(NLĐO) – Câu chuyện về chàng sinh viên “cánh cụt” và hành trình mang bộ khớp đa năng đến những người khuyết tật khiến nhiều người xúc động.
Bộ khớp đa năng là sản phẩm dự thi của nhóm 4 sinh viên đến từ Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Fulbright Việt Nam và Trường ĐH Công nghệ TP HCM.
Sinh viên Nguyễn Ngọc Nhứt thực hành tháo lắp và đeo bộ khớp đa năng
Tại vòng chung kết cuộc thi Thiết kế, sáng tạo sản phẩm, công nghệ dành cho người khuyết tật năm 2024 diễn ra ngày 21-12 tại Trường CĐ Kinh tế TP HCM, sản phẩm này đã xuất sắc đoạt giải Nhất, đồng thời nhận được nhiều hỗ trợ đồng hành từ các chuyên gia.
Em Nguyễn Ngọc Nhứt, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP HCM, tâm sự bản thân gặp biến cố vào năm học lớp 10, vụ tai nạn khiến đôi tay của Nhứt bị hoại tử.
“Thời điểm đó, gia đình phải xoay sở khắp nơi để có số tiền hơn 23.000 USD, đưa em sang Hàn Quốc làm cánh tay giả. Tuy nhiên, cánh tay giả này có nhiều bất cập như cử động lâu sẽ bị viêm loét da tay, đau vai, khó sinh hoạt cá nhân, quá trình mang tay giả phải có người hỗ trợ,… ” – Nhứt cho biết.
Những năm học đại học, Nhứt gặp được nhóm bạn cùng chí hướng, mong muốn làm ra sản phẩm hỗ trợ người yếu thế, gặp khó khăn trong vận động. Từ đó, nhóm sinh viên bắt tay hiện thực hóa ý tưởng, nghiên cứu và phát triển bộ khớp đa năng dành cho người khuyết tật chi trên.
Nhóm trưởng La Thị Như Muội, sinh viên Trường ĐH Fulbright Việt Nam, cho biết bộ khớp đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chức năng để hỗ trợ người khuyết tật với chi phí hợp lý (khoảng 500.000 đồng).
“Bộ khớp đa năng có 2 phần gồm: phần kết nối trực tiếp với mõm cụt của tay, có thể điều kích thước và độ ôm phù hợp với từng người khuyết tật; phần khớp dùng để thay thế bàn tay cầm muỗng, nấu ăn, gõ phím, dùng chuột máy tính,…” – nhóm trưởng giới thiệu.
Nhóm đã tiến hành thử nghiệm với khoảng 20 người bị khuyết tật cánh tay, đa số đều sử dụng thành thạo và thực hiện các công việc đơn giản trong sinh hoạt như ăn uống, vệ sinh, cầm nắm đồ vật,…
Thời gian tới, nhóm sẽ ứng dụng tích hợp thêm công nghệ vào bộ khớp.
Đại diện ban giám khảo, bà Hồ Thị Mộng Thu, Phó Giám đốc Quỹ Tâm Nguyện Việt, cho rằng sản phẩm rất ý nghĩa và thiết thực cho người khuyết tật, đặc biệt là giá thành hợp lý, dễ tháo lắp và sử dụng.
Bà Thu đề xuất sẽ hỗ trợ nhóm kết nối sản phẩm tới các bệnh nhân ở làng phong Bến Sắn (Bình Dương). “Nếu có bộ khớp đa năng này, bệnh nhân có thể tự ăn cơm và vệ sinh cá nhân” – bà Thu nói.
Tại vòng chung kết, giải Nhì thuộc về dự án Thiết bị công nghệ hỗ trợ chữ nổi braille tiếng Việt thông minh dành cho học sinh khiếm thị của nhóm sinh viên ĐH Kinh tế TP HCM.
Giải Ba thuộc về 2 dự án là ứng dụng hỗ trợ giao tiếp học tập và tiếp thu thông tin cho người khiếm thính của sinh viên Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG TP HCM) và đồng hành cùng trẻ tự kỷ của học sinh trường THCS Nguyễn Du (quận 1).
Sau hơn 3 tháng triển khai, cuộc thi đã nhận được 54 sản phẩm sáng tạo đến từ 157 thí sinh của 32 đơn vị trên toàn quốc, chọn ra 14 sản phẩm xuất sắc vào chung kết.
Cuộc thi nhằm tìm kiếm và phát triển những sản phẩm, công nghệ sáng tạo thiết thực phục vụ cho người khuyết tật, những người khiếm khuyết, yếu thế trong xã hội. Những dự án ấn tượng sẽ được hỗ trợ hoàn thiện và chuyển giao cho các Trung tâm bảo trợ, Trung tâm giáo dục để người khuyết tật sử dụng.
Nguồn: https://nld.com.vn/sinh-vien-nghien-cuu-bo-khop-da-nang-cho-nguoi-canh-cut-196241221211217662.htm