Hội nghị do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Thứ trưởng Phan Thị Thắng chủ trì. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch – Tài chính và các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương, đại diện Đại học Điện lực, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, đại diện tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam cùng với các đồng chí Tham tán thương mại và Trưởng Cơ quan Thương vụ khu vực châu Á – châu Phi.
Phát biểu khai mạc và chỉ đạo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá kết quả công tác Thương vụ khu vực châu Á-châu Phi thời gian qua, bàn bạc định hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, lắng nghe ý kiến, đề xuất của các Tham tán thương mại/ Trưởng chi nhánh thương vụ để làm tốt hơn nữa công tác thương vụ, góp phần cùng toàn ngành Công Thương hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế nước nhà.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, Việt Nam đã đi qua cả năm 2024 trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ bên ngoài và các vấn đề nội tại bên trong. Tuy nhiên, ngành Công Thương đã chủ động, sáng tạo, kịp thời thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và đã thu được nhiều kết quả quan trọng, tích cực, nổi bật là sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu năm 2024 đều có sự phục hồi rõ nét, đạt kết quả cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Một số kết quả cụ thể có thể được nêu ra là: (1) Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 9,1%, trong đó chế biến, chế tạo tăng 10,5%; (2) Thị trường bán lẻ trong nước duy trì mức tăng trưởng khá cao (9,6%); mặt bằng giá cả cơ bản ổn định; nguồn cung điện, xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu đầu vào được bảo đảm; (3) Xuất, nhập khẩu là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế với sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu, đạt kỷ lục trong nhiều năm qua với kim ngạch trên 402 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2023; trong đó xuất khẩu sang các thị trường lớn trong khu vực đều tăng trưởng mạnh như Tây Á tăng 33%, ASEAN tăng 14%, Nam Á tăng 9,4%, Nhật Bản 5%, Hàn Quốc 8%… Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu trên 24 tỷ USD, tạo dư địa thuận lợi cho điều hành chính sách tiền tệ.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận trong các thành tích chung có sự đóng góp quan trọng, tích cực của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có các Thương vụ khu vực châu Á – châu Phi – là địa bàn có nhiều đối tác đầu tư FDI quan trọng và chiếm tới hơn 70% giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Các đồng chí cán bộ Thương vụ đã chủ động, tích cực nghiên cứu, tổng hợp tình hình thị trường và các quy định, cơ chế chính sách mới của các nước sở tại để chủ động tham mưu, tư vấn cho Lãnh đạo Bộ, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong nước có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp và hiệu quả; đồng thời cũng rất nỗ lực trong việc thúc đẩy hợp tác song phương, xúc tiến xuất khẩu, khuyến khích thu hút đầu tư FDI, khai thác hiệu quả các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các hiệp định thương mại tự do và các cơ chế hợp tác song phương khác, qua đó phục vụ thiết thực cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, tuy kinh tế thế giới và khu vực đang có dấu hiệu khởi sắc, song dự báo tình hình thương mại toàn cầu tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới, đặc biệt tại khu vực châu Á – châu Phi (như bất ổn địa chính trị ở Trung Đông, Israel, Syria, Iran hay Hàn Quốc, v.v…) kéo theo sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại và thương mại quốc tế của các nước; từ đó dẫn tới nhiều hệ luỵ cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn (trên 200%). Bối cảnh này đòi hỏi hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nói chung và khu vực châu Á – châu Phi nói riêng phải tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác nghiên cứu thị trường, tham mưu chính sách và nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta là thành viên để phát triển, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá sâu về 6 nội dung quan trọng, có tính thời sự thiết thực không chỉ đối với sự phát triển của ngành Công Thương, mà còn đối với sự phát triển kinh tế đất nước, bao gồm:
(1) Những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân (nhất là các nguyên nhân chủ quan), rút ra các bài học kinh nghiệm; đồng thời, đánh giá, nhận diện những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức tại thị trường châu Á-châu Phi thời gian tới và những thay đổi trong chính sách của nước sở tại để tham mưu cho Bộ và Chính phủ có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời nhằm bảo đảm lợi ích cao nhất của quốc gia;
(2) Các giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về thị trường và phổ biến thông tin thị trường tới các cơ quan chuyên môn của các Bộ, ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương trong nước;
(3) Các biện pháp để thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại, đa đạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu;
(4) Kinh nghiệm, giải pháp tăng cường khuyến khích thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ của các đối tác trong khu vực Á-Phi vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghệ số, chuyển dịch năng lượng và phát triển xanh;
(5) Khả năng và giải pháp thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại tự do/Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện với các nước trong khu vực;
(6) Đề xuất sửa đổi, bổ sung tiêu chí, điều kiện, quy trình nhận xét đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ thương vụ; Những kiến nghị đề xuất khác có liên quan nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, các đại biểu dự Hội nghị đã nghe lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi trình bày báo cáo tổng kết công tác Thương vụ năm 2024 và kế hoạch năm 2025; nghe đại diện Thương vụ tại một số địa bàn thuộc khu vực Á – Phi phát biểu về tình hình thị trường, thay đổi trong chiến lược, chính sách nước sở tại có tác động đến Việt Nam, kinh nghiệm thu hút đầu tư FDI, giải pháp thúc đẩy đàm phán FTA với các đối tác cũng như giải pháp mở rộng thị trường, xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam, đặc biệt là nông sản, gạo, rau quả, trái cây, v.v…. Đồng thời, đại diện Thương vụ cũng trình bày những khó khăn, bất cập trong công tác bám địa bàn, triển khai hoạt động thương vụ, từ đó nêu ra đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả công tác thương vụ, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Lãnh đạo Bộ giao phó. Những đánh giá, kiến nghị của các Tham tán thương mại/ Trưởng chi nhánh thương vụ được Bộ trưởng và Thứ trưởng Thắng đánh giá cao và ghi nhận, xem đây là nguồn thông tin quan trọng giúp định hướng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu một cách hiệu quả, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, đại diện các Cục/Vụ, đơn vị chức năng, đại diện các Trường Đại học, các tập đoàn, doanh nghiệp thuộc Bộ cũng đề xuất nhiều nội dung với Hệ thống thương vụ, đặc biệt là hỗ trợ trong kết nối thị trường; cung cấp thông tin, số liệu để xây dựng kho dữ liệu thương mại và dự báo xu thế tiêu dùng, chính sách thương mại từ các thị trường mục tiêu; hỗ trợ tăng cường xúc tiến thương mại; hỗ trợ tìm hiểu thông tin về các cơ sở đào tạo uy tín trên địa bàn, kết nối các trường đại học trong nước và nước ngoài về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…Ngoài ra, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận về một số vấn đề liên quan đến công tác tổ chức, tài chính và điều kiện làm việc của Thương vụ.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết: (1) đề nghị tiếp tục duy trì tổ chức Hội nghị Tham tán thương mại/ Trưởng chi nhánh thương vụ định kỳ hàng năm, làm nổi bật vai trò của cơ quan thương vụ trong việc đóng góp vào kim ngạch xuất nhập khẩu của đất nước; (2) đánh giá cao việc các Thương vụ tích cực đưa đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào nước ta tham dự Hội nghị, hội chợ và giao thương cũng như đưa doanh nghiệp ta ra nước ngoài tìm hiểu thị trường; (3) cơ quan Thương vụ cần tích cực phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu đánh giá tình hình xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam tại thị trường nước ngoài, từ đó kiến nghị mặt hàng ưu tiên tiêu thụ tại thị trường cụ thể nhằm tối ưu hóa lợi thế; (4) đề nghị các đơn vị chức năng thuộc Bộ tạo điều kiện tối đa cho các Thương vụ về điều kiện làm việc, công tác tổ chức, để các Thương vụ yên tâm bám địa bàn.
Bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 3 tiếng làm việc tích cực và hiệu quả cao, Hội nghị đã lắng nghe 31 ý kiến đóng góp từ các Thương vụ và đại diện đơn vị chức năng thuộc Bộ, các trường Đại học, các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam. Bộ trưởng nhận định, từ đầu năm tới nay, ngành Công Thương đã giành được nhiều thắng lợi, điều này không thể không kể tới đóng góp của các cơ quan Thương vụ tại nước ngoài, bày tỏ hoan nghênh đóng góp của các Tham tán thương mại/ Trưởng chi nhánh thương vụ đối với ngành Công Thương nước nhà. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại trong hệ thống Thương vụ như: tính chuyên nghiệp, đồng bộ trong công tác Thương vụ cần tiếp tục nâng cao; tính gắn kết, gần gũi giữa Hệ thống thương vụ với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa chặt chẽ; tính chủ động, trách nhiệm trong hoạt động Thương vụ đôi lúc còn chưa cao; chưa hình thành cơ sở dữ liệu đồng bộ giữa các Thương vụ và các đơn vị chức năng trong Bộ; công tác phối hợp gữa các Thương vụ, giữa các Thương vụ với đơn vị chức năng thuộc Bộ chưa chặt chẽ. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan Thương vụ cần nghiên cứu, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực Công Thương cũng như chỉ đạo của Bộ trong xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch công tác; tăng cường nắm bắt tình hình, chính sách trong nước, khu vực và nước sở tại, nhất là sau các cuộc bầu cử, bất ổn chính trị, xung đột chính trị, kịp thời đề xuất, báo cáo Lãnh đạo Bộ để có những phản ứng chính sách phù hợp, đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc cũng như quyền lợi cao nhất của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài; làm tốt công tác dự báo tình hình, cung cấp thông tin cho hiệp hội, ngành hàng trong nước để có điều chỉnh cần thiết trong chiến lược sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu; tiếp tục nghiên cứu đề xuất giải pháp để các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam tận dụng, khai thác tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký; tiếp tục đề xuất nghiên cứu ký mới, nâng cấp Hiệp định thương mại tự do với các thị trường tiềm năng; chủ động nắm tình hình, tiếp tục chú trọng công tác phòng vệ thương mại trước xu hướng gia tăng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; tiếp tục làm cầu nối giữa doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong phát triển quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, tập trung vào các ngành công nghiệp trọng điểm trong nước; chủ động phối hợp với đơn vị chức năng thuộc Bộ hoàn thiện cơ sở dữ liệu Thương vụ và tận dụng, khai thác cơ sở dữ liệu; tập trung vận động, thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và đang phát triển; hỗ trợ giám sát doanh nghiệp tham gia các hoạt động thương mại tại nước sở tại; tích cực cung cấp thông tin liên quan đến địa bàn cho Cổng Thông tin Bộ, đơn vị báo chí thuộc Bộ.
Bộ trưởng đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương tích cực chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ hệ thống Thương vụ trung thực hiện tốt một số công việc chuyên môn nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ Thương vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong công tác phát triển thị trường ngoài nước.
Hội nghị công tác Thương vụ khu vực Á – Phi năm 2024 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Các ý kiến đóng góp và kiến nghị tại Hội nghị là cơ sở quan trọng để cải thiện hiệu quả công tác Thương vụ năm 2025, thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/bo-cong-thuong-to-chuc-hoi-nghi-tham-tan-thuong-mai-va-truong-co-quan-thuong-vu-khu-vuc-chau-a-chau-phi.html