Trả lời về phản ánh của người bệnh vể tình trạng thiếu thuốc còn xảy ra ở một số bệnh viện tại buổi gặp mặt báo chí chiều 20/12 do Bộ Y tế tổ chức, ông Nguyễn Tường Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) thừa nhận, trong thời gian qua, ngành y tế có tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế ở một số bệnh viện.
Ngoài nguyên nhân khách quan thì việc áp dụng các quy định pháp luật đấu thầu trong mua sắm thuốc, vật tư y tế còn khiến các bệnh viện gặp khó khăn.
Trước tình trạng trên, Bộ Y tế đã chủ động báo cáo Chính phủ, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng Luật Đấu thầu sửa đổi, cũng như Nghị định 24 và có thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế, trong đó chú ý đến quy định giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.
“Hiện nay, cơ bản khó khăn đã được tháo gỡ, tuy nhiên vẫn còn một số tình trạng thiếu hụt thuốc cục bộ ở một số bệnh viện. Với những quy định pháp luật đấu thầu tuy đã tháo gỡ, nhưng còn có nhiều điểm mới, nên các cơ sở y tế chưa hiểu hết để vận dụng vào mua sắm”, ông Tường Sơn cho hay.
Ông Tường Sơn cũng cho biết, Bộ Y tế đã có văn bản quy định các đơn vị y tế phải chịu trách nhiệm về việc thiếu thuốc, đặc biệt là người đứng đầu bệnh viện, tuy nhiên, một số đơn vị báo cáo, khi thực hiện đấu thầu nhưng không có nhà thầu tham gia, hoặc một số thuốc hiếm thị trường không có… Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế tiếp tục phổ biến, hướng dẫn, tập huấn về công tác đầu thầu cho các bệnh viện.
Đặc biệt, Bộ Y tế đang xây dựng sổ tay hướng dẫn công tác đấu thầu có tính chất thực hành giúp các bệnh viện hiểu cặn kẽ hơn các quy định đấu thầu, cố gắng đầu năm 2025 sẽ ban hành để các đơn vị áp dụng.
Chia sẻ thêm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, vướng mắc về mua sắm, đấu thầu là cả một bài toán không phải giải quyết trong ngày một ngày hai. Trong 2 năm qua, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ sửa, ban hành nhiều nghị định, thông tư, đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn trong mua sắm, đấu thầu.
“Đến thời điểm này đã đảm bảo đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Nhiều bệnh viện đảm bảo được thuốc, vật tư y tế cơ bản cho người dân. Như Bệnh viện Đức Giang báo cáo đã giải quyết được 95% vấn đề cung ứng thuốc cho người bệnh, còn lại 5% là vấn đề quay vòng gói thầu chưa đến thời hạn, hoặc nguồn cung chưa có, nhưng bệnh viện vẫn giải quyết được vì vẫn có nguồn thuốc khác thay thế đảm bảo cho người bệnh”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay.
Về phản ánh của người dân phải chi tiền túi ra ngoài mua thuốc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, đã cử các đoàn đến tận bệnh viện để nắm bắt khó khăn. Đối với việc thiếu thuốc ở Bệnh viện Việt Đức, Bộ Y tế cũng đã về làm việc với bệnh viện 1 lần. Bộ đang tập trung sát sao chỉ đạo đồng chí Giám đốc bệnh viện giải quyết khó khăn, không để người bệnh phải ra ngoài mua vật tư, y tế cho việc chữa bệnh.
Trong Luật BHYT sửa đổi vừa được thông qua, có quy định cho phép điều chuyển thuốc, vật tư y tế giữa đơn vị này với đơn vị khác, được BHYT thanh toán. “Đây là cơ chế tạo điều kiện cho các bệnh viện, cho ngành y tế từ trung ương đến địa phương, đảm bảo khi cần thuốc, vật tư y tế cho người bệnh đáp ứng được ngay”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo CAND về tình trạng người bệnh bị suy tuyến thượng thận khi đi khám ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương nhiều tháng nay không có thuốc BHYT và phải ra ngoài mua, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, đến tháng 12 năm nay, chưa có đơn vị nào báo cáo về thiếu thuốc nghiêm trọng lên Bộ Y tế.
“Vấn đề phóng viên phản ánh chúng tôi hết sức lắng nghe. Riêng việc thiếu thuốc ở Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Nội tiết Trung ương, chúng tôi sẽ yêu cầu Giám đốc các bệnh viện báo cáo sớm, nắm rõ xem nguyên nhân thiếu thuốc ở đâu, giải quyết vấn đề này thế nào. Mục tiêu của chúng tôi là lắng nghe ý kiến phản ánh để giải quyết một cách căn cơ vấn đề thiếu thuốc, giúp người dân không phải khó khăn, vất vả khi đi khám chữa bệnh mà thiếu thuốc”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Nguồn: https://cand.com.vn/y-te/chua-co-benh-vien-nao-bao-cao-thieu-thuoc-nghiem-trong-len-bo-y-te–i754036/