USDA dự báo nhu cầu tiêu thụ cà phê vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt châu Âu vẫn là thị trường lớn nhất thế giới. Nhu cầu tiêu thụ cà phê của EU tiếp tục tăng thêm 146.000 tấn so với năm trước và đạt mức 2,5 triệu tấn. Còn thị trường Mỹ ước tiêu thụ khoảng 1,5 triệu tấn cà phê trong năm tới.
Giá cà phê hôm nay 20/12/2024
Giá cà phê thế giới đồng loạt giảm mạnh trên cả hai sàn London và New York. Giá cà phê robusta giảm phiên thứ 2 liên tiếp về sát mức 5.000 USD/tấn. Giá arabica giảm đến 3 con số.
Giá cà phê trong nước tạm điều chỉnh, hiện đang giao dịch trong khoảng 122.500 – 124.000 đồng/kg. Mùa thu hoạch cà phê năm nay mang đến một bầu không khí phấn khởi và tràn đầy hy vọng cho người trồng loại cây đặc sản này.
Theo những người trong ngành, giá cà phê trong nước năm nay tăng cao cùng thị trường thế giới, mới đầu mùa đã dao động ở mức 100.000 đến 120.000 đồng/kg và có thể tiếp tục tăng. Năm nay thời tiết thất thường, nắng nóng kéo dài, mưa bão làm cho người trồng cà phê vất vả, sản lượng vì đã giảm đi đáng kể. Bù lại, giá cà phê đã bù đắp phần nào. Đối với nông dân trồng cà phê, đây không chỉ là một vụ mùa bội thu về giá trị kinh tế mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn, giúp họ vững tin vào tương lai của cây cà phê trên mảnh đất cao nguyên.
Thị trường thế giới tạm hạ nhiệt trước kỳ nghỉ lễ dài. Trong khi đồng USD tăng cao ngay sát kỳ nghỉ cuối năm khiến đầu cơ không thể ôm hàng mà đẩy mạnh bán ra. Đồng USD dao động gần mức cao nhất trong 2 năm vào phiên giao dịch vừa qua, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành cắt giảm lãi suất và báo hiệu một lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ chậm hơn nhiều vào năm 2025.
Các chuyên gia phân tích về thị trường cà phê toàn cầu cho rằng, sự biến động mạnh mẽ của giá cà phê thế giới là một yếu tố quan trọng tác động đến sản lượng và giá trị của cà phê ở các quốc gia sản xuất, trong đó có Việt Nam. Các yếu tố như thời tiết bất lợi và sự thay đổi trong cung cầu toàn cầu đang góp phần tạo ra sự bất ổn về giá.
Việc Nghị viện châu Âu vừa thông qua văn bản đồng ý với Hội đồng châu Âu về việc trì hoãn áp dụng quy định chống phá rừng (EUDR) thêm 12 tháng cũng phần nào tác động lên giá cả thị trường trong những ngày cuối năm.
Trong báo cáo cập nhật về tình hình thị trường cà phê thế giới của Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2024 – 2025 sẽ tăng thêm 414.000 tấn so với niên vụ trước, đạt mức gần 10,5 triệu tấn. Trong đó, nguồn cung cà phê arabica ở mức 5,9 triệu tấn vẫn giảm khoảng 120.000 tấn so với niên vụ trước, do Brazil mất mùa. Ngược lại, cà phê robusta sẽ tăng so với niên vụ trước và đạt mức 4,6 triệu tấn nhờ nguồn cung được cải thiện chủ yếu từ Việt Nam và một số nước như Colombia, Indonesia, Ấn Độ và Honduras.
Giá cà phê trong nước ngày 19/12 điều chỉnh giảm nhẹ 200 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: ohman.vn) |
Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 19/12, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London giảm mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 1/2025 giảm 90 USD, giao dịch tại 5.061 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 3/2025 giảm 93 USD giao dịch tại 5.046 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York cũng giảm mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 3/2025 giảm 8,9 Cent, giao dịch tại 323,75 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2025 giảm 9,1 Cent, giao dịch tại 318,30 Cent/lb. Khối lượng giao dịch cao.
Giá cà phê trong nước ngày 19/12 điều chỉnh giảm nhẹ 200 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VNĐ/kg
(Nguồn: giacaphe.com) |
Nghị viện châu Âu vừa công bố văn bản đồng ý với đề xuất từ Hội đồng châu Âu về việc trì hoãn áp dụng Quy định chống phá rừng (EUDR) thêm 12 tháng. Nghị viện cũng yêu cầu Ủy ban châu Âu cam kết đảm bảo cả hệ thống thông tin dành cho các cơ quan quản lý và thương nhân phải sẵn sàng hoạt động hiệu quả chậm nhất là vào ngày 30/6/2025. Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu phải đề xuất phân loại rủi ro của các quốc gia và khu vực về việc tuân thủ quy định.
Việc Nghị viện châu Âu thông qua đề xuất hoãn EUDR được xem là khâu thủ tục cuối cùng, văn bản chính thức sẽ được Hội đồng châu Âu công bố trong vài ngày tới.
Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ước tính, từ năm 1990 – 2020 có 420 triệu ha rừng đã bị mất do nạn phá rừng. Phần diện tích này sau đó được dùng để sản xuất bất hợp pháp nhiều mặt hàng trong đó hơn 2/3 là dầu cọ và đậu nành; thị trường EU tiêu thụ khoảng 10% sản lượng các mặt hàng được sản xuất từ đất rừng bị khai thác bất hợp pháp toàn cầu.
Chính vì vậy, Nghị viện châu Âu thông qua EUDR vào ngày 19/4/2023, nhằm mục đích chống lại biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học bằng cách ngăn chặn nạn phá rừng liên quan đến việc tiêu thụ các sản phẩm từ gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ, cao su, than củi và giấy in của EU.
Nguồn: https://baoquocte.vn/gia-ca-phe-hom-nay-20122024-gia-ca-phe-trong-nuoc-con-tang-dong-usd-cao-nhat-2-nam-thong-tin-cap-nhat-ve-eudr-298025.html