Với đặc thù là huyện thuần nông, từ lâu nguồn vốn tín dụng chính sách đã dần trở thành điểm tựa giúp người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Lương Tài có thêm nguồn vốn sản xuất, cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống, góp phần tích cực vào mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Nguồn vốn chính sách, “điểm tựa” của người nghèo (Bài 1) |
Bài 2: Điểm tựa giúp người nghèo và các đối tượng chính sách vượt khó
Chương trình vay vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH giúp các hộ gia đình có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất |
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH)”, hằng năm, Ngân hàng CSXH huyện đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo triển khai có hiệu quả tín dụng CSXH; đồng thời, cụ thể hoá nội dung Chỉ thị bằng kế hoạch, hướng dẫn để các chính sách của Đảng đến với người dân được kịp thời và thực hiện theo quy định của pháp luật.
Nhằm giúp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách tổ chức sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững, Ngân hàng CSXH huyện và các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức dạy nghề, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất,…; triển khai lồng ghép chương trình vốn vay Ngân hàng CSXH với các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, xây dựng và mở rộng các mô hình cho hộ nghèo, hộ sản xuất, kinh doanh vay vốn theo dự án.
Hiện nay, huyện Lương Tài đang triển khai thực hiện 12 chương trình tín dụng chính sách và các chương trình do địa phương ủy thác thực hiện. Tổng doanh số cho vay từ đầu năm 2014 đến nay đạt 983 tỷ đồng, với gần 33.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ đạt gần 675 tỷ đồng, bằng 68,6% doanh số cho vay. Đến ngày 31/5/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 533 tỷ đồng, tăng 308 tỷ đồng so năm 2014, với gần 9.736 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ đạt 54,4 triệu đồng, tăng 22,6 triệu đồng so với năm 2014.
Lương Tài cũng là điểm sáng và là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về cho vay tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, Ngân hàng CSXH huyện đã chủ động tham mưu lãnh đạo huyện Lương Tài ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện và tháo gỡ các khó khăn khi thực hiện chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đồng thời, phối hợp với lực lượng Công an, chính quyền địa phương tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền, nắm bắt nhu cầu, giải ngân khoản vay đến đúng đối tượng.
Từ nguồn vốn vay chính sách, gia đình ông Đoàn Văn Thanh, xã Trung Chính, huyện Lương Tài đầu tư phát triển kinh tế trang trại |
Tính đến ngày 31/5/2024, toàn huyện đã giải ngân vốn vay đến 38 khách hàng với số tiền hơn 3,5 tỷ đồng. Qua kiểm tra, các khách hàng đều đã sử dụng nguồn vốn vay đầu tư phương án sản xuất kinh doanh đúng mục đích.
Sau khi chấp hành xong bản án 19 tháng tù, với quyết tâm làm lại cuộc đời, phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Đoàn Văn Thanh, xã Trung Chính chia sẻ: Nhờ tiếp cận nguồn vốn CSXH đã tạo động lực giúp anh tự phát triển kinh tế của bản thân, tránh xa các tệ nạn xã hội. Từ số vốn vay 100 triệu đồng, anh mạnh dạn mở rộng chuồng trại, mua thêm con giống chăn nuôi, đến nay, với quy mô 3 dãy chuồng, 2.900 con gà thương phẩm, hơn 2.000m2 ao thả cá và vườn bưởi, mỗi năm trang trại của anh thu về lợi nhuận 150 triệu đồng. Anh Thanh cũng mong được các cơ quan, ban ngành tạo điều kiện vay nhiều hơn để anh có điều kiện làm chuồng hiện đại, khép kín để tránh rủi ro khi chăn nuôi.
Bên cạnh đó, huyện Lương Tài cũng luôn quan tâm chỉ đạo huy động các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2019, huyện Lương Tài và 13/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm xuống còn 1,03%, hộ cận nghèo 1,63%.
Cơ cấu nguồn vốn tín dụng CSXH đã chuyển biến theo hướng tăng nguồn vốn Ngân hàng CSXH tự huy động được ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất và nguồn lực tại địa phương, thể hiện rõ chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực” với phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”. Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng CSXH đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Ông Đặng Văn Trọng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lương Tài cho biết: Để nguồn vốn chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả, tạo đòn bẩy giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục chú trọng chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động giao dịch tại xã, thị trấn, chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV; triển khai, áp dụng các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng CSXH gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; chỉ đạo thực hiện rà soát các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn làm cơ sở để Ngân hàng CSXH huyện cho vay vốn. Đồng thời, thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ như: Khuyến nông, khuyến công, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; định hướng sản xuất, cây trồng, vật nuôi, thương mại, dịch vụ,… giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/nguon-von-chinh-sach-diem-tua-cua-nguoi-ngheo-bai-2-158896.html