Tổ vót ghim tre ấp Phú Long do bà Nguyễn Thị Nhanh làm tổ trưởng thực hiện công đoạn chẻ tre để vót ghim.
Năm 2016, bà Tư Nhanh nhận gia công vót ghim tre cho vựa (cách nhà khoảng 300m), giao khoảng 2 ngàn ghim/tuần. Theo bà Tư Nhanh, đôi khi đôi tay vót ghim tre mỏi mòn mà không đáp ứng được kỹ thuật của vựa, đành chấp nhận mang về đốt bỏ. Năm sau, bà Tư Nhanh tìm kiếm và liên kết được khách hàng tiêu thụ ghim tre vót rồi quyết định nhận đơn hàng và kết nối chị em trong ấp Phú Long cùng gia công sản phẩm.
Bà Tư Nhanh chia sẻ: “Hiện tại, ấp Phú Long có hơn 15 hộ gia công vót ghim tre, với nhiều nguồn tiêu thụ khác nhau. Trong đó, Tổ gia công vót ghim tre do tôi làm tổ trưởng có 10 hộ tham gia. Tôi phụ trách việc quản lý gia công vót ghim tre và nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh (10 triệu đồng/hộ/năm)”.
Trước tiên, người gia công vót ghim tre phải đi tìm nguồn nguyên liệu tre ở trong và ngoài tỉnh như: Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long… Chủ yếu là tre mỡ và tre xiêm hoặc tre gai. Sau đó cho tre ngâm trong ao, rồi vớt lên chẻ và vót theo yêu cầu thực tế. Vót xong, mang phơi khô rồi bó lại (100 ghim/bó) và giao cho bà Tư Nhanh (29 ngàn đồng/bó). Theo người gia công, ước tính chẻ 16 khúc/ngày (tương ứng 4 cây), chẻ từ 30 – 40 ghim/khúc, vót từ 400 – 500 ghim/ngày, thu nhập hơn 100 ngàn đồng/ngày sau khi trừ chi phí đầu tư sản xuất.
“Hơn 2 năm trước, tôi nghỉ làm ở TP. Hồ Chí Minh và gắn bó cùng công việc gia công vót ghim tre cho bà Tư Nhanh đến nay. Ngoài công việc gia đình, thời gian rãnh rỗi, tôi vót được hơn 400 ghim/ngày, thu nhập ngoài 100 ngàn đồng”, bà Nguyễn Thị The, 57 tuổi (Tổ NDTQ số 5, ấp Phú Long) tâm sự.
Bà Tư Nhanh có căn nhà tại ấp Gia Khánh, xã Hưng Khánh Trung A, huyện Mỏ Cày Bắc, là vựa ghim tre để giao cho khách hàng ở huyện Mỏ Cày Nam và tỉnh Tiền Giang, Tây Ninh cũng như bán lẻ cho khách hàng ở địa phương. Mỗi tuần, bà giao cho khách từ 15 – 20 ngàn ghim/khách, giá 30 ngàn đồng/100 ghim. Còn khách hàng mua lẻ, bà bán với giá 35 ngàn đồng/bó (100 ghim/bó).
Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hưng Khánh Trung B Trần Thị Em cho biết: Mô hình gia công vót ghim tre ở ấp Phú Long đã giúp phụ nữ tận dụng thời gian rãnh để tăng thêm thu nhập đáng kể. Hướng tới, hội tiếp tục tuyên truyền hiệu quả của mô hình đến phụ nữ ở địa phương và triển khai nhân rộng, giúp cải thiện kinh tế gia đình. Hội sẽ hướng dẫn cho chị em Tổ gia công vót ghim tre ấp Phú Long mở rộng mô hình, kết nối tiêu thụ sản phẩm cũng như hiệu quả thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook…
Bài, ảnh: Lê Đệ