Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước trải qua 51 kỳ điều chỉnh, với xu hướng trái chiều giữa hai nhóm hàng khi xăng giảm, dầu tăng.
Mỗi lít xăng A95 từng đạt đỉnh 24.955 đồng
Hiện nay, giá xăng dầu được điều chỉnh định kỳ vào thứ năm hằng tuần.
Tính tới phiên điều chỉnh gần nhất (19-12), giá bán lẻ xăng A92 thấp hơn đầu năm khoảng 760 đồng/lít, hiện ở mức 20.244 đồng.
Giá RON 95 cũng đi lùi nhưng biến động cao hơn khi giảm gần 800 đồng, hiện ở mức 21.004 đồng/lít.
Ở chiều ngược lại, hầu hết giá các loại dầu đều đang nhỉnh hơn so với đầu năm.
Cụ thể, dầu diesel tăng khoảng 876 đồng/lít và dầu mazut tăng 408 đồng/kg, lần lượt ở mức 18.733 đồng và 15.903 đồng. Trong khi đó, dầu hỏa giảm gần 1.000 đồng/lít, hiện ở mức 18.968 đồng.
Xét về xu hướng chung, giá nhiên liệu biến động mạnh trong những tháng đầu năm và tương đối ổn định khoảng 3 tháng cuối năm.
Điều này thể hiện qua việc giá xăng A92 đạt đỉnh 23.919 đồng/lít vào cuối tháng 4, còn RON 95 lên mức cao nhất 24.955 đồng vào đầu tháng 5.
Từ đó đến khoảng tháng 9, hầu hết các kỳ điều chỉnh đều ghi nhận giá giảm và chạm đáy trong khoảng thời gian này.
Cụ thể, A92 chạm đáy 18.850 đồng/lít vào kỳ điều chỉnh giữa tháng 9, còn RON 95 xuống 19.635 đồng vào đầu tháng 10.
Sự biến động giá xăng dầu trong năm chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, bao gồm diễn biến giá dầu thô trên thị trường thế giới, các biến động kinh tế toàn cầu và chính sách điều hành giá trong nước.
Dự đoán lượng nhập tiếp tục tăng
Theo ước tính của Bộ Công Thương, tổng nhu cầu xăng dầu tại Việt Nam năm nay khoảng 26-27 triệu m3/tấn.
Nguồn cung nguyên liệu cho nội địa từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu. Trong đó, khoảng 60% được cung cấp từ hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và nhà máy Nghi Sơn.
Nguồn cung còn lại được các đầu mối kinh doanh xăng dầu như Petrolimex, PV OIL, Saigon Petro… nhập từ các nước; chủ yếu từ Hàn Quốc và Singapore.
Theo báo cáo phân tích của VCBS, Hàn Quốc là quốc gia cung cấp xăng dầu nhiều nhất cho thị trường Việt Nam, vì mức ưu đãi thuế 0% (kể từ 2024) từ hiệp định thương mại Việt Nam – Hàn Quốc.
Mức thuế này thấp hơn đáng kể so với mức thuế áp dụng đối với hàng hóa từ các nước thành viên WTO là 20%.
Những năm gần đây, nhu cầu xăng dầu trong nước ngày càng tăng, trong khi năng lực cung cấp từ nhà máy lọc dầu trong nước không tăng thêm.
Điều này dẫn đến tỉ trọng hàng nhập khẩu cho thị trường tăng và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Thị trường xăng dầu nội địa sẽ tiếp tục cạnh tranh khốc liệt. Cả nước có khoảng 36 đầu mối kinh doanh xăng dầu; trong đó có 3 đầu mối chỉ kinh doanh nhiên liệu bay (Jet A1).
Hai đầu mối lớn là Petrolimex và PV OIL nắm khoảng 70% thị trường; trong đó, Petrolimex là nhà cung cấp các sản phẩm xăng dầu lớn nhất nội địa, với 47% thị phần.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của Petrolimex đạt gần 213.000 tỉ đồng và lãi ròng hơn 2.550 tỉ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhà bán lẻ đứng thứ hai là PV OIL ghi nhận doanh thu thuần hơn 95.400 tỉ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 43%, chỉ đạt 382 tỉ đồng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/gia-xang-dau-tang-giam-bao-nhieu-tu-dau-nam-toi-nay-20241219130141699.htm