(CLO) Khi trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng được áp dụng trên chiến trường, cả Ukraine và Nga đều đang sở hữu một nguồn tài nguyên vô giá: hàng triệu giờ cảnh quay từ máy bay không người lái (UAV). Những dữ liệu này sẽ được sử dụng để đào tạo các mô hình AI có khả năng đưa ra các quyết định chiến thuật trên chiến trường.
Cả Ukraine và Nga đều đã triển khai AI trong cuộc xung đột, đặc biệt trong việc xác định mục tiêu và phân tích hình ảnh nhanh hơn nhiều so với khả năng con người.
Oleksandr Dmitriev, người sáng lập OCHI – một hệ thống kỹ thuật số phi lợi nhuận của Ukraine chuyên thu thập và phân tích dữ liệu từ hơn 15.000 phi hành đoàn UAV ở tuyến đầu, cho biết hệ thống của ông đã thu thập được 2 triệu giờ video chiến trường từ máy bay không người lái kể từ năm 2022. Con số này tương đương với 228 năm dữ liệu và sẽ cung cấp một kho dữ liệu quý giá cho AI học hỏi.
“Đây chính là ‘thức ăn’ cho AI. Nếu muốn dạy AI, hãy cung cấp cho nó 2 triệu giờ video, nó sẽ trở thành một công cụ siêu nhiên”, Dmitriev nói.
Cảnh quay từ máy bay không người lái có thể được sử dụng để đào tạo các mô hình AI nhận diện chiến thuật chiến đấu, phát hiện mục tiêu và đánh giá hiệu quả của các hệ thống vũ khí. Dmitriev cho biết: “Kinh nghiệm có thể chuyển thành toán học. Một chương trình AI có thể nghiên cứu quỹ đạo và góc độ mà vũ khí hoạt động hiệu quả nhất”.
Hệ thống OCHI ban đầu được phát triển vào năm 2022 với mục đích cung cấp cho các chỉ huy quân sự cái nhìn tổng quan về chiến trường bằng cách hiển thị cảnh quay từ các UAV của tất cả các phi hành đoàn gần đó trên một màn hình.
Sau khi triển khai, nhóm OCHI nhận ra rằng những cảnh quay này không chỉ hữu ích cho việc quản lý chiến thuật mà còn là nguồn tài nguyên quan trọng để ghi lại toàn bộ quá trình chiến đấu. Vì vậy, họ quyết định lưu trữ lại các video này.
Theo Dmitriev, mỗi ngày, hệ thống thu thập trung bình khoảng 5-6 terabyte dữ liệu từ các cuộc giao tranh, cung cấp một lượng thông tin khổng lồ để đào tạo AI.
Chất lượng của hình ảnh và quy mô bộ dữ liệu là yếu tố quan trọng giúp AI nhận dạng mục tiêu chính xác. Samuel Bendett, thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, cho biết lượng dữ liệu lớn như vậy sẽ rất có giá trị trong việc huấn luyện các hệ thống AI, giúp chúng xác định chính xác các đối tượng và các tình huống chiến thuật mà chúng phải đối mặt.
“Con người có thể nhận diện trực quan các tình huống, nhưng máy móc không thể. Chúng phải được đào tạo để nhận ra các yếu tố như đường, chướng ngại vật tự nhiên hay cuộc phục kích”, ông giải thích.
Kateryna Bondar, nghiên cứu viên tại Trung tâm AI Wadhwani thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhấn mạnh rằng chất lượng của hình ảnh và quy mô dữ liệu là cực kỳ quan trọng để AI có thể học cách nhận diện mục tiêu dựa trên hình dạng, màu sắc và các đặc điểm khác.
Ngoài OCHI, Ukraine còn có một hệ thống khác được gọi là Avengers, được Bộ Quốc phòng phát triển, cũng thu thập và phân tích video từ UAV và camera quan sát. Mặc dù Bộ Quốc phòng Ukraine không cung cấp chi tiết về hệ thống này, nhưng trước đó đã tiết lộ rằng Avengers có khả năng phát hiện 12.000 thiết bị của Nga mỗi tuần thông qua công cụ nhận dạng AI.
Ngoài việc sử dụng AI trong thu thập dữ liệu và nhận dạng mục tiêu, Ukraine cũng đang phát triển công nghệ UAV tự động. Các máy bay không người lái có thể bay vào mục tiêu mà không cần sự điều khiển của con người. Thêm vào đó, AI đang được ứng dụng trong các nhiệm vụ rà phá bom mìn, giúp giảm thiểu nguy cơ cho lực lượng quân sự và dân thường.
Nga cũng đã triển khai AI trên chiến trường, đặc biệt là trong việc nhận dạng mục tiêu của các UAV tấn công Lancet. Các UAV này đã chứng minh hiệu quả trong việc tấn công các phương tiện bọc thép của Ukraine.
Hoài Phương (theo Reuters, WP, TASS)
Nguồn: https://www.congluan.vn/ukraine-va-nga-dao-tao-mo-hinh-ai-tu-du-lieu-uav-de-phuc-vu-chien-dau-post326670.html