
Điều kiện của Mỹ
Tuyên bố được đưa ra sau khi phái đoàn ngoại giao Mỹ do Trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề Cận Đông Barbara Leaf dẫn đầu lần đầu đến Damascus từ khi chính quyền đổi chủ để trao đổi về quan hệ sắp tới. Mỹ đã đặt ra những nguyên tắc để công nhận chính quyền mới tại Syria, gồm phải đảm bảo tính bao trùm, tôn trọng quyền của các nhóm thiểu số và không làm nơi hoạt động của các tổ chức cực đoan.
Bà Barbara Leaf cho biết lãnh đạo HTS Ahmed al-Sharaa đã cam kết với đề nghị và miêu tả cuộc họp diễn ra tốt đẹp với kết quả tích cực. “Đó là cuộc gặp đầu tiên tốt đẹp. Chúng tôi sẽ đánh giá qua hành động, không chỉ bằng lời nói”, nhà ngoại giao nhấn mạnh và cho hay Mỹ sẽ dỡ bỏ mức thưởng 10 triệu USD cho việc bắt giữ ông al-Sharaa.
HTS từng là một nhánh của al-Qaeda và bị Mỹ cùng nhiều bên xem là “tổ chức khủng bố”. Tuy nhiên, tổ chức này khẳng định đã cắt đứt quá khứ và nhấn mạnh cam kết tái thiết đất nước sau nhiều năm nội chiến. Từ khi HTS giành được chính quyền vào đầu tháng này cùng sự ra đi của ông al-Assad và lực lượng Nga, nhiều chính phủ phương Tây và LHQ đã có những tiếp xúc ngoại giao với nhà cầm quyền mới tại Syria. Iran, đồng minh của ông al-Assad, cũng được cho là đang tìm cách “gỡ gạc” sự ảnh hưởng đối với chính quyền mới tại Damascus, theo tờ The Guardian. Tuy nhiên, bà Leaf nói Syria nên cắt đứt mọi ảnh hưởng của Iran sắp tới.
Bài toán người Kurd
Một trong những thách thức lớn cho chính quyền mới là việc xử lý mối quan hệ đối với lực lượng người Kurd, hiện kiểm soát vùng đông bắc của Syria. Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF), đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), có thành phần chủ yếu là lực lượng người Kurd YPG. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại coi YPG là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức bị cấm bởi Ankara và cả Washington. Từ khi chính quyền al-Assad sụp đổ, Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm do nước này hậu thuẫn đã tấn công mạnh các khu vực của người Kurd ở miền bắc Syria và cảnh báo sẽ can thiệp quân sự nếu HTS không giải quyết vấn đề thỏa đáng và đồng minh phương Tây không chấm dứt việc hậu thuẫn các tay súng người Kurd.
Mỹ tăng gấp đôi binh sĩ đóng tại Syria
Trong tuyên bố ngày 20.12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói muốn thấy một Syria mới với sự hòa hợp của mọi dân tộc, tôn giáo và điều kiện là IS và PKK-YPG phải bị diệt trừ.
Phát biểu sau chuyến thăm Damascus, bà Barbara Leaf cho biết đang làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ và SDF để tìm “một sự chuyển đổi có kiểm soát cho vai trò của SDF tại đông bắc Syria”.
Trong chuyến thăm Ankara hôm 20.12, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cảnh báo về nguy cơ leo thang chiến sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd, theo Reuters. Bà Baerbock nhấn mạnh an ninh của người Kurd là “yếu tố then chốt cho nước Syria tự do và an toàn” nhưng những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải được giải quyết để đảm bảo ổn định. “Các nhóm người Kurd phải từ bỏ vũ khí và sáp nhập vào cấu trúc an ninh quốc gia”, Ngoại trưởng Đức đề xuất.
LHQ gia hạn tuần tra tại Syria
Hội đồng Bảo an LHQ ngày 20.12 kéo dài thời hạn sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại vùng đệm giữa Syria và Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát thêm 6 tháng. Vùng đệm phi quân sự được tạo ra sau Chiến tranh Israel –
Ả Rập năm 1973 nhưng quân đội Israel đã tiến vào khu vực này sau khi lực lượng đối lập lật đổ chính quyền nhà lãnh đạo Bashar al-Assad đầu tháng này. Israel nói chỉ hiện diện tạm thời nhằm đảm bảo an ninh biên giới nhưng không nhắc đến ngày rút quân.
Nguồn: https://thanhnien.vn/my-tim-cho-dung-tai-syria-185241221232457177.htm