Ngày 11/5, Đoàn kiểm tra, giám sát của Ủy viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) do đồng chí Nguyễn Mạnh Tú, Ủy viên HĐQT NHCSXH, Trưởng Ban kiểm soát làm trưởng đoàn làm việc với Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh.
Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Bích Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh; lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh NHCSXH và các phòng chuyên môn.
Từ đầu năm đến nay, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp tổ chức 22 kỳ họp, trong đó, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh tổ chức 2 kỳ họp, cấp huyện 20 kỳ họp triển khai chủ trương, chính sách, nghị quyết, quyết định, kết luận của HĐQT và nghị quyết, chỉ đạo của chính quyền địa phương. Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp phân công 272 thành viên kiểm tra, giám sát 10 huyện, Thành phố; 174 lượt xã thực hiện các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi trên địa bàn tỉnh.
Tính đến ngày 30/4/2023, tổng nguồn vốn tín dụng đạt 3.777,4 tỷ đồng, tăng 326 tỷ đồng so với ngày 31/12/2022. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 3.126,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 82,77%; nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân đạt 364,3 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 286,6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,59%/tổng nguồn vốn, tăng 158,5 tỷ đồng so với ngày 31/12/2022, hoàn thành 1.056,54% kế hoạch năm 2023. Tăng trưởng 4 tháng đầu năm tăng 134,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh số cho vay đạt 569,7 tỷ đồng, tăng 182,9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022 với 8.742 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội năm 2022 đạt 3.439,9 tỷ đồng, tăng 510,1 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao, nợ quá hạn chiếm 0,7%/tổng dư nợ; nợ khoanh chiếm 0,2%/tổng dư nợ.
Tại buổi làm việc, các thành viên Ban đại diện HĐQT nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình tín dụng; chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương. Kiến nghị Chính phủ, NHCSXH Trung ương tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo kế hoạch của tỉnh đã xây dựng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng; quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; kéo dài thời gian cho vay hộ nghèo; nâng mức cho vay tối đa từ 10 triệu đồng/công trình lên 20 triệu đồng đối với chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; bổ sung nguồn vốn hỗ trợ giải quyết việc làm
Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Mạnh Tú, Ủy viên HĐQT NHCSXH, Trưởng Ban kiểm soát đề nghị Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tiếp tục nêu cao vai trò của các thành viên Ban đại diện HĐQT các cấp, đặc biệt là các thành viên Ban đại diện HĐQT trong việc quản lý vốn tín dụng chính sách; chú trọng nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát và chỉ đạo thực hiện công tác tín dụng chính sách trên địa bàn.
Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đặc biệt là công tác tự kiểm tra của Phòng Giao dịch NHCSXH nhằm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế trong quá trình hoạt động. Ban đại diện HĐQT các cấp cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định tốt các đối tượng cho vay, tránh cho vay chồng chéo; Chi nhánh NHCSXH tỉnh cần thực hiện tốt công tác tham mưu cho Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bích Ngọc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đoàn. Thời gian tới, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh tiếp tục chỉ đạo Ban đại diện HĐQT NHCSXH các huyện, Thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là chính sách hỗ trợ cho vay theo các chương trình giải quyết việc làm, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo; học sinh, sinh viên; sản xuất, kinh doanh…; triển khai giải ngân chương trình tín dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả. Quan tâm chỉ đạo sát sao hoạt động các tổ tiết kiệm và vay vốn, chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển.
Phương Oanh