Sáng 11/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, tăng 403,8 nghìn tỷ đồng (+28,6%) so dự toán. Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi NSNN năm 2022 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra: chi NSNN năm 2022 ước đạt 2,16 triệu tỷ đồng, tăng 352,3 nghìn tỷ đồng (+19,4%) so dự toán.
Theo ông Phớc, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng. “Tuy nhiên, tình trạng gian lận, trốn thuế, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp”, Bộ trưởng cho hay.
Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, theo ông Phớc, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước. Cả nước có 74.759 căn, nhà (phòng) công vụ với tổng diện tích là 2,3 triệu m2.
Tuy nhiên, tư lệnh ngành tài chính cho rằng, công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Quy hoạch sử dụng đất của địa phương chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời.
Trong tổ chức bộ máy, Bộ trưởng cho biết, các Bộ, Ngành trung ương giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương, 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ, 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ, 90% phòng trong vụ. Các địa phương giảm 7 sở và 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện.
“Lũy kế đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương, ông Phớc cho hay.
Cùng với đó, cả nước đã giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016. Tinh giản biên chế giảm 79.057 người (tỷ lệ 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016 – 2021). Tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC)…
“Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan có lúc, có nơi còn rời rạc, thiếu gắn kết, chưa kịp thời, chất lượng chưa cao; xuất hiện tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà nước, y tế, giáo dục”, Bộ trưởng nêu.
Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính cho biết, đã có 18/19 tập đoàn, tổng công ty xây dựng Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 và đang tiếp tục hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Năm 2022, các doanh nghiệp đã thoái vốn với giá trị sổ sách khoảng 883,7 tỷ đồng, thu về 4.290,6 tỷ đồng; 1 doanh nghiệp cổ phần hoá với tổng giá trị doanh nghiệp 309 tỷ đồng (trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước 278 tỷ đồng). Đã đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình (giai đoạn 2), Sông Hậu 1; tích cực xử lý, cơ cấu lại dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả…
Tuy nhiên, ông Phớc khẳng định, tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn DNNN còn chậm. Công tác xử lý một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả vẫn còn hạn chế.
Về nhiệm vụ, giải pháp THTK, CLP năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, năm 2023, là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm giai đoạn 2021-2025, Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2023 là “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”; tập trung chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả.
Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tiếp tục cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách; tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng Chính phủ số… Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể THTK, CLP năm 2023; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo THTK, CLP tại các bộ, ngành, địa phương.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh chỉ rõ, tiến độ giải ngân vốn một số dự án quan trọng quốc gia còn chậm.
Cơ quan thẩm tra dẫn chứng, lũy kế giải ngân Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đến ngày 31/01/2023 là 46.871,8 tỷ đồng, chỉ đạt 70,7% tổng kế hoạch được giao;
Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là 9.409,2 tỷ đồng, đạt 7,86% kế hoạch;
Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đến thời điểm 31/12/2022 mới giải ngân 16.697,647 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch.
Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, nếu loại trừ khoản giải ngân kế hoạch vốn địa phương giao tăng thêm từ nguồn vượt thu thì tỷ lệ giải ngân còn thấp hơn số Chính phủ đã báo cáo.
“Còn 31/51 Bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 75% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân dự án có vốn nước ngoài chỉ đạt 42,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao”, bà Chinh nói.
Cơ quan thẩm tra kiến nghị Chính phủ công khai danh sách Bộ, ngành, địa phương chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 và năm 2023 trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời công khai và có hình thức xử lý đối với hành vi lãng phí, vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị nghiên cứu, có giải pháp, chính sách mạnh mẽ trong cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, cơ cấu lại DNNN, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
“Xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu DNNN chậm triển khai, vi phạm trong quá trình cổ phẩn hóa, thoái vốn nhà nước”, bà Chinh nêu rõ.