Mục tiêu trở thành kinh đô ẩm thực mới của thế giới vào năm 2030 có thể khá to tát với một ai đó nhưng rõ ràng ẩm thực Việt có thể tốt hơn với chính nó thông qua những giải pháp nâng tầm.
Trong bối cảnh ẩm thực Việt Nam đang được thế giới công nhận và ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới, buổi nói chuyện “Văn hóa ẩm thực và sự di chuyển tại Việt Nam” vào ngày 18-12 tập trung thảo luận về những cơ hội phát huy văn hóa ẩm thực Việt Nam, đồng thời tận dụng các xu hướng di chuyển và du lịch của thời đại để quảng bá văn hóa ẩm thực Việt ra quốc tế.
Sự kiện do C asean tổ chức, có sự chia sẻ của các chuyên gia đánh giá ẩm thực quốc tế, liên minh hiệp hội nhà hàng, dịch vụ vận chuyển, các đầu bếp và nhà sáng lập nhà hàng.
Bếp trưởng SAM TRẦN
Việt Nam thành điểm đến ẩm thực mới
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Chử Hồng Minh – chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam (RAV) và Liên minh Hiệp hội nhà hàng ASEAN (ARAA) – cho biết với tư cách là nước chủ tịch của ARAA vào năm 2024 – 2025, các dự án và sáng kiến của Chi hội nhà hàng Việt Nam sẽ tập trung vào các cuộc thi ẩm thực, thúc đẩy thương mại ẩm thực giữa các nước ASEAN và thế giới.
Đồng thời mở các chương trình đào tạo nhằm nâng cao hiệu quả vận hành cho các nhà hàng vừa và nhỏ, thúc đẩy du lịch ẩm thực trong khối ASEAN.
Ông Minh thông tin thêm “bên cạnh các hoạt động tăng cường hợp tác phát triển trong khối ASEAN, Việt Nam cũng hợp tác chiến lược với các tổ chức hàng đầu thế giới”.
Ví dụ Hiệp hội Siêu đầu bếp thế giới (WAMC), Hiệp hội Nhà hàng Mỹ (NRA); đặc biệt là Hiệp hội Du lịch ẩm thực thế giới (WFTA) với hai giải thưởng công nhận của thế giới trong lĩnh vực nhà hàng và du lịch ẩm thực gồm Giải thưởng Global Culinary Travel Awards dành cho bảy loại hình doanh nghiệp trong chuỗi giá trị du lịch ẩm thực và Giải thưởng Culinary Capitals cho thành phố tiềm năng của Việt Nam.
Theo ông, chuỗi hoạt động này “hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam thành một trong những kinh đô ẩm thực mới của thế giới vào năm 2030”.
Tuy nhiên đây có phải là một mục tiêu viển vông? Các chuyên gia cùng chỉ ra những tiềm năng của Việt Nam khi muốn chinh phục.
Những năm qua ẩm thực Việt Nam phát triển mạnh mẽ không chỉ về hương vị mà còn có tính bền vững, sáng tạo và kết nối cộng đồng. Trong đó các đầu bếp, nhà hàng, tổ chức và nền tảng số đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá và bảo tồn văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng việc tập trung vào nguyên liệu địa phương, kết hợp truyền thống và hiện đại sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền vững của ẩm thực Việt Nam trong tương lai.
Ông CHỬ HỒNG MINH
Hài hòa trong phát triển
Ông Ahmad Faiez Mohamed Pisal, tổng giám đốc Michelin Việt Nam, đề cập tới sự hài hòa trong phát triển. Năm 2020, Sao Xanh Michelin (Michelin Green Star) ra đời nhằm tôn vinh những cơ sở ăn uống tiên phong trong việc hướng đến xây dựng nền ẩm thực bền vững.
Trong sự kiện công bố các giải thưởng Michelin lần 2 vào cuối tháng 6-2024, Nén Danang ở Đà Nẵng trở thành nhà hàng đầu tiên của Việt Nam đạt giải Sao Xanh Michelin.
Đại diện Michelin Việt Nam nhận định đây không chỉ là giải thưởng đơn thuần mà còn cho thấy sự nâng cao nhận thức và triết lý kinh doanh về phát triển bền vững đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong mối tương quan giữa hành vi và ý thức bảo vệ môi trường. “Chúng ta bắt đầu thấy tính bền vững là một phần của ẩm thực Việt Nam”, ông nói.
Ông cũng nhấn mạnh đến yếu tố “con người hạnh phúc”, “nhà hàng hạnh phúc” và “khách hàng hạnh phúc”. “Khoảng 90% doanh nghiệp F&B (thực phẩm và đồ uống) ở Việt Nam là vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Tập trung nâng cao năng suất cũng là việc cần quan tâm”, ông nói thêm.
Summer Lê, nhà sáng lập kiêm bếp trưởng nhà hàng Nén Danang & Nén Light, tiết lộ các sáng kiến bền vững của nhà hàng tập trung vào việc sử dụng nguyên liệu truyền thống, phát triển con người và gìn giữ triết lý tôn vinh ẩm thực truyền thống Việt Nam thông qua việc xây dựng những câu chuyện ý nghĩa đằng sau mỗi món ăn.
Cô nói có người cho rằng nếu chỉ tận dụng nguyên liệu địa phương thì ẩm thực Việt khó đi “xa”. “Đúng là thách thức, nhưng chúng tôi coi đó là cơ hội để sáng tạo”, Summer Lê ví dụ món kem rơm – sản phẩm từ những bó rơm khô khan và mộc mạc.
Ngoài ra đại diện nhà hàng này cũng phát biểu “việc kinh doanh ẩm thực một cách bền vững là mục tiêu có thể đạt được kể cả ở những đô thị lớn như TP.HCM”.
Bếp trưởng Sam Trần – đồng sáng lập nhà hàng Gia, một trong những nhà hàng nhận 1 sao Michelin – chia sẻ những kinh nghiệm để nâng tầm ẩm thực Việt.
Không chỉ đi theo triết lý ẩm thực sử dụng tất cả các nguyên liệu địa phương và kỹ thuật chế biến phương Tây giúp thực khách khám phá nhiều điều thú vị hơn, đội ngũ tại Gia còn “học hỏi không ngừng”.
Bà Đặng Thùy Trang, giám đốc đối ngoại Grab Việt Nam, chia sẻ hiện nay người tiêu dùng có xu hướng gia tăng tìm kiếm các nhà hàng mới trên nền tảng trực tuyến.
Các nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến đang cố gắng “tối ưu hóa khả năng tiếp cận, quảng bá cho các nhà hàng, mang đến những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, đóng góp chung vào việc gìn giữ và phát huy sự phong phú ẩm thực của Việt Nam”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/viet-nam-thanh-kinh-do-am-thuc-moi-vao-nam-2030-20241219231834995.htm