Trước nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực bán dẫn, nhiều trường ĐH đã nhanh chóng mở các chương trình đào tạo liên quan
Đầu tháng 12-2024, ĐHQG TP HCM đã khởi công xây dựng Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến và Đổi mới sáng tạo trên khu đất 4,65 ha với kinh phí 700 tỉ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới. Trung tâm sẽ là nơi đặt các phòng thí nghiệm tiên tiến, như phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia, quy mô đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng.
Tăng chỉ tiêu, tăng đầu tư
Lãnh đạo ĐHQG TP HCM cho biết hiện nay, các trường ĐH thành viên đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp lĩnh vực công nghệ bán dẫn.
Trong giai đoạn 2023-2030, ĐHQG TP HCM đặt mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch Việt Nam và thế giới. Theo đó, các trường ĐH thành viên triển khai đào tạo trên 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ ngành thiết kế vi mạch. ĐHQG TP HCM sẽ xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư.
Trường ĐH Bách khoa – ĐHQG TP HCM không tuyển sinh riêng chuyên ngành thiết kế vi mạch mà tuyển chung cho ngành điện – điện tử. Sau 1 năm học, sinh viên có thể đăng ký học chuyên ngành thiết kế vi mạch, chỉ tiêu từ 100-200 người. Ngoài ra, nhà trường dự kiến mở thêm chương trình đào tạo thiết kế vi mạch bằng tiếng Anh và hệ đào tạo sau ĐH.
PGS-TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa – ĐHQG TP HCM, cho biết trường đã triển khai chương trình đào tạo liên quan vi mạch từ hơn 20 năm trước. Đến nay, trường đã đầu tư được hệ thống các phòng thí nghiệm tiên tiến, chuyên sâu phục vụ thiết kế và đo kiểm vi mạch bán dẫn, như phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần, phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch số, phòng thí nghiệp kỹ thuật siêu cao tần và anten…
Trong khi đó, năm học 2025-2026, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM dự kiến sẽ dành khoảng 180 chỉ tiêu ngành vi mạch, tăng 120 chỉ tiêu so với năm học trước. PGS – TS Lê Mỹ Hà, Phó trưởng khoa Điện – Điện tử Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, nhận xét thiết kế vi mạch dần trở thành ngành “hot”, sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các tập toàn quốc tế với mức lương hấp dẫn. Vì vậy, số lượng sinh viên đăng ký học ngành này qua mỗi năm đều tăng dần, điểm chuẩn trúng tuyển cũng rất cao.
Tại tỉnh Đồng Nai, PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết năm 2024 là năm đầu tiên trường mở chuyên ngành thiết kế vi mạch, với chỉ tiêu tuyển sinh là 50. Để nâng cao chất lượng đào tạo, ngày 23-12, Trường ĐH Lạc Hồng sẽ đưa vào hoạt động phòng thực hành vi mạch bán dẫn trị giá hơn 6,7 tỉ đồng và phòng thực hành máy tính hơn 1,4 tỉ đồng.
Nhiều khó khăn, thách thức
Trường ĐH Công nghiệp TP HCM cũng dự kiến sẽ tuyển 100 chỉ tiêu cho chuyên ngành kỹ thuật thiết kế vi mạch. TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo – Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, đánh giá sức hút của ngành này đang rất nóng, song trường vẫn giữ mức chỉ tiêu ổn định như năm ngoái.
“Lĩnh vực bán dẫn không mới, rất nhiều trường ĐH đã đưa vào đào tạo hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, sinh viên chỉ học thiết kế trên giấy hoặc làm những bo mạch đơn giản, chưa ứng dụng thực hành nhiều. Để đầu tư phòng thí nghiệm đạt chuẩn thì cần rất nhiều kinh phí, vì vậy hầu như các trường ĐH vẫn đang gặp khó khăn ở vấn đề này” – TS Nhân cho biết.
Theo TS Quách Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, cần phải tập trung đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm; đầu tư chất lượng đội ngũ giảng viên và chương trình đào tạo. Ngành bán dẫn có 4 công đoạn: Thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm chuẩn. TS Hải cho rằng Chính phủ cần định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn theo công đoạn nào để các trường có sự đầu tư phù hợp.
Trong khi đó, PGS-TS Vũ Hải Quân , Giám đốc ĐHQG TP HCM, thông tin về 4 khó khăn, thách thức của đơn vị này trong việc đào tạo ngành thiết kế vi mạch. Đầu tiên là vấn đề thu hút người học. Ngành này rất khó, không thấy được kết quả ngay, giống như ngành “phía sau hậu trường” tạo ra sản phẩm. Do đó, việc tìm kiếm cách thức hiệu quả để thu hút sự quan tâm của học sinh, sinh viên tài năng là không dễ dàng.
Tiếp đến là chương trình đào tạo, thách thức đặt ra là phải đào tạo được kiến thức mới hoặc đi trước, kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) trong vấn đề thiết kế vi mạch. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện vẫn còn thiếu chuyên gia giỏi đầu ngành. Hầu hết các chuyên gia lựa chọn ở lại nước ngoài sau khi học tập hoặc làm việc cho các tập đoàn lớn. Mặt khác, nhà trường thiếu hệ thống phòng thí nghiệm về thiết kế vi mạch để các phần mềm chia sẻ có thể dùng chung.
Ngoài 4 khó khăn, thách thức kể trên, PGS-TS Vũ Hải Quân còn nhận định hiện có sự cạnh tranh của các ĐH trong khu vực (Singapore, Indonesia). Vì vậy, cần nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực thiết kế vi mạch, nghiên cứu và phát triển (R&D) trong thiết kế vi mạch…
Phòng thí nghiệm là vấn đề đáng lo
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn, vấn đề quan trọng hiện nay trong đào tạo vi mạch bán dẫn là việc đầu tư phòng thí nghiệm tại các trường ĐH. Đề án được duyệt nhưng không thể mua thiết bị ngay như hàng tiêu dùng mà phải đặt hàng. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng đào tạo 2-3 năm mà chưa có phòng thí nghiệm là vấn đề đáng lo.
Y.Anh
Miễn, giảm học phí để thu hút người giỏi
Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn” đặt mục tiêu đến năm 2030, các cơ sở đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ ĐH trở lên. Đến năm 2050, Việt Nam có đội ngũ nhân lực mạnh, gia nhập chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đáp ứng yêu cầu phát triển cả về chất lượng và số lượng.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước cần 10.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn mỗi năm nhưng nguồn nhân lực hiện mới đáp ứng chưa được 20%. Để giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực, 18 trường ĐH cả nước đang được ưu tiên đầu tư ngân sách nhằm hình thành, nâng cấp phòng thí nghiệm bán dẫn. Khoảng 1.300 giảng viên sẽ được đào tạo chuyên sâu về ngành công nghiệp bán dẫn để đáp ứng nhu cầu giảng dạy.
Tại phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn vừa diễn ra, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo đó, trong năm 2025, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách miễn, giảm học phí và chính sách học bổng đối với học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan ngành công nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước. Bộ GD-ĐT cũng nghiên cứu, đề xuất và tổ chức triển khai mô hình liên kết giữa nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp trong đào nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Đại diện ĐH Bách khoa Hà Nội đánh giá chủ trương miễn, giảm học phí, cấp học bổng đào tạo trong và ngoài nước cho sinh viên ngành bán dẫn của Bộ GD-ĐT sẽ giúp thu hút được nhiều người giỏi theo học ngành này.
Y.Anh
Nguồn: https://nld.com.vn/nhieu-truong-chop-thoi-co-dao-tao-vi-mach-ban-dan-196241219202724059.htm