Thực phẩm chức năng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, do đó cần có các biện pháp quản lý nghiêm ngặt để bảo vệ người tiêu dùng khỏi những rủi ro về an toàn chất lượng.
Thực phẩm chức năng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, do đó cần có các biện pháp quản lý nghiêm ngặt để bảo vệ người tiêu dùng khỏi những rủi ro về an toàn chất lượng.
Xử lý vi phạm
Thời gian qua, Bộ Y tế đã thực hiện và chỉ đạo các địa phương thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Cơ quan này đã xử lý 126 hành vi vi phạm, với tổng số tiền phạt hơn 16,8 tỷ đồng. Các địa phương đã kiểm tra 941.836 cơ sở, trong đó có 85.551 cơ sở có vi phạm, phạt tiền 20.881 cơ sở, với tổng số tiền phạt hơn 123 tỷ đồng.
Các vi phạm chủ yếu là sản xuất thực phẩm chức năng giả; nhập thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng về Việt Nam rồi thay bao bì, nhãn mác… và mang đi tiêu thụ; sản xuất thực phẩm chức năng có chứa chất cấm; quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng…
Nhìn nhận hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý thực phẩm chức năng hiện nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng gặp nhiều khó khăn do sự phát triển của các hình thức quảng cáo qua mạng, tư vấn bán hàng qua điện thoại… Việc quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm thực phẩm bổ sung và sản xuất, kinh doanh ngay sau khi tự công bố, nhưng một bộ phận doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để thực hiện không đúng quy định, một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận bất chấp pháp luật, sức khỏe và tính mạng của cộng đồng.
Hoàn thiện pháp lý
Để quản lý thực phẩm chức năng hiệu quả, theo các chuyên gia, việc tiên quyết là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý. Theo đó, cần có quy định chi tiết về định nghĩa, tiêu chuẩn chất lượng, thành phần, hướng dẫn sản xuất và tiếp thị các sản phẩm này. Các quy định phải phân biệt rõ ràng giữa thực phẩm chức năng và thuốc, tránh tình trạng nhầm lẫn, dẫn đến việc lạm dụng hoặc sử dụng sai mục đích.
Cùng với đó, phải có cơ chế kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường; yêu cầu các nhà sản xuất thực phẩm chức năng cung cấp đầy đủ thông tin về thành phần, cách sử dụng và các tác dụng phụ trên bao bì sản phẩm. Việc tiếp thị thực phẩm chức năng cần được giám sát chặt chẽ để tránh các thông tin sai lệch về công dụng của sản phẩm.
Đặc biệt, phải có hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm như sản xuất, phân phối, tiếp thị sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đạt chất lượng hoặc cung cấp thông tin sai lệch về công dụng.
Một giải pháp quan trọng để quản lý thực phẩm chức năng hiệu quả là ứng dụng công nghệ thông tin vào giám sát và kiểm tra; sử dụng phần mềm quản lý, hệ thống cơ sở dữ liệu để theo dõi nguồn gốc, chất lượng và tình trạng của từng lô sản phẩm giúp nâng cao hiệu quả quản lý. Công nghệ cũng có thể giúp giám sát việc thực thi các quy định liên quan đến tiếp thị và quảng cáo thực phẩm chức năng.
Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về sự an toàn khi sử dụng thực phẩm chức năng cũng rất quan trọng. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên tổ chức các chương trình tuyên truyền về cách chọn lựa, sử dụng và bảo quản thực phẩm chức năng sao cho hiệu quả và an toàn.
Quản lý thực phẩm chức năng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Với các biện pháp pháp lý rõ ràng, kiểm tra chất lượng sản phẩm, giám sát tiếp thị, giáo dục người dân và hình thức xử phạt nghiêm minh, chúng ta có thể giảm thiểu các nguy cơ liên quan đến sử dụng thực phẩm chức năng, đồng thời bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách hiệu quả.
Nguồn: https://baodautu.vn/siet-quan-ly-thuc-pham-chuc-nang-d232713.html