Ngày nay, việc nhiều người trẻ đang nỗ lực xây dựng cho mình một “vỏ bọc hoàn hảo” khá phổ biến. Họ “biến” mình thành người thành công, hạnh phúc và được ngưỡng mộ. Tuy nhiên, sống trong vỏ bọc hoàn hảo khiến người trẻ như đeo một chiếc mặt nạ nặng nề, gây ra nhiều hệ luỵ.
Trong khi nhiều bạn bè chật vật đi xin việc, làm thêm để xoay xở cuộc sống đắt đỏ ở thành phố thì Huỳnh Mai Linh (24 tuổi, Q.Gò Vấp, TPHCM) lại là hình ảnh trái ngược. Cuộc sống của cô được thể hiện với sự sang chảnh. Trên trang cá nhân, Linh thường xuyên khiến mọi người ngưỡng mộ bằng những bức ảnh check-in tại các quán cà phê sang trọng, những bộ quần áo thời thượng và những thành tựu cô đạt được trong công việc.
Tuy nhiên, phía sau những hình ảnh lung linh đó lại là sự không thoải mái của Linh. “Tôi luôn cảm thấy phải giữ hình ảnh của mình trước mọi người. Mỗi lần đăng bài, tôi chỉnh sửa từng chi tiết nhỏ để mọi thứ trông thật hoàn hảo. Nhưng giờ đây, tôi cảm thấy kiệt sức vì lúc nào cũng phải lo lắng về việc mọi người nghĩ gì về mình. Ngay cả khi gặp thất bại, tôi cũng không dám chia sẻ với ai”, Linh cho biết.
Linh thừa nhận, có những thời điểm cô cảm thấy stress vì cảm giác sống trong một chiếc lồng do chính mình tạo ra. Dù đạt được chút thành công trong công việc, Linh vẫn luôn cảm thấy không đủ tốt và lo lắng rằng mình sẽ bị lãng quên nếu không giữ được “ánh hào quang”.
Không chỉ Linh, áp lực xây dựng hình ảnh hoàn hảo là tình trạng khá phổ biến với các gen Z. Mạng xã hội ngày nay như một “sân khấu”, nơi mọi người thi nhau trình diễn phiên bản tốt nhất của bản thân. Nhưng điều đó cũng gây ra sự bất an và nỗi lo thất bại của không ít người trẻ.
Thường xuyên lướt mạng xã hội, Đinh Hoàng Nam, sinh viên năm thứ 3 (quận Tây Hồ, Hà Nội), cảm thấy mình “tụt lại phía sau” khi nhìn thấy bạn bè đăng tải những bức ảnh đi du lịch nước ngoài, đạt được học bổng hay khởi nghiệp thành công. “Mình cảm giác ai cũng giỏi hơn mình. Có những lúc mình tự hỏi tại sao cuộc đời mình lại không được như họ”, Nam chia sẻ.
Nam thừa nhận, để thoát khỏi cảm giác tự ti, cậu đã thử xây dựng một hình ảnh “lý tưởng” của chính mình bằng cách đăng tải những nội dung tích cực. “Mình chỉ đăng những gì đẹp nhất như ảnh chụp mình cười, những khoảnh khắc đi chơi cùng bạn bè. Nhưng thực tế, có những ngày mình chỉ nằm ở nhà, cảm thấy mệt mỏi và chán nản.”
Áp lực duy trì vỏ bọc hoàn hảo không chỉ khiến nhiều bạn trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng mà còn tạo ra các vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Theo các chuyên gia tâm lý, thế hệ gen Z đang sống trong một thế giới nơi sự công nhận từ người khác được định lượng bằng lượt thích, bình luận và người theo dõi. Khi không đạt được kỳ vọng, các bạn dễ rơi vào cảm giác tự ti, mất phương hướng. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề như rối loạn lo âu, stress và thậm chí là trầm cảm.
Trước vấn đề này, các chuyên gia tâm lý cho rằng, gen Z cần học cách chấp nhận sự không hoàn hảo của bản thân. Thay vì so sánh, các bạn trẻ hãy tập trung vào hành trình của chính mình.
Ngoài ra, việc tạo ra không gian an toàn để chia sẻ cảm xúc cũng rất quan trọng. Gần đây, thay vì đưa những hình ảnh lung linh trên mạng xã hội, Linh đã bắt đầu thử viết nhật ký để bày tỏ cảm xúc của mình. Cô đang học cách chấp nhận rằng mình không cần phải giỏi mọi thứ, và mình cũng có thể thất bại, sống thật với chính mình khiến mình tự tin, thoải mái, hạnh phúc hơn.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/nguoi-tre-kiet-suc-vi-vo-boc-hoan-hao-20241220202331837.htm