‘Dạo gần đây tôi thấy nhiều người nhịn đói, không ăn cơm, thịt để giảm cân, thải độc, ngăn ngừa ung thư, điều này có tốt không bác sĩ? Có cách nhịn ăn nào tốt cho sức khỏe không? Cảm ơn bác sĩ’. (P.Đức, ở TP.HCM).
Bác sĩ chuyên khoa 1 Đinh Trần Ngọc Mai, Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trả lời: Cơ thể chúng ta cần đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng để duy trì sức khỏe như:
- Tinh bột: Là nguồn năng lượng chính cho hoạt động hàng ngày. Não bộ và cơ bắp cần glucose từ tinh bột để hoạt động.
- Đạm: Giúp tái tạo và sửa chữa các mô, hỗ trợ miễn dịch, đặc biệt quan trọng với bệnh nhân ung thư khi cơ thể cần sức đề kháng.
- Chất béo: Cung cấp năng lượng dự trữ và giúp hấp thụ các vitamin tan trong dầu như A, D, E, K.
- Vitamin và khoáng chất: Giúp tăng cường miễn dịch, hỗ trợ quá trình trao đổi chất, chống lại các tác nhân gây bệnh.
- Chất xơ: Cải thiện tiêu hóa, giảm nguy cơ các bệnh mạn tính, bao gồm ung thư ruột kết.
Nhịn đói hoặc loại bỏ hoàn toàn cơm, thịt có thể dẫn đến thiếu hụt năng lượng, protein, gây suy giảm miễn dịch và mất cơ, đặc biệt nguy hiểm với bệnh nhân ung thư hoặc người muốn phòng bệnh.
Theo bác sĩ Ngọc Mai, một số thói quen ăn uống không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ ung thư gồm:
- Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn: Ăn quá nhiều thịt đỏ (bò, heo, cừu) và thịt chế biến sẵn (xúc xích, giăm bông) có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng do chứa các hợp chất gây hại khi tiêu hóa.
- Đồ nướng và chiên rán: Thực phẩm nướng ở nhiệt độ cao hoặc cháy khét sinh ra các chất như acrylamide và HCAs, có khả năng gây đột biến tế bào.
- Thực phẩm đóng hộp: Nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn chứa chất bảo quản, phụ gia hoặc hàm lượng muối cao, làm tăng nguy cơ ung thư đường tiêu hóa.
- Chế độ ăn ít rau quả: Thiếu hụt chất chống oxy hóa (vitamin C, E, carotenoids) trong rau quả làm giảm khả năng chống lại các gốc tự do – nguyên nhân gây ung thư.
Do đó việc nhịn ăn không đúng cách, nhất là việc loại bỏ toàn bộ các nhóm thực phẩm như cơm (tinh bột), thịt (đạm) không liên quan đến việc phòng ngừa ung thư và còn gây ra những tác hại sau:
- Mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu năng lượng.
- Suy giảm miễn dịch, giảm khả năng phục hồi tế bào.
- Mất cơ, suy nhược cơ thể, nguy cơ rối loạn trao đổi chất.
Nếu muốn thử các phương pháp nhịn ăn (như nhịn ăn gián đoạn), bạn cần có sự hướng dẫn từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo phù hợp với sức khỏe và mục tiêu.
Thay vì nhịn đói, nên lựa chọn chế độ ăn lành mạnh
Bác sĩ Ngọc Mai cho biết, thay vì nhịn ăn, bạn nên thực hiện chế độ ăn lành mạnh và cân bằng như các cách sau:
- Tăng cường rau xanh, trái cây tươi: Chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất xơ.
- Hạn chế thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn: Giảm bớt khẩu phần và thay bằng các nguồn đạm lành mạnh như cá, đậu, hạt.
- Ưu tiên phương pháp nấu ăn lành mạnh: Hấp, luộc, xào nhanh thay vì nướng hoặc chiên rán.
- Sử dụng ngũ cốc nguyên hạt thay vì tinh chế: Gạo lứt, yến mạch, bánh mì nguyên cám giúp cung cấp chất xơ và năng lượng bền vững.
- Giảm đường và muối: Kiểm soát lượng đường, muối trong chế độ ăn để giảm nguy cơ viêm và bệnh mãn tính.
Bác sĩ Ngọc Mai chia sẻ, nhịn ăn không phải là phương pháp tối ưu để giảm cân hay phòng ngừa ung thư. Điều quan trọng là xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, kết hợp với lối sống tích cực để duy trì sức khỏe tốt nhất. Nếu bạn muốn điều chỉnh chế độ ăn của mình, hãy tham vấn chuyên gia để được hướng dẫn phù hợp.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bac-si-24-7-nhin-doi-co-ngua-duoc-ung-thu-185241220111831713.htm