Sinh năm 1994 tại H.Ba Vì (Hà Nội), Phùng Văn Minh lớn lên trong hoàn cảnh gia đình nghèo khó. Từ khi sinh ra, cậu bé Minh đã bị suy giảm thị lực và chỉ nhìn được bằng một mắt. Dù vậy, Minh vẫn học giỏi và ươm mầm ước mơ trở thành thầy giáo.
Biến cố ập đến vào năm Minh 10 tuổi, thị lực dần mờ hẳn. Minh không thể nhìn thấy những gì cô giáo ghi trên bảng, chữ viết trong vở phải viết to gấp ba bình thường mới đọc được. Nhưng những nỗ lực của Minh không thể giúp cậu bé cứu vãn nổi giấc mơ đến trường.
Cuối năm lớp 3, Minh thậm chí không thể đọc ngay những chữ mình vừa nắn nót viết thật to trên cuốn vở. Buộc phải nghỉ học, bầu trời như sụp đổ, có những ngày đứng trong bờ rào, nghe tiếng các bạn gọi nhau í ới tới trường, Minh thấy lòng buồn vô hạn.
Câu chuyện của Minh càng trở nên bi thương hơn khi mẹ bỏ đi biệt tích. Cũng nơi bờ rào ấy, Minh đã bao lần đứng ngóng mẹ về, khát khao một vòng tay ôm ấp, động viên, vỗ về. “Em cứ nghĩ mẹ đi khoảng 5 – 6 tháng như mọi lần. Nhưng rồi em chờ mãi, chờ mãi… Mẹ em đi biệt tích không về nữa…”, Minh ngậm ngùi kể.
Tới năm 13 tuổi, bố Minh qua đời vì tai nạn lao động, hai anh em Minh buộc phải chia cắt, nhờ vào sự cưu mang của họ hàng. Minh ở với cô và bà, còn người em trai ở với bác.
Mặc dù vậy, mất mát và nghèo khó không khiến Minh gục ngã. Năm 18 tuổi, Minh quyết định tới nội thành Hà Nội học nghề massage, mong muốn dùng đôi tay để nuôi sống bản thân và trợ giúp những người khuyết tật khác. Sau nhiều năm cố gắng, Minh đã thành lập cơ sở tẩm quất massage khiếm thị Linh Đan, tạo việc làm và đem lại hy vọng cho nhiều người khiếm thị.
Minh chia sẻ: “Em cố gắng rèn cho mình luôn chấp nhận những gì mình đang có và suy nghĩ một cách tích cực nhất. Nghịch cảnh không phải là tảng đá cản bước chân ta, mà là động lực để ta tiến về phía trước”.
Minh cho biết không chỉ học nghề để nuôi sống bản thân, mà còn mong muốn giúp đỡ nhiều người khác. Anh tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, mở các lớp học miễn phí cho người khiếm thị, hướng dẫn họ sử dụng máy tính để tăng cơ hội tìm kiếm việc làm.
Năm 2024, Phùng Văn Minh là một trong 38 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt (do T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCP Việt Nam tổ chức). Anh Minh cũng tham gia nhiều dự án cộng đồng, lan tỏa tinh thần “cho đi là còn mãi”.
Khi được hỏi về ước mơ tương lai, anh Minh chia sẻ mong muốn phát triển cơ sở Linh Đan thành một trung tâm hỗ trợ người khuyết tật toàn diện, bao gồm đào tạo nghề và tư vấn tâm lý. Anh hy vọng những người khiếm thị khác sẽ tìm thấy ánh sáng trong chính trái tim mình và đủ tự tin để bước qua bóng tối.
Ngoài ra, anh Minh dự định nhân rộng mô hình các lớp học miễn phí về âm nhạc, nghệ thuật, và công nghệ dành cho người khiếm thị, giúp họ khám phá những khả năng tiềm ẩn của bản thân.
Chương trình Trạm yêu thương, chủ đề Ánh sáng nơi trái tim với câu chuyện đầy xúc cảm của Phùng Văn Minh sẽ được phát sóng lúc 10 giờ ngày 21.12 trên kênh VTV1.
Nguồn: https://thanhnien.vn/anh-sang-noi-trai-tim-cua-chang-trai-khiem-thi-phung-van-minh-185241219171452015.htm