Cấp thiết ứng dụng AI 

Phát biểu tại hội nghị “Tổng kết công tác thuế năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025” ngày 19/12 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định: “Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) là nội dung vô cùng quan trọng và cấp thiết của ngành thuế hiện nay”. 

Theo Bộ trưởng, sự thay đổi, phát triển nhanh của khoa học công nghệ tạo ra nhiều hình thức kinh doanh hiện đại. Song bên cạnh đó, có nhiều nguy cơ gian lận, việc phát hiện, đấu tranh ngày càng khó.

Chẳng hạn, sức người có hạn, khó kiểm soát gian lận hóa đơn theo cách thức ngồi dò từng hóa đơn như trước kia. Dùng AI sẽ nhanh chóng nhận diện, cảnh báo hóa đơn gian lận, kể cả hóa đơn xuất trong đêm.

Bo truong Bo Tai chinh.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh

“Nếu không có công nghệ, không ứng dụng AI sẽ rất khó phòng chống gian lận thuế, khó hoàn thành nhiệm vụ quản lý thuế”, Bộ trưởng nói.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thắng cho biết, ngành Thuế sẽ ứng dụng toàn diện công tác chuyển đổi số, ứng dụng AI để rút ngắn quy trình thủ tục, đơn giản hóa, tăng trải nghiệm cho người nộp thuế với chi phí thấp nhất và hiệu quả cao nhất.

Lợi ích lớn cho người dân, doanh nghiệp và cả ngành thuế

Sau 8 tháng nghiên cứu, ứng dụng Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế (một phân hệ trong dự án tổng thể ứng dụng AI) vừa chính thức ra mắt tại Cục Thuế Hà Nội ngày 21/11.

Ông Vũ Mạnh Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết: Từ việc tổng hợp, phân tích lại toàn bộ cơ sở dữ liệu các quy định, chính sách pháp luật gồm hơn 100 bộ luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn, tích hợp với bộ thủ tục hành chính (TTHC) gồm 26 TTHC cấp Tổng cục, 186 TTHC cấp cục và 150 TTHC cấp chi cục thuế, Cục Thuế Hà Nội đã biên tập, xây dựng lại hơn 15.000 nội dung cho Trợ lý ảo.

“Trợ lý ảo có thể trả lời nhanh chóng các câu hỏi về TTHC, chính sách; tích hợp luôn bảng biểu, công cụ, tờ khai, giúp người nộp thuế dễ dàng tra cứu, khai thuế, và cả hỗ trợ nộp thuế luôn. Tính đến ngày 16/12/2024, tức là sau khoảng 1 tháng triển khai, ứng dụng đã giải đáp thành công hơn 30.000 lượt câu hỏi”, ông Cường nhấn mạnh lợi ích mang lại cho người dân, doanh nghiệp.

Cũng theo Phó Tổng Cục trưởng Vũ Mạnh Cường, ngành thuế đã và đang tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, hiện có kho dữ liệu của hơn 80 triệu người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức, hộ cá nhân, cá nhân kinh doanh có nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước (khoảng 100 tỷ bản ghi, dung lượng hơn 530 TB).

Theo kế hoạch, năm 2025, mô hình Trợ lý ảo sẽ được ngành Thuế triển khai trên phạm vi toàn quốc. Tính năng quản trị tự động trong Trợ lý ảo sẽ giúp cơ quan thuế đánh giá được vùng quan tâm của người nộp thuế, sớm nhận diện khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ kịp thời.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế sẽ kết nối dữ liệu định vị GPS của Cục Đường bộ Việt Nam để xác định hành trình của các xe vận tải chở hàng, xác định khối lượng hàng hóa tương ứng với số thuế hoàn.

Mặt khác, ngành Thuế sẽ đẩy mạnh phối hợp trao đổi thông tin với Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội và các cơ quan liên quan để tiếp tục thu thập dữ liệu về dòng tiền, tài khoản ngân hàng, bảo hiểm…, kết hợp các cơ sở dữ liệu chuyên ngành này với dữ liệu tờ khai, dữ liệu hóa đơn điện tử, báo cáo tài chính, rà soát doanh thu, dòng tiền, các khoản thuế nộp để theo dõi, đánh giá “sức khỏe” của doanh nghiệp, phục vụ phòng chống hóa đơn bất hợp pháp.