(Dân trí) – Nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp ví cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này như một “cơ hội vàng” để tuyển chọn người tài và loại bỏ người không tốt. Ông nhấn mạnh cần có cơ chế, tiêu chuẩn cho việc này.
Tinh gọn các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức chính trị – xã hội là một trong những vấn đề quan trọng được đặt ra tại Hội nghị lần thứ 10 vừa qua. Đây cũng chính là nội dung trọng tâm được Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần đề cập kể từ khi nhậm chức.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh lần sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị này là một cuộc cách mạng, vì đụng đến số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức; đụng đến chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan cũng như thói quen từ xưa, nên cuộc cách mạng này “không hề đơn giản”.
Dù vậy, ông khẳng định đã đến lúc nhất định phải tinh gọn bộ máy, vì 3 lý do.
Thứ nhất, tiền lương trả cho bộ máy đã đến mức “nền kinh tế không thể chịu được nữa”. “Không thể để một bộ máy mà tiền của dân không đủ để nuôi”, ông Hợp nói.
Thứ hai, bộ máy đông đến mức phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực thay vì phục vụ.
Thứ ba là bộ máy có quá nhiều cán bộ không đáp ứng được chức năng nhiệm vụ, cũng không phục vụ nhân dân được theo đúng năng lực, sở trường và trình độ.
Hiệu quả khi tinh gọn bộ máy, theo nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, trước hết sẽ giúp phân cấp, giảm sự vụ cho cấp trên để cấp trên có thời gian “lo việc đại sự”. Ông Hợp chỉ ra thực tế bất cập khi hiện nay cấp trên đang phải ôm nhiều việc của cấp dưới.
Hiệu quả nữa là tăng thẩm quyền cho cấp dưới và đẩy nhanh tiến độ công việc vì dân.
Trong khi đó, TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước, ví cuộc cách mạng này như cuộc “đổi mới lần hai” khi “động chạm” đến toàn hệ thống chính trị.
“Cả cuộc đời làm cải cách của mình, bây giờ tôi mới thực sự có hy vọng về một cuộc cải cách mạnh mẽ”, ông Phúc thể hiện sự kỳ vọng và cho rằng Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy.
Theo ông Phúc, trước đó, chúng ta cũng đã có một hành trình khá dài sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng khi lập mới thì đơn giản, còn gom lại rất phức tạp, do động chạm đến quyền lợi. Như Tổng Bí thư nói, nếu không biết hy sinh, không vì việc lớn của quốc gia, chúng ta không làm được.
Cũng đặt kỳ vọng vào quyết tâm của Tổng Bí thư Tô Lâm, ông Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương) tin tưởng vào sự thành công của cuộc cách mạng này, bởi trên cương vị Bộ trưởng Công an, Tổng Bí thư Tô Lâm khi đó cũng đã chỉ đạo và tạo ra dấu ấn trong lần tiên phong tinh gọn bộ máy của Bộ Công an.
Theo ông Hà, Bộ Công an đã tiên phong bỏ cấp tổng cục, cục, vụ và các phòng, ban, đội; đưa công an chính quy về xã, tức là sắp xếp đồng bộ ở cả 4 cấp Trung ương, tỉnh, huyện, xã với tinh thần “bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Bộ Công an khi đó cũng triển khai đưa cán bộ tham mưu, nghiên cứu ở các cục, vụ trên Bộ về các cơ sở biên giới, vùng khó khăn, luân chuyển cán bộ công an các địa phương để đào tạo.
Với nhiều kết quả đạt được, ông Hà đánh giá Bộ Công an khi đó là điểm sáng về thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy và sắp xếp, bố trí cán bộ. Đó là một cuộc cách mạng thành công, theo quan sát của vị chuyên gia.
Tổng Bí thư Tô Lâm khi đó là Bộ trưởng Công an, nên ông Hà nhìn nhận những chỉ đạo lần này của người đứng đầu Đảng cho thấy một quyết tâm mạnh mẽ, cộng thêm thuận lợi khi có bài học thực tiễn và kinh nghiệm triển khai.
Ông Hà còn nhắc đến thuận lợi khi Thủ tướng Phạm Minh Chính là Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 18, cũng từng là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trực tiếp chỉ đạo xây dựng Nghị quyết 18 trước đây.
Với những vai trò đặc biệt quan trọng của người đứng đầu như vậy, với sự gương mẫu, quyết liệt và kinh nghiệm đã có, ông Hà tin tưởng vào kết quả khả quan của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này.
“Lần này chúng ta có ý chí quyết tâm và tinh thần cách mạng rất cao, bây giờ phải đứng dậy hành động, không thể cứ ngồi suy ngẫm vì không có thời gian nữa, hành động quyết liệt thì sẽ làm được”, ông Hà nói.
Nhìn lại cuộc cách mạng sắp xếp, tổ chức bộ máy ở Bộ Công an hồi giữa năm 2018, chuyên gia ví đây là một cuộc “cách mạng” lớn, toàn diện về tổ chức, làm thay đổi tích cực các mặt công tác của lực lượng CAND từ trước đến nay.
Khi đó, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã chủ động nghiên cứu, tham mưu báo cáo Bộ Chính trị về chủ trương, định hướng xây dựng Đề án “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Đề án số 106).
Sau khi Đề án 106 được thông qua, Đảng ủy Công an Trung ương tiếp tục tham mưu với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22 về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Đây là cơ sở đặc biệt quan trọng để Chính phủ ban hành Nghị định số 01 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an.
Nguyên tắc được Bộ Công an quán triệt khi thực hiện kiện toàn bộ máy là tổ chức, quản lý tập trung, thống nhất, chuyên sâu theo từng lĩnh vực công tác, kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ và bố trí theo cấp hành chính.
Bộ Công an cũng chủ trương tách cơ quan quản lý Nhà nước với tổ chức sự nghiệp; quy định rõ trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp, từng tổ chức, đơn vị Công an.
Tổ chức bộ máy được định hướng thống nhất từ Bộ đến Công an các địa phương theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”; quan hệ phối hợp hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng, các đơn vị và các cấp Công an ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.
Kết quả, Bộ Công an khi đó giảm 6 tổng cục nhưng vẫn đảm bảo sự lãnh đạo từ Bộ đến Cục được nhanh hơn, chính xác, kịp thời, không qua cấp trung gian.
Bộ cũng hợp nhất các đơn vị tương đồng về chức năng, nhiệm vụ để giảm 55 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng; sắp xếp, thu gọn các đơn vị sự nghiệp công lập.
Tại công an địa phương đã sáp nhập 20 đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với Công an tỉnh, thành phố và tổ chức thành một đầu mối đơn vị cấp phòng thuộc Công an cấp tỉnh; sáp nhập một số đơn vị cùng chức năng, nhiệm vụ… để giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng, giảm trên 1.000 đầu mối cấp đội.
Đến tháng 7/2023, Bộ Công an tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong của Công an các đơn vị, địa phương, giảm thêm 279 đơn vị cấp phòng, 1.237 đơn vị cấp đội…
Tính đến nay, Bộ Công an đã tăng cường hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ từ Bộ về Công an địa phương, từ Công an cấp tỉnh về cơ sở, trong đó có hơn 55.000 lượt cán bộ, chiến sĩ được điều động đảm nhiệm các chức danh Công an xã chính quy tại hơn 8.800 xã, thị trấn.
Bộ Công an thống kê sau khi thực hiện mô hình tổ chức mới đã giảm 172 lãnh đạo cấp Cục, hơn 1.500 lãnh đạo cấp phòng, cấp huyện và tương đương; hơn 2.300 lãnh đạo cấp đội và tương đương.
Dù đạt nhiều kết quả, trong quá trình thực hiện, Bộ Công an cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt khi bố trí, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo chỉ huy và thực hiện chế độ chính sách, ổn định tư tưởng, tâm tư tình cảm cho cán bộ, chiến sĩ tại những đơn vị giải thể, sáp nhập…
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, những vấn đề trên đã được giải quyết căn cơ bằng nhiều giải pháp đồng bộ được đưa ra.
Thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này, nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhấn mạnh phải có nguyên tắc khoa học và định hướng hành động để “không đi sai đường”.
Nguyên tắc thứ nhất ông nhấn mạnh, là cấp nào chịu trách nhiệm trực tiếp thì giao cho cấp đó quyết định. Việc của xã phải để xã quyết định, không thể cái gì cũng xin ý kiến cấp trên, cái gì cũng cấp trên quyết định, theo lời ông Hợp.
Nguyên tắc thứ hai là cấp nào nhận đủ thông tin nhất thì cấp đó ra quyết định, tránh tình trạng một cấp nhận đủ thông tin lại đi trình bày để một cấp không đủ thông tin ra quyết định.
Nguyên tắc thứ ba là cấp nào gần cán bộ nhất, hiểu cán bộ nhất thì ưu tiên cấp đó ra quyết định.
Nguyên tắc thứ tư là rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm.
Một nguyên tắc khác được ông Hợp đề cập là phân cấp lệ thuộc đạo đức cán bộ, năng lực cán bộ, tín nhiệm của cán bộ. “Cán bộ có đức, có tài và có tín nhiệm khác nhau sẽ được phân cấp khác nhau, giống như chọn mặt gửi vàng”, ông Hợp nói.
Dẫn chứng cho câu chuyện phân cấp, phân quyền, ông Hợp kể lại giai đoạn gần 15 năm ông đảm nhiệm các cương vị Phó Bí thư, Chủ tịch và Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An. Khi đó, chỉ việc bầu bổ sung phó chủ tịch tỉnh Nghệ An, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy mà báo cáo ra Trung ương, làm thủ tục mất gần 1 năm, trong khi nhiệm kỳ 5 năm.
Theo ông, nếu phân cấp Bí thư Tỉnh ủy do Bộ Chính trị quản lý, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy do Ban Bí thư quản lý, Chủ tịch UBND tỉnh do Chính phủ quản lý, Chủ tịch HĐND tỉnh do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý, còn lại toàn quyền sẽ trao cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An quyết định, thì mọi quy trình sẽ nhanh hơn, ít sai sót hơn và có nếu sai, trách nhiệm cũng rõ hơn.
Hoặc một dẫn chứng khác, khi ông làm Bộ trưởng Văn hóa Thông tin, rồi sau đó là Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, ông đưa ra quan điểm “không thể có chuyện bộ trưởng ngồi ký quyết định tuyển dụng, nâng ngạch một nhân viên phục vụ cho vụ phó, vụ trưởng – một người mình không biết tên, biết mặt, không biết năng lực sở trường”.
Vì thế, ông quyết định phân cấp cho vụ trưởng tiếp nhận và đề bạt phó phòng, trưởng phòng bởi đây là cấp trực tiếp giúp việc cho vụ trưởng. Nhờ vậy, công việc được xử lý nhanh hơn và hiệu quả rất tốt, không có sai sót.
Tuy nhiên, theo ông Hợp, sau phân cấp cần đốc thúc cấp dưới làm nhanh hơn, đi kèm kiểm tra, giám sát và bám sát thực tiễn để thấy cái gì hợp lý, cái gì chưa, cái gì cần bổ sung để hoàn thiện. “Thậm chí tôi phân cấp cho anh mà anh làm không tốt, tôi vẫn có thể rút lại”, ông Hợp nói.
Muốn tinh gọn bộ máy và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, theo nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, trước hết phải làm tốt công tác tư tưởng để tạo sự thống nhất nhận thức và hành động, vì sức mạnh của tổ chức bắt đầu từ công tác tư tưởng.
“Viên gạch sắp không cẩn thận còn đổ chứ đừng nói đến con người. Phải làm sao để cán bộ nhận thức đúng và quyết tâm thực hiện”, ông Hợp nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, ông cho rằng cần có cơ chế, tiêu chuẩn sàng lọc để chọn người có đức, có tài, bởi đó là việc quan trọng nhất.
Nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp ví cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này như một “cơ hội vàng” để tuyển chọn người tài, có tâm, có đức và loại bỏ người không tốt.
Đi kèm với đó, ông nhấn mạnh cần cơ chế, chính sách thỏa đáng cho cán bộ thuộc diện sắp xếp. Bởi họ ở trong bộ máy, ít nhiều đều có cống hiến cho Nhà nước nên khi vì chủ trương chung mà họ ra đi, phải có chính sách thỏa đáng cho những cống hiến của họ, và cũng là nguồn lực giúp họ chuyển đổi nghề nghiệp.
Ví dụ, những người còn vài năm công tác có thể khuyến khích nghỉ hưu sớm nhưng phải có nguồn tối thiểu giúp họ duy trì cuộc sống.
Trong việc “xếp ghế” sau khi hợp nhất các cơ quan, nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp gợi mở có thể tổ chức thi tuyển để chọn lãnh đạo.
Ví dụ khi hai bộ hợp nhất, số lượng thứ trưởng quá nhiều, có thể tổ chức thi với đề bài “Nếu anh là thứ trưởng phụ trách lĩnh vực, anh sẽ làm gì?”, sau đó để các “ứng viên” trình bày báo cáo. Với cách làm như vậy, ông tin sẽ chọn được người giỏi và có năng lực hơn.
Trong khi đó, từ góc độ triển khai thực tế ở địa phương, Bí thư Vĩnh Phúc Dương Văn An cho rằng trước khi thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần gặp mặt cán bộ để trao đổi, nói rõ mục đích, ý nghĩa và yêu cầu cấp thiết của chủ trương
Thực tế như Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định, bộ máy đang cồng kềnh, nhiều tầng nấc, làm tăng gánh nặng cho ngân sách. Vì vậy, theo ông An, việc tinh gọn bộ máy càng sớm càng tốt, càng có lợi cho dân, cho nước.
Bên cạnh việc động viên tinh thần đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, Bí thư Vĩnh Phúc cho rằng cần khơi gợi được tinh thần cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp chung của cán bộ.
Muốn vậy, phải đặt ra các tiêu chí sắp xếp, chọn người, bố trí công việc một cách công khai, công bằng, có các hình thức để thực hiện như: xem xét, đánh giá, bình chọn dân chủ qua lấy ý kiến tập thể cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt, ngoài chính sách chung của Trung ương, ông An cho rằng địa phương cũng cần ban hành chính sách riêng để động viên, bù đắp cho những cán bộ thuộc diện sắp xếp khi tinh gọn bộ máy.
Khi hai cơ quan hợp nhất, Bí thư Dương Văn An cho biết chỉ có một người giữ vị trí cấp trưởng, người còn lại có thể đến đơn vị khác làm lãnh đạo nếu trình độ năng lực phù hợp hoặc chấp nhận xuống cấp phó, thậm chí lựa chọn nghỉ chế độ.
Song để tránh tình trạng “loại bỏ người tài”, ông nhấn mạnh cần có tiêu chuẩn lựa chọn cụ thể đi kèm với việc đánh giá trình độ năng lực, uy tín, trách nhiệm, tâm huyết của cán bộ để chọn người phù hợp.
Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đang khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch tinh gọn bộ máy đi kèm tinh giản biên chế. Theo yêu cầu của Trung ương, các cơ quan phải hoàn thành tổng kết Nghị quyết 18 và báo cáo Ban Chấp hành Trung ương phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong quý I/2025.
Nội dung: Hoài Thu, Võ Văn Thành
Thiết kế: Thủy Tiên
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/co-hoi-vang-de-chon-nguoi-tai-20241219125202615.htm