Từng là điểm nóng về thuốc phiện, nhưng nay bản Sin Suối Hồ đã trở thành điểm đến du lịch, người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ thôn bản, biên giới
Bản Sin Suối Hồ thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, nằm trên lưng chừng núi Sơn Bạc Mây, ở độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển, cách TP Lai Châu khoảng 30 km. 100% hộ dân sinh sống ở đây là đồng bào dân tộc Mông.
Thay da, đổi thịt từng ngày
Ông Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ, cho biết trước đây Sin Suối Hồ là hang ổ của thuốc phiện, đói nghèo và lạc hậu. Ngày trước, cả bản chỉ có hơn 120 hộ, 700 nhân khẩu nhưng có tới 80% người nghiện thuốc phiện, 100% hộ nghèo. Khoảng những năm 2000, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đã cùng với các cấp ủy, chính quyền các cấp quyết tâm loại bỏ cây thuốc phiện.
“Lúc đó, tôi là công an viên xã Sin Suối Hồ nên cũng tham gia vận động bà con đoạn tuyệt với cây thuốc phiện. Sau nhiều năm quyết liệt đấu tranh, năm 2014, Sin Suối Hồ đã không còn ai nghiện thuốc phiện, trồng cây thuốc phiện nữa thay vào đó là nương ngô, nương lúa xanh tốt” – ông Vàng A Chỉnh nói.
Để phát triển kinh tế địa phương, ông Vàng A Chỉnh đã tự nguyện hiến gần 1.000 m2 đất để làm chợ và động viên người dân mang mọi thứ có giá trị đến chợ để trao đổi hàng hóa, thúc đẩy buôn bán. Ông còn vận động bà con nhân dân cùng hiến đất mở đường, đóng góp tiền và công sức để bê-tông hóa các con đường làng và đường dẫn vào làng giúp việc đi lại trở nên dễ dàng hơn, đời sống bà con khấm khá lên trông thấy.
Không những thế, nhận thấy cảnh quan của Sin Suối Hồ xinh đẹp, trưởng bản Vàng A Chỉnh nảy ra ý định làm du lịch cộng đồng. Ông bàn chuyện với ông Hảng A Xà, một người có uy tín trong bản, rồi cả hai người đi vận động bà con thôn bản cùng làm du lịch cộng đồng. Ông Hảng A Xà cũng là người lập ra Hợp tác xã Du lịch Sin Suối Hồ, vận động hội viên cùng tham gia.
“Sin Suối Hồ được ví là thiên đường của mây vì vào buổi sáng bản làng chìm trong biển mây, cảnh sắc vô cùng huyền diệu. Ngoài ra, Sin Suối Hồ còn có thác Trái Tim, thác Tình Yêu, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, đỉnh Sơn Bạc Mây và những vườn lê, vườn mận nở hoa đẹp trắng trời thơm ngát, những thửa ruộng bậc thang vàng óng ánh thu hút cuốn khách du lịch. Vì bà con trong bản được thụ hưởng ngay trên mảnh đất của mình nên công việc vận động của chúng tôi rất thuận lợi. Giờ thì không còn lo cái đói, cái nghèo nữa” – trưởng bản Vàng A Chỉnh chia sẻ.
Những năm qua, khách du lịch tìm đến Sin Suối Hồ ngày càng đông, việc tiếp đón và phục vụ du khách của người dân trong bản càng ngày càng chuyên nghiệp. Từ các dịch vụ lưu trú, ăn uống, văn nghệ đến trải nghiệm văn hóa, bà con Sin Suối Hồ đều được tập huấn và dần đi vào nền nếp. Ông Vàng A Chỉnh khoe: “Tháng 6-2015, Sin Suối Hồ được công nhận là điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh. Từ đó đến nay, các dịch vụ du lịch được nâng cấp; đội văn nghệ, đội xe ôm, thuyết minh viên bằng tiếng Anh đều có cả”.
Điểm đến hấp dẫn
Bản Sin Suối Hồ đang có 20 hộ gia đình làm homestay, 6 hộ làm dịch vụ ăn uống, 1 hợp tác xã du lịch với khả năng tiếp nhận lưu trú hơn 300 du khách. Du khách có thể ở cả tuần cả tháng, cùng nông dân gặt lúa hái thảo quả, dệt vải, biểu diễn văn nghệ. Mỗi năm, bản Sin Suối Hồ đón trên 20.000 lượt khách trong nước, vài nghìn lượt khách nước ngoài. Ông Vàng A Chỉnh bày tỏ: “Để trở thành một bản du lịch cộng đồng, người dân trong bản được bộ đội, các cấp chính quyền địa phương, đoàn thể tích cực giúp đỡ. Bản thân chúng tôi cũng phải đi đầu làm gương để mọi người cùng làm theo, động viên lớp trẻ đi học nghiệp vụ du lịch, tạo ra sự đoàn kết trong toàn bản”.
Anh Vàng A Chứ, một người làm homestay tại bản Sin Suối Hồ, nói rằng trưởng bản Vàng A Chỉnh là người có công lớn trong việc thay đổi cuộc sống người dân nơi đây. Khởi đầu làm du lịch chỉ có 2 hộ, đến nay cả làng nhà nào cũng có làm du lịch.
Sin Suối Hồ đã và đang từng bước thay da đổi thịt; từ một nơi điểm nóng về thuốc phiện, nay đã trở thành điểm du lịch cộng đồng thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2019, bản Sin Suối Hồ được công nhận là điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu Việt Nam; năm 2023 lại được vinh danh điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất ASEAN 2022 tại diễn đàn Hội chợ Du lịch quốc tế tổ chức ở TP Yogyakarta – Indonesia.
Du lịch phát triển cũng giúp ngành nông nghiệp phát triển theo, tạo thêm sinh kế cho người dân của bản Sin Suối Hồ và cả xã Sin Suối Hồ. Năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã hỗ trợ xã Sin Suối Hồ 240 triệu đồng triển khai mô hình sinh kế, lựa chọn 20 phụ nữ nghèo để trồng địa lan, hỗ trợ 12 triệu đồng/hội viên theo xoay vòng. Mỗi hộ nghề trồng địa lan mang lại doanh thu cho xã Sin Suối Hồ hơn 3 tỉ đồng; thu nhập của hội viên từ 20-100 triệu đồng/năm, 100% hội viên được hỗ trợ thoát nghèo.
Ông Sùng A Lùng, Phó Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ, khẳng định các chương trình, chính sách phát triển kinh tế đã làm thay đổi diện mạo vùng biên, giúp đời sống bà con được cải thiện, đặc biệt là phát triển du lịch cộng đồng, từ đó giúp ổn định an ninh, trật tự vùng biên giới.
Theo ông Sùng A Lùng, Sin Suối Hồ có được thành công như hôm nay cũng nhờ những người đi tiên phong như trưởng bản Vàng A Chỉnh. Cựu công an viên xã Sin Suối Hồ cùng với ông Hảng A Xà đều từng được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong phong trào thi đua cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới.
Ý thức bảo vệ chủ quyền
Trưởng bản Vàng A Chỉnh cho biết cùng với phát triển du lịch cộng đồng, người dân bản Sin Suối Hồ cam kết không ai hút thuốc phiện, không uống rượu, không cờ bạc và đặc biệt không xả rác bừa bãi, giữ bản luôn xanh – sạch – đẹp. “Việc thay đổi nhận thức của người dân là rất quan trọng, từ đó bà con thêm yêu mảnh đất quê hương, ý thức hơn trong việc bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự biên giới” – ông Vàng A Chỉnh chia sẻ.
Nguồn: https://nld.com.vn/bai-du-thi-cuoc-thi-viet-chu-quyen-quoc-gia-bat-kha-xam-pham-doi-thay-o-sin-suoi-ho-196241221211928085.htm