Do tính chất công việc, người viết có cơ hội tiếp xúc với nhiều bạn trẻ người Việt, bao gồm các bạn vẫn là công dân VN hay gốc Việt, đang sống và làm việc ở nước ngoài.
Trong đó, không ít bạn gặt hái nhiều dấu ấn thành công dù độ tuổi còn rất trẻ, như một bạn khi chưa đầy 30 tuổi đã trở thành kinh tế gia làm việc tại trụ sở của Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington D.C, hay nhiều bạn trẻ người Việt khác đang giữ những vị trí cấp cao ở các tập đoàn công nghệ toàn cầu… Theo một số thống kê không chính thức, ước tính có đến hàng ngàn bạn trẻ người Việt đang là nhân sự cao cấp trong các tập đoàn công nghệ tại thung lũng Silicon (bang California, Mỹ) và vùng lân cận.
Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều hành động cụ thể, thiết thực để thu hút nhân tài người Việt quay về đóng góp cho quê hương. Tuy nhiên, vì điều kiện công việc hay cuộc sống, không phải người nào cũng có thể ngay lập tức trở về nước. Trong khi đó, những nhân tài, trí thức như thế có thể trở thành một nguồn lực rất giá trị để thúc đẩy đất nước phát triển.
Các bạn trẻ đang làm việc tại các tổ chức quốc tế, các tập đoàn hàng đầu thế giới sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận kỹ năng, tạo dựng kinh nghiệm làm việc tầm quốc tế. Đây là yếu tố mà VN rất cần để không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giữa xu thế toàn cầu hóa của kỷ nguyên kinh tế tri thức.
Từ thực tế này, chúng ta cần có những chương trình hành động đa dạng, để mỗi nhân tài, mỗi người trẻ tùy theo điều kiện của từng người đều có thể đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Một trong những nền tảng cho chương trình hành động này có thể là xây dựng một cộng đồng kết nối tri thức trẻ người Việt cả trong và ngoài nước.
Để đạt hiệu quả và mang lại giá trị thiết thực, cộng đồng cần có những mục tiêu cụ thể, có những chương trình phối hợp nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm phù hợp. Thậm chí, cộng đồng này còn có thể trở thành “sàn giao dịch” để các bộ ngành, doanh nghiệp đặt hàng thực hiện các nghiên cứu, phân tích…
Với cách thức như vậy, chúng ta có thể phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của nhân tài, trí thức người Việt ở nước ngoài. Quá trình phối hợp cũng giúp cho đội ngũ trong nước có thêm cơ hội tiếp cận kỹ năng, kinh nghiệm, tiêu chuẩn từ chính những người làm trong các tổ chức, tập đoàn quốc tế. Như thế, nguồn nhân lực trong nước cũng được nâng tầm.
Chưa dừng lại ở đó, đội ngũ trí thức, nhân tài người Việt ở nước ngoài còn là cầu nối giữa VN với những tổ chức, tập đoàn hàng đầu thế giới. Thực tế, kênh “ngoại giao” hay kết nối này có hiệu quả không thua kém các hình thức kết nối chính thức.
Nói như thế để thấy, nếu phát huy hiệu quả sự đóng góp từ xa, với đa dạng phương thức, của các bạn trẻ nhân tài người Việt ở nước ngoài, VN sẽ nhận được nguồn lực rất lớn và đầy giá trị cho quá trình phát triển đất nước.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tan-dung-mang-luoi-nhan-tai-185241219001832242.htm