(LĐXH) – Theo Euro News, một báo cáo gần đây cho thấy các công ty không hài lòng với nhân sự mới tuyển dụng thuộc thế hệ Z và có thể họ sẽ không tuyển những người mới tốt nghiệp trong tương lai.
Thế hệ Z – thuật ngữ chỉ những người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1997 đến 2012 đang bắt đầu gia nhập lực lượng lao động.
Theo báo cáo của nền tảng tư vấn giáo dục và nghề nghiệp Intelligent, trong bối cảnh nhiều sinh viên mới tốt nghiệp bị phàn nàn về cách họ hòa nhập vào môi trường làm việc, các nhà tuyển dụng ngày càng tỏ ra do dự tuyển dụng.
Báo cáo dựa trên cuộc khảo sát gần 1.000 nhà quản lý tuyển dụng cho thấy, cứ 6 nhà tuyển dụng thì có một người ngần ngại tuyển dụng lao động thuộc thế hệ Z, chủ yếu do họ vốn được biết đến là những người tự cho mình có quyền và dễ cảm thấy bị xúc phạm.
Đáng chú ý, hơn một nửa số người tham gia khảo sát cho rằng thế hệ Z chưa có đạo đức nghề nghiệp vững vàng, gặp khó khăn trong giao tiếp, không xử lý tốt các phản hồi và nhìn chung là chưa sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của thị trường lao động.
Holly Schroth, giảng viên cao cấp tại Trường Kinh doanh Haas thuộc Đại học California tại Berkeley (Mỹ), giải thích việc thế hệ Z tập trung vào các hoạt động ngoại khóa để tăng sức cạnh tranh tại trường đại học thay vì tích lũy kinh nghiệm làm việc đã khiến họ có những “kỳ vọng không thực tế” về nơi làm việc và cách ứng xử với cấp trên.
“Họ không biết các kỹ năng cơ bản trong tương tác xã hội với khách hàng, đồng nghiệp cũng như các quy tắc ứng xử tại nơi làm việc. Do đó, công ty phải có trách nhiệm hướng dẫn nhân viên mới đúng cách và đào tạo đầy đủ. Ngoài ra, cấp trên cần đóng vai trò vừa là người hướng dẫn vừa là người quản lý”, giảng viên Schroth chia sẻ.
Khoảng 6/10 công ty tham gia khảo sát cho biết đã sa thải một người mới tốt nghiệp đại học mà họ tuyển dụng trong năm nay. Quyết định này được đưa ra bởi một số lý do như nhân viên thiếu động lực, thiếu tính chuyên nghiệp và kỹ năng giao tiếp kém cùng với các yếu tố khác.
“Nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đại học có thể gặp khó khăn khi lần đầu tham gia vào thị trường lao động vì môi trường này có thể rất khác so với những gì họ vốn quen trong suốt quá trình học tập. Họ thường thiếu sự chuẩn bị cho một môi trường ít cấu trúc hơn, những động lực văn hóa tại nơi làm việc và kỳ vọng làm việc tự chủ.
Mặc dù họ có thể lĩnh hội được một số kiến thức lý thuyết từ trường đại học, nhưng những nhân sự này thường thiếu kinh nghiệm thực tế và các kỹ năng mềm cần thiết để thành công trong môi trường làm việc”, một cố vấn về giáo dục và phát triển nghề nghiệp của Intelligent cho biết.
Các nhà quản lý tuyển dụng tham gia khảo sát cũng cho hay, một số nhân sự thế hệ Z của họ chật vật trong việc quản lý khối lượng công việc, thường xuyên đi muộn và không ăn mặc hoặc giao tiếp đúng mực. Đặc biệt, một báo cáo riêng từ tháng 4 cho thấy nhiều lao động thế hệ Z quá phụ thuộc vào sự hỗ trợ của cha mẹ trong quá trình tìm kiếm việc làm.
Theo cuộc khảo sát do Resume Templates thực hiện với sự tham gia của gần 1.500 người trẻ tìm việc, 70% trong số họ thừa nhận đã nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ trong quá trình tìm việc; 25% thậm chí còn đưa bố mẹ đi phỏng vấn, trong khi nhiều người khác để bố mẹ nộp đơn xin việc và viết sơ yếu lý lịch thay họ.
Các nhà tuyển dụng nhấn mạnh rằng 2 trong số những phẩm chất hàng đầu mà họ đang tìm kiếm từ ứng viên chính là sự chủ động và thái độ tích cực.
Ngoài ra, các nhà quản lý cũng đánh giá cao kinh nghiệm thực tế, dù là thông qua các kỳ thực tập hay công việc và ở mức độ thấp hơn, họ cũng mong muốn ứng viên có sự hiện diện phù hợp trên mạng xã hội và tránh tham gia vào các cuộc thảo luận chính trị.
“Sinh viên mới tốt nghiệp bắt đầu công việc đầu tiên của mình nên thể hiện sự chuyên nghiệp, không phải bằng cách tuân theo các chuẩn mực lỗi thời, mà bằng cách tôn trọng và tận tâm với công việc”, Huy Nguyễn cho biết.
Schroth cũng nói thêm rằng mặc dù các nhà tuyển dụng đang ngần ngại tuyển dụng nhân sự thế hệ Z do tỷ lệ sa thải cao hơn và những khó khăn của họ trong việc hòa nhập vào thị trường lao động, nhưng thế hệ này vẫn chiếm hơn 25% lực lượng lao động.
“Do đó, các công ty cần đầu tư nhiều tài chính và thời gian hơn cho việc đào tạo để thế hệ Z có thể phát triển mạnh mẽ”, bà Schroth kết luận.
Diệu Linh (theo Euronews)
Báo Lao động và Xã hội số 152
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/vi-sao-cac-cong-ty-ngan-ngai-tuyen-dung-nhan-su-gen-z-20241219113157004.htm