Về việc quy đổi về thang điểm chung giữa các phương thức xét tuyển và các tổ hợp xét tuyển theo tinh thần dự thảo thông tư tuyển sinh đại học (ĐH) 2025 đang lấy ý kiến, các cơ sở đào tạo cho rằng điều này sẽ giúp đảm bảo tính công bằng.
Việc xét tuyển ĐH hiện nay chia làm hai đợt: Các trường xét tuyển sớm, từ trước khi có điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển chung đợi sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT. Các trường có thể sử dụng một hoặc nhiều phương thức để xét tuyển sớm. Bao gồm, tuyển học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế; xét học bạ; xét điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; xét chứng chỉ bài thi chuẩn hóa quốc tế SAT; xét chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (IELTS, TOEFL, TOEIC…).
Đại diện Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) nhìn nhận, mục đích của việc quy đổi điểm xét tuyển các phương thức về một thang điểm chung nhằm hạn chế việc phân chia chỉ tiêu giữa các phương thức không đồng đều, gây mất công bằng đối với thí sinh. Tuy nhiên, việc quy đổi điểm về một thang điểm chung tạo sự công bằng cho thí sinh cũng không đơn giản, bởi phải đảm bảo sự đối sánh và tương quan giữa kết quả học tập của học sinh qua từng phương thức xét tuyển.
Còn theo ThS Lê Dũng – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TPHCM (UEF), điểm xét tuyển và điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển cần được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng ngành, chương trình hoặc nhóm ngành đào tạo là một quy định hợp lý, giúp đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.
Ông Dũng phân tích, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 20 phương thức xét tuyển ĐH, việc có một thang điểm chung sẽ tạo ra một mặt bằng xét tuyển đồng bộ giữa các trường và các phương thức xét tuyển, giúp tránh tình trạng các trường sử dụng nhiều cách quy đổi điểm không đồng nhất, dẫn đến chênh lệch không đáng có. Bên cạnh đó, điều này còn tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trong quá trình tổ chức đào tạo, nâng cao hiệu quả giáo dục bởi sự tương đồng về năng lực đầu vào của các thí sinh. Cách quy đổi điểm xét tuyển theo thang điểm chung tạo ra một hệ quy chiếu thống nhất để đánh giá năng lực của thí sinh. Việc này cũng gây ảnh hưởng một phần đến cơ hội trúng tuyển của thí sinh và chất lượng thí sinh trúng tuyển, nên cần có quy định rõ ràng. Thực tế hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chưa đưa ra quy định cụ thể về thang điểm chung, điều này dẫn đến các trường phải tự quy đổi theo cách riêng, gây khó khăn trong việc đảm bảo sự đồng bộ trên toàn hệ thống giáo dục.
Liên quan đến phương thức xét tuyển học bạ, các chuyên gia cho rằng đây là phương thức khó đánh giá chất lượng đầu vào. TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam; nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng hiện phương thức xét tuyển bằng học bạ gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá chất lượng đầu vào của xét tuyển ĐH. Lý do bởi điểm học bạ của thí sinh có độ tin cậy chưa cao, ở không ít các trường phổ thông vẫn có tình trạng “xin điểm”, bệnh thành tích để làm đẹp học bạ…
Trước ý kiến băn khoăn về việc nếu áp dụng thang điểm chung để xét tuyển sẽ làm mất tính công bằng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) Nguyễn Thu Thủy nêu quan điểm: Dựa trên căn cứ nào để cơ sở đào tạo đưa ra các phương thức hay tổ hợp xét tuyển khác nhau cho một chương trình đào tạo hoặc một ngành đào tạo – khi mà yêu cầu đầu vào về nguyên tắc phải như nhau? Việc này phải xuất phát từ việc các phương thức, tổ hợp xét tuyển này đều có tiêu chí đánh giá phù hợp để đánh giá được năng lực học tập của thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo.
Theo bà Thủy, tiêu chí đánh giá của các phương thức, tổ hợp xét tuyển cho cùng một chương trình, ngành đào tạo phải đối sánh được với nhau. Việc quy điểm xét tuyển về cùng một thang điểm để bảo đảm các trường chọn được những phương thức xét tuyển phù hợp nhất với ngành/chương trình đào tạo mà đơn vị đang tuyển sinh; đồng thời so sánh được các thí sinh với nhau để chọn được người phù hợp nhất vào học – cho dù có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ hay kết quả của các kỳ thi độc lập, chứng chỉ quốc tế.
Trước ý kiến đề xuất bỏ xét tuyển sớm, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra đầu tháng 12/2024, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia, trường ĐH, nhà quản lý giáo dục phổ thông và đang cân nhắc. Việc điều chỉnh quy chế tuyển sinh phải dựa trên nguyên tắc công bằng, chất lượng, nâng cao hiệu quả, tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường.
Nguồn: https://daidoanket.vn/dam-bao-dong-bo-chat-luong-dau-vao-10296886.html