Ngày 20-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện số 138 về việc thực hiện tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Việc tổng kiểm kê tài sản để đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và triển khai đề án tổng kiểm kê tài sản công.
Đây là nhiệm vụ chính trị lớn để tổng hợp, đánh giá thực trạng tài sản và công tác quản lý, sử dụng tài sản công.
Tổng kiểm kê tài sản công làm tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ
Từ đó hoàn thiện chính sách, pháp luật và công tác tổ chức quản lý tài sản công, phục vụ xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và báo cáo về tài sản, báo cáo tài chính nhà nước của quốc gia.
Việc tổng kiểm kê tài sản nhà nước đã được thực hiện, song do đây là nhiệm vụ lớn, được thực hiện lần đầu với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc với nhiều loại tài sản khác nhau, được hình thành qua nhiều thời kỳ.
Trong khi đó, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa đầy đủ, chưa chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện.
Vì vậy để đảm bảo thực hiện hiệu quả tổng kiểm kê tài sản, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương chưa ban hành kế hoạch tổng kiểm kê, chưa tập huấn thực hiện ban hành kế hoạch và tập huấn, báo cáo kết quả, hoàn thành trước ngày 23-12.
Triển khai thực hiện đề án tổng kiểm kê tài sản, thực hiện đầy đủ nội dung theo quy định, không để xảy ra tình trạng chậm, muộn. Kết quả tổng kiểm kê sẽ là cơ sở đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức và người đứng đầu.
Có khen thưởng kịp thời đơn vị xuất sắc và phê bình, nhắc nhở, xử lý trách nhiệm với các đơn vị không hoàn thành.
Tăng cường công tác hạch toán, quản lý, sử dụng tài sản công, bảo đảm kiểm kê đầy đủ tài sản hiện có, thông tin về tài sản được kiểm kê đầy đủ, chính xác. Gắn việc kiểm kê tài sản với tiết kiệm, chống lãng phí.
Xử lý tài sản sử dụng không đúng mục đích
Trong quá trình kiểm kê nếu phát hiện tài sản không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng không hiệu quả thì phải kịp thời xử lý, không chờ đến khi kết thúc tổng kiểm kê, bảo đảm tài sản công được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.
Với các bộ ngành, đơn vị thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, kết thúc hoạt động, chuyển chức năng, nhiệm vụ cho cơ quan khác khi tinh gọn bộ máy vẫn phải thực hiện nhiệm vụ tổng kiểm kê; bàn giao các công việc đã và đang triển khai.
Các đơn vị sau sáp nhập, hợp nhất, chia tách, tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm triển khai tiếp các công việc còn lại, bảo đảm việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính không làm ảnh hưởng.
Bộ Tài chính kiểm tra công tác chuẩn bị, thực hiện tổng kiểm kê của các bộ ngành, địa phương, báo cáo kết quả. Đặc biệt là các đối tượng có quy mô tài sản và số lượng đơn vị kiểm kê lớn, tài sản phức tạp, tiến độ triển khai chậm.
Định kỳ báo cáo Thủ tướng và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đề xuất các giải pháp và cơ chế, chính sách, xây dựng cơ sở dữ liệu và tổ chức quản lý nhằm phát huy kết quả, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tong-kiem-ke-tai-san-cong-tren-pham-vi-toan-quoc-20241220210250723.htm