Bà Huỳnh Mộng Đào (50 tuổi) sinh sống ở Campuchia nhiều năm, khi trở về Cần Thơ, sử dụng xe buýt để đi lại và đánh giá rất cao dịch vụ này.
Những ngày cuối năm 2024, thời tiết se lạnh, bà Huỳnh Mộng Đào được người nhà đưa đến bến xe buýt Ba Láng, ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ để bắt xe đi về nhà ở quận Ô Môn, với quãng đường khoảng 30km.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Đào hào hứng và tỏ ra bất ngờ về dịch vụ xe buýt ở quê nhà trong những năm gần đây. “Tôi sinh sống thường ở Campuchia, mấy tháng gần đây có về Việt Nam nhiều để thăm người thân đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ (quận Cái Răng, TP Cần Thơ).
Do không có người đưa đón, quãng đường cũng khá xa, tôi được người quen hướng dẫn dùng xe buýt để đi lại. Đây là lần thứ tư tôi đi xe buýt ở Cần Thơ rồi và thấy rất hài lòng”, bà Đào nói.
Theo bà, tuyến xe buýt Ô Môn đi Ba Láng và ngược lại bà thường đi chạy rất đúng giờ, trên xe lúc nào cũng mát rượi, sạch sẽ, thơm tho.
“Điều tôi thích nhất là thái độ của nhân viên ở bến và ở cả trên xe, lúc nào cũng quan tâm hành khách.
Khi tới bến, tôi được nhân viên hỏi là đi đâu, được hướng dẫn ngồi chờ, cẩn thận giữ gìn đồ đạc. Khi có xe, nhân viên ra tận nơi thông báo. Xe buýt như vậy là nhất nhì Việt Nam rồi”, bà Đào cười nói.
Vẫn theo bà Đào, trong bốn lần đi xe buýt, bà chưa bao giờ phải chờ xe quá 15 phút. Bà tính toán rằng nếu cân đối thời gian, quãng đường thì xe buýt là lựa chọn tối ưu nhất cho việc đi lại.
Do tình hình thực tế cũng như nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của người dân tốt hơn, Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông Đô thị (Sở GTVT TP Cần Thơ) đã điều chỉnh và bổ sung lộ trình, gộp tuyến xe buýt số 1 và số 3 thành tuyến số 1: Ba Láng – Ô Môn – Ngã ba Lộ Tẻ.
Cụ thể: Tuyến số 1: Ba Láng – Ô Môn – Ngã ba Lộ Tẻ; Số hiệu tuyến: CT-01; CT-03, cự ly: 62km.
Hành trình: Ba Láng (quận Cái Răng) – quốc lộ 1A (cũ) – đường Phạm Hùng (quận Cái Răng) – cầu Cái Răng – đường 30/4 – đường Hòa Bình – đường Nguyễn Trãi – đường Cách Mạng Tháng Tám – đường Lê Hồng Phong – đường Tôn Đức Thắng – bến xe buýt Ô Môn – quốc lộ 91 – Thốt Nốt – ngã ba Lộ Tẻ (quận Thốt Nốt) và ngược lại.
Tổng số chuyến: 62 chuyến/ngày; Tần suất giữa hai chuyến liền kề: 25 phút/chuyến – 30 phút/chuyến.
Thời gian hoạt động: 5h20 đến 17h30 hàng ngày. Giá vé, một lượt suốt tuyến 45.000 đồng/hành khách. Trong đó, cự ly dưới 20km 15.000 đồng/hành khách; từ 20km-30km 25.000 đồng/hành khách; từ 30km đến dưới 50km 30.000 đồng/hành khách.
Ngoài ra, các đối tượng ưu tiên được giảm giá vé gồm: người cao tuổi, người có công, người khuyết tật.
Cụ thể, cự ly dưới 20km: 11.000 đồng/hành khách; cự ly từ 20km – đến 30km: 18.000 đồng/hành khách; cự ly từ 30km – dưới 50km: 21.000 đồng/hành khách; cự ly từ 50km – đến suốt tuyến: 24.000 đồng/hành khách.
Vé đối với học sinh – sinh viên: giá 7.000 đồng/lượt (đối với tất cả các chặng và suốt tuyến).
Tuyến xe buýt này sẽ khởi hành từ bến Ba Láng (quận Cái Răng), vận chuyển hành khách trên các trục đường chính kết nối các quận trung tâm của TP Cần Thơ như Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn và Thốt Nốt. Đây là tuyến xe buýt có lộ trình đi qua nhiều địa điểm quan trọng như cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, siêu thị, trung tâm thương mại và khu công nghiệp của thành phố.
Cần Thơ hiện có 11 tuyến xe buýt nội thành hoạt động. Công ty CP xe khách Phương Trang – FUTA Bus Lines là đơn vị khai thác tuyến.
Các tuyến xe buýt gồm: Ba Láng – Ô Môn; Ô Môn – ngã ba Lộ Tẻ; công viên Sông Hậu – thị trấn Phong Điền; Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ – bến xe khách trung tâm thành phố Cần Thơ; Ô Môn – thị trấn Cờ Đỏ; ngã ba Lộ Tẻ – Kinh B ; ngã Ba Lộ Tẻ – thị trấn Cờ Đỏ; Phong Điền – Lộ Tẻ Ba Se – Ô Môn; Phong Điền – Thới Lai; Ba Láng – KCN Trà Nóc – Ô Môn.
Đến nay, do các điều kiện khách quan, tuyến xe buýt công viên sông Hậu – thị trấn Phong Điền và tuyến cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ- bến xe khách trung tâm thành phố Cần Thơ đã tạm dừng hoạt động.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/viet-kieu-ve-nuoc-het-loi-khen-xe-buyt-can-tho-192241220102544727.htm