(TN&MT) – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng, Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024 có tính khoa học, toàn diện, thực tiễn và được tuân thủ nghiêm minh sẽ loại trừ được những bất cập liên quan đến hoạt động địa chất, khoáng sản như hiện nay.
Chiều 20/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ tám, trong đó có Địa chất và Khoáng sản.
Giới thiệu những nội dung mới của Luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nêu rõ, Luật Địa chất và Khoáng sản thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.
Thể chế hoá đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước
Thông tin tại buổi công bố, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, quá trình tổng kết Luật Khoáng sản năm 2010 cho thấy, một số chế định pháp lý không còn phù hợp với thực tế, cần được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh mới và Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024 được ban hành đã cơ bản giải quyết các vấn đề trên.
Đồng thời, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh một số quan điểm, mục tiêu và nội dung quan trọng của Luật Địa chất và Khoáng sản như:
Luật đã thể chế hoá đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, tài nguyên địa chất, khoáng sản vừa là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, vừa là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia cần phải được điều tra, đánh giá và lập quy hoạch, kế hoạch thăm dò đầy đủ, quản lý tập trung, thống nhất; khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.
Tạo hành lang pháp lý toàn diện trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khoáng sản.
Luật đã quy định rõ nội dung và trách nhiệm của Nhà nước trong điều tra cơ bản địa chất; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điều tra cơ bản địa chất.
Giải quyết các khó khăn vướng mắc của địa phương
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng thông tin một số nội dung quan trọng của Luật Địa chất và Khoáng sản như:
Khoáng sản được phân chia thành các nhóm I, II, III và IV. Từ việc phân nhóm khoáng sản, đã xác lập cách tiếp cận phù hợp từ khâu quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản.
Đơn giản hóa tối đa các trình tự, thủ tục hành chính và tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm III, IV; giấy phép khai thác tận thu khoáng sản nhóm I, II và III; giấy phép khai thác khoáng sản nhóm I và II tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố.
Giải quyết các khó khăn vướng mắc của địa phương khi thực hiện dự án đầu tư trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia nhằm khai thác, sử dụng tối đa quỹ đất để phát triển kinh tế xã hội.
Sử dụng ngân sách Nhà nước để thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn.
Luật đã quy định tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được phép khai thác, được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế. Quy định này tạo tính công bằng cho các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.
Tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, pháp luật sẽ khó đi vào thực tiễn nếu như năng lực thực thi không đáp ứng. Do vậy, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục đề xuất Chính phủ quan tâm, đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, nhân lực quản lý nhà nước về địa chất và khoáng sản cả ở trung ương và địa phương, đặc biệt là hệ thống cơ sở dữ liệu, thiết bị, công nghệ kiểm soát hoạt động khoáng sản.
Đồng thời, gắn công tác quy hoạch, quản lý khai thác khoáng sản với công tác quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn và bảo vệ môi trường trong một thể thống nhất. Khuyến khích khai thác khoáng sản bền vững, áp dụng các công nghệ, giải pháp thân thiện với môi trường.
Hệ thống pháp luật về địa chất và khoáng sản có tính khoa học, toàn diện, thực tiễn và được tuân thủ nghiêm minh sẽ loại trừ được những bất cập liên quan đến hoạt động địa chất, khoáng sản như hiện nay.
“Với sự vào cuộc có trách nhiệm các bên liên quan, từng bước chúng ta sẽ đạt được mục tiêu phát triển bền vững của ngành công nghiệp khai khoáng theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị.” – Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/bo-truong-do-duc-duy-phap-luat-ve-dia-chat-va-khoang-san-co-tinh-khoa-hoc-toan-dien-va-thuc-tien-384785.html