(TN&MT) – Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Tài nguyên và Môi trường, các đại biểu đã tham luận, nêu bật những chuyển biến về xây dựng, triển khai chính sách pháp luật của ngành trong năm qua.
Điểm sáng là toàn ngành đã cùng nỗ lực giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, lắng nghe ý kiến phản hồi chính sách của người dân, doanh nghiệp, địa phương để có sự điều chỉnh phù hợp, tạo lập hệ thống pháp luật về TN&MT ngày càng đồng bộ, thống nhất.
Dưới đây là một số ý kiến tham luận tại Hội nghị:
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội:
Năm 2024, Bộ Tài nguyên Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, trong đó có Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, về thực hiện các công tác xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nổi bật là việc trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai kỳ họp tháng 1/2024, Quy hoạch không gian biển Quốc gia tại kỳ họp thứ bảy và Luật Địa chất và Khoáng sản tại Kỳ họp thứ 8.
Các Luật và Nghị quyết nói trên đều được Quốc hội thông qua với sự đồng thuận, tán thành rất cao. Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường đánh giá cao Bộ Tài nguyên Môi trường đã có quá trình chuẩn bị kĩ càng, đầy đủ.
Trong năm 2025, trước bối cảnh tình hình mới và thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện bộ máy quản lý trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp kịp thời của Bộ TN&MT trong một số công việc.
Trước hết, cần sớm hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch triển khai thi hành Luật Địa chất và Khoáng sản, đặc biệt quan tâm tới việc hoàn thành các Nghị định, Thông tư được giao trong Luật, trong đó có Nghị định và thông tư hướng dẫn chi tiết một số điều về Luật về khoáng sản nhóm IV phải có hiệu lực từ ngày 15/1/2025. Việc này sẽ góp phần giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong thực tế về vật liệu san lấp.
Cùng với triển khai các nhiệm vụ tổ chức thực hiện Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Bộ TN&MT cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong việc triển khai giám sát chuyên đề về Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật bảo vệ môi trường từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành. Đây là chuyên đề giám sát rất quan trọng, được cử tri quan tâm.
Bên cạnh đó, đề nghị tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến tổ chức thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2023; việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, khí tượng thủy văn và ứng phó biến đổi khí hậu.
Bên cạnh những nội dung nêu trên, Ủy ban cũng mong nhận được sự phối hợp của Bộ Tài nguyên Môi trường trong tiếp tục triển khai các nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện pháp luật đã được nêu trong Nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị đối với lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời quán triệt chủ trương của Đảng về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các quan điểm, mục tiêu thì giải pháp đầu tiên trong Nghị quyết 24, Nghị quyết 56 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên:
Trong năm 2024, Bộ TN&MT đã đạt được kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực, thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo hướng dẫn sát sao, kịp thời, quyết liệt của lãnh đạo Bộ trong việc nắm bắt thực tiễn, chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng… Đặc biệt, Bộ đã bám sát diễn biến tình hình, lắng nghe ý kiến phản hồi chính sách của người dân, doanh nghiệp, địa phương để có sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, tạo lập hệ thống pháp luật về TN&MT ngày càng đồng bộ, thống nhất.
Năm 2024 cũng là năm Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng tuyến cao tốc đường bộ Bắc Nam phía Đông. Bộ cũng đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội ban hành các cơ chế chính sách đặc thù, hướng dẫn địa phương thực hiện. Nhờ đó, tỉnh Phú Yên đến nay không còn vướng mắc gì liên quan đến nội dung này. Tỉnh đã hoàn thành và bàn giao mặt bằng cao tốc Bắc Nam từ tháng 6/2024.
Trong năm 2025, tỉnh Phú Yên đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, tài nguyên, môi trường, trong đó có thể kể đến như hoàn thiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định thi hành Luật địa chất và khoáng sản 2024; sửa đổi Nghị định 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ thi hành; Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ trong lĩnh vực biển đảo… Đây là cơ sở pháp lý cho các địa phương, trong đó có Phú Yên phát huy tốt nguồn lực đất đai, tài nguyên và phát triển kinh tế biển bền vững.
Thực hiện chủ trương của Trung ương về việc sát nhập bộ máy các cơ quan, tỉnh kiến nghị Bộ TN&MT sau khi hợp nhất với Bộ NN&PTNN cần sớm ban hành hướng dẫn về chức năng nhiệm vụ, giúp các địa phương sớm ổn định hoạt động. Tỉnh cũng đề nghị tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đất đai, môi trường, khoáng sản, biển đảo nói chung, trong đó có cơ sở dữ liệu về giá để minh bạch trong việc tiếp cận đất đai. Điều này nhằm giúp việc định giá đất sát hơn với thực tế, thu hẹp khoảng cách giữa đấu giá và giá bồi thường, giảm khiếu nại, khiếu kiện của người dân. Bộ cũng cần sớm ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật mức thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, các loại chất thải biển…
Ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh:
Trong năm 2024, TP. Hồ chí Minh đã đạt được một số kết quả tích cực, tạo chuyển biến trong công tác quản lý môi trường. Cụ thể, Thành phố đã triển khai sâu, rộng công tác tuyên truyền vận động về bảo vệ môi trường tới từng hộ gia đình. Toàn thành phố hiện có khoảng 28 triệu bản cam kết của các hộ dân về vấn đề môi trường, cùng với hơn 4.600 tổ dân cư, khu phố; hơn 300 xã, phường, thị trấn và 22 quận, huyện đã nghiêm túc thực hiện nghiêm cuộc vận động của thành ủy TP Hồ Chí Minh về quản lý và bảo vệ môi trường.
Để triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đặc biệt là đồng bộ trong công tác phân loại rác, TP Hồ Chí Minh đang tập trung chỉ đạo trong 3 vấn đề: Thu gom, vận chuyển và xử lý. TP đã tổ chức lại các lực lượng thu gom trong thành phố thành 250 doanh nghiệp và HTX thu gom; có 500 xe vận chuyển theo công nghệ hiện đại và tập trung xử lý theo hướng đốt và chôn lấp. Mục tiêu đến năm 2025, 80% lượng rác sẽ xử lý bằng đốt rác phát điện và tái chế theo công nghệ hiện đại, tiến đến năm 2030 là 100%.
Về xử lý nước thải, 100% nước thải khu công nghiệp, khu chế xuất, nước thải y tế đã được thu gom, xử lý. Riêng nước thải đô thị phấn đấu đến 2030, tỷ lệ thu gom, xử lý sẽ đạt 100%.
Về khí thải trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhà máy được kiểm soát và xử lý 100%. Thành phố đặc biệt chú trọng tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, đã phân công cụ thể các Sở ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp với 5 chỉ tiêu giảm phát thải đối với mỗi ngành, lĩnh vực (giao thông, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, dân sinh); trong đó tập trung xây dựng và triển khai Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông – lĩnh vực được xác định có đóng góp quan trọng trong ô nhiễm không khí thành phố), giai đoạn 1 nghiên cứu, xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng (gồm: xe buýt công cộng, xe taxi, xe mô tô công nghệ và xe phi cơ giới) sử dụng năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. TP cũng chuẩn bị vận hành tuyến metro số 1.
Trong năm qua, TP cũng đã làm tốt công tac cấp giấy phép môi trường; kiểm tra, xử lý bình quân 150 vụ việc trong lĩnh vực môi trường với mục tiêu kiểm soát, hạn chế các vi phạm.
Theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2025 các Sở ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện các các giải pháp, nhiệm vụ đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 – 2030, trong đó tập trung triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo chỉ tiêu về tỷ lệ xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế; chuyển đổi phương tiện thu gom; trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường…; đánh giá cụ thể kết quả thực hiện làm cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả công tác quản lý môi trường cho giai đoạn 2025 – 2030.
Ông Trần Ngọc Luận, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái:
Năm qua, bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề đối với tỉnh Yên Bái. 54 người thiệt mạng và ước tính tổng thiệt hại hơn 5.700 tỷ đồng. Công tác ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ và các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Để nhanh chóng góp phần ổn định đời sống nhân dân sau bão lũ, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động triển khai các nhiệm vụ, trong đó tập trung hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục
về đất đai, bảo vệ môi trường. Trong đó, kịp thời thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống hiện trường, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố rà soát, tìm kiếm quỹ đất. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay, UBND cấp huyện đã lựa chọn và bố trí 17 khu tái định cư tập trung với tổng số hộ được bố trí tái định cư tập trung là 130 hộ; đã rà soát và xác định 711 hộ gia đình thuộc trường hợp bố trí tái định cư xen ghép. Hiện nay Ủy ban nhân dân cấp huyện đang hoàn thiện các thủ tục về đất để giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất đảm bảo xong trước 31/12/2024 theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, tỉnh Yên Bái kết thúc năm 2024 với tốc độ tăng trưởng vẫn tăng 7,91%. Ngành nông nghiệp dù thiệt hại nặng nề nhưng vẫn tăng trưởng đứng thứ 4/14 tỉnh miền núi phía Bắc. Chương trình giảm nghèo vẫn đạt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, toàn tỉnh đã xóa gần 3.000 ngôi nhà tạm, nhà dột nát, trong đó có hơn một nửa là nhà dành cho các hộ bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Từ kết quả khắc phục ảnh hưởng của cơn bão số 3, tỉnh rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Trong đó, đặc biệt phải làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai và xây dựng kế hoạch, kịch bản, tổ chức diễn tập ứng phó với các cấp độ thiên tai có thể xảy ra, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Bên cạnh đó, phải đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai và công tác chỉ đạo, thực hiện các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ”, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cơ sở. Tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin với các tỉnh bạn để áp dụng các giải pháp phù hợp điều hành liên hồ chứa, lưu vực sông.
Một vấn đề quan trọng nữa là phát huy vai trò của thông tin, truyền thông, nhất là trong giai đoạn ứng phó, bởi khi người dân và các cấp chính quyền nắm bắt kịp thời thông tin, kỹ năng để ứng phó thì sẽ hạn chế được thiệt hại và nhanh chóng khắc phục hậu quả.
Ông Nguyễn Hồng An, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng:
Thời gian qua, Sở TN&MT TP. Đà nẵng đã tham mưu, đề xuất tới UBND TP Đà Nẵng các nội dung chính sách đặc thù trong lĩnh vực đất đai, quản lý môi trường, xử lý chất thải rắn, ứng phó biến đổi khí hậu để phát triển thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết của Quốc hội.
Để tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai 2024 trên địa bàn thành phố theo đúng tiến độ, Sở đã tham mưu ban hành 15 văn bản quy phạm pháp luật thẩm quyền UBND thành phố, 4 nội dung đã được HĐND thành phố thông
qua tại kỳ họp cuối năm. Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm hơn 5 tháng so với dự kiến ban đầu và có rất nhiều điểm mới, thay đổi lớn về trình tự, thủ tục trong công tác đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sở đã chỉ đạo việc triển khai Nghị định số 101/2024/NĐ-CP, Nghị định số 102/2024/NĐ-CP tổ chức các hội nghị chuyên môn để thống nhất trong công tác phối hợp triển khai nhiệm vụ và thống nhất trong việc áp dụng quy định của pháp luật mới. Nhờ đó công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tốt, không phát sinh vấn đề trong thực tế. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ cao (đã giải quyết 119.321/121.514 hồ sơ tiếp nhận).
Tính đến tháng 10 năm 2024, tổng thu nghĩa vụ tài chính đất đai trên địa bàn thành phố là trên 2 nghìn tỷ đồng.
Trong công tác cải cách hành chính, Sở đã tích hợp các bộ thủ tục hành chính (TTHC) để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, đầu tư trang thiết bị đảm bảo ứng dụng CNTT và đặc biệt là tham mưu ban hành quy chế phối hợp giữa các sở ban hành trong quy trình giải quyết TTHC. Tỷ lệ số hóa hồ sơ thủ tục hành chính còn hiệu lực đã đạt 100%.
Sở tiếp tục tham mưu phân cấp, phân quyền trong công tác giải tỏa đền bù, cấp phép tài nguyên nước; thu, kê khai và nộp phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản, lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền của UBND thành phố. Chỉ đạo tham mưu và trình Danh mục 29 dịch vụ sự nghiệp công lĩnh vực TN & MT để báo cáo UBND thành phố trình
HĐND thành phố vào tháng 1/2025.
Trong năm 2025, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành các Thông tư hướng dẫn định mức kinh tế – kỹ thuật đối với các dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước hoạt động kỹ thuật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Bên cạnh đó, tiếp tục đồng hành, hướng dẫn và hỗ trợ thành phố Đà Nẵng tháo gỡ các điểm nghẽn trong công tác quản lý đất đai. Quan tâm hướng dẫn, giải đáp các kiến nghị của địa phương đặc biệt là các kiến nghị liên quan đến giá đất.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/nganh-tn-mt-huong-ve-dia-phuong-no-luc-giai-quyet-vuong-mac-trong-thuc-tien-384823.html