Kinhtedothi – Sáng 19/12, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư T.Ư Đảng khoá XII; tổng kết 15 năm triển khai thi đua phong trào “Dân vận khéo”.
Tham dự hội nghị về phía T.Ư có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư Phạm Tất Thắng.
Đại biểu TP Hà Nội có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong; cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Lan Hương; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn…
Toàn thành phố có 160.013 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong 15 năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn Thủ đô đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội từ TP đến cơ sở quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Thành ủy, các cấp ủy trực thuộc đã kịp thời ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung phong trào thi đua “Dân vận khéo” được quan tâm đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, phù hợp với nhiều đối tượng.
Từ năm 2009 đến nay, Thành ủy và các cấp ủy từ TP đến cơ sở đã ban hành 15.295 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Ban Dân vận và các cơ quan tham mưu về công tác dân vận đã ban hành 2.038 văn bản để hướng dẫn triển khai. Qua đó, đưa “Dân vận khéo” trở thành một phong trào thi đua sâu rộng, nét đặc sắc trong công tác dân vận của Đảng bộ Thủ đô, thu hút sự tham gia ngày càng đông đảo, với tinh thần tự nguyện, tự giác của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân.
Công tác kiểm tra, khảo sát, đánh giá, biểu dương, khen thưởng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được quan tâm, tiến hành thường xuyên, kịp thời động viên, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được triển khai đồng bộ, toàn diện trên 4 lĩnh vực: kinh tế; văn hóa – xã hội; quốc phòng, an ninh; xây dựng hệ thống chính trị và theo 3 cấp: TP; quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy, cấp cơ sở.
Từ năm 2009 đến nay, toàn TP có 160.013 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được đăng ký triển khai và phát huy hiệu quả tích cực, có sức lan tỏa, được các cấp biểu dương, khen thưởng và nhân rộng. Cụ thể, có 29.208 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký triển khai trong lĩnh vực phát triển kinh tế; 89.971 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký triển khai trong lĩnh vực văn hóa – xã hội; 21.586 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký triển khai trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng; 27.248 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký triển khai trong lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị…
Quá trình triển khai có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ với các phong trào thi đua, các cuộc vận động và bám sát nhiệm vụ chính trị của TP, các địa phương, cơ quan, đơn vị, trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp, thu hút sự tham gia bằng tinh thần tự nguyện, tự giác của đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân. Thông qua đó phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và TP.
Đặc biệt, trong thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, hoàn cảnh cam go, thử thách như: thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với khủng hoảng kinh tế và các vấn đề an ninh phi truyền thống, công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” càng được đẩy mạnh. Thông qua đó, đã phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội và huy động nguồn lực to lớn từ sức mạnh, sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững.
Báo cáo của Ban Dân vận Thành ủy cho thấy, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn Thủ đô trong 15 năm qua đã góp phần tích cực vào những thành tựu về kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, củng cố tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.
Báo cáo tổng kết 5 năm việc thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng cho thấy, việc thực hiện Quy định đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp TP, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện gắn với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị.
Việc thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW được triển khai bài bản từ thành phố đến cơ sở với hình thức đa dạng, phong phú, đã phát huy vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và Nhân dân, tạo được sự chuyển biến trong nhận thức, trách nhiệm, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Cùng với việc thường xuyên đối thoại trực tiếp, giải quyết khiếu nại, tố cáo và bức xúc, kiến nghị của nhân dân, công tác cải cách hành chính được thực hiện theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, hiện đại, năng động phục vụ Nhân dân, qua đó, tạo sự đồng thuận cao và củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, chính quyền.
MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội cũng đã chủ động tham gia công tác tiếp dân, hòa giải, giải quyết kiến nghị của Nhân dân, tăng cường đối thoại phản biện với cấp ủy, chính quyền từ TP đến cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, giảm khiếu kiện bức xúc trong Nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với chính quyền và hệ thống chính trị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận về: những kết quả đạt được và các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về “giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên”. Đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW; chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp để MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội và Nhân dân tích cực tham gia góp ý vào các hội nghị phản biện, xã hội, các hội nghị Nhân dân tại địa phương, đơn vị. Công an Thủ đô đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng thế trận an ninh Nhân dân vững chắc…
Nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trong cộng đồng
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư Phạm Tất Thắng đánh giá, thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và nhất là các đồng chí Thường trực Thành ủy Hà Nội đã quan tâm, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, thực hiện nghiêm túc công tác giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo tinh thần Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư. Đồng thời, ghi nhận, đánh giá rất cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội đối với phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn TP.
Nhấn mạnh năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm về đích trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2020-2025, năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư đề nghị, TP tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt sâu rộng Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư T.Ư Đảng, nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên và Nhân dân về thực hiện việc giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên.
Ngoài ra, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội các cấp và Nhân dân tham gia giám sát. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp của hệ thống dân vận, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội trong tham mưu, thực hiện trào thi đua “Dân vận khéo”. Thường xuyên khảo sát, đánh giá kết quả triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”; đẩy mạnh tuyên truyền về các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” bằng nhiều hình thức. Đồng thời, kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trong cộng đồng…
“Dân vận khéo” trong tình hình mới cần hướng đến những việc cụ thể
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà các địa phương, đơn vị trên địa bàn TP đã đạt được sau 15 năm triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” và thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, 15 năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được triển khai rộng khắp với những cách làm hay, sinh động; nổi bật là cuộc thi “Dân vận khéo” cấp TP vừa diễn ra mới đây, thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, cùng với việc phát triển y tế mũi nhọn, xây dựng mới các bệnh viện lớn ở các cửa ngõ Thủ đô nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận với dịch vụ y tế, Hà Nội cũng là địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới nhiều nhất cả nước. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội luôn được giữ vững với việc bảo đảm an toàn trên 2.000 sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn hằng năm, đây cũng là điều kiện đặc biệt quan trọng để Thủ đô phát triển bền vững.
“Đạt được những kết quả quan trọng này có phần đóng góp tích cực của hệ thống dân vận trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong Nhân dân; đặc biệt là triển khai nhiều cách làm mới, sáng tạo trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong ghi nhận.
Theo Phó Bí thư Thường tực Thành ủy, quan điểm “dân làm gốc” của Đảng ta từ Đại hội XIII của Đảng đã có bước đột phá quan trọng. Từ “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”, người dân cũng là đối tượng được “thụ hưởng” chính sách. Quan điểm này của Đảng đã được TP bám sát và triển khai hiệu quả; mọi chủ trương của TP khi ban hành đều hướng đến mục tiêu cao nhất: vì hạnh phúc, ấm no của Nhân dân.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng ghi nhận, đánh giá cao kết quả triển khai Quy định số 124-QĐ/TW, đồng thời khẳng định, việc Thành ủy ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU, ngày 25/5/2017 về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội và Nhân dân; ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân và củng cố tổ chức cơ sở đảng yếu kém và gần đây là Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội”… đều hướng tới mục tiêu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng từ TP đến cơ sở; kịp thời giải quyết những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng chỉ rõ một số hạn chế còn tồn tại, đó là việc các mô hình “Dân vận khéo” được triển khai có nhiều đổi mới, sáng tạo nhưng còn khó nhân rộng và thiếu tính bền vững. Nhiều địa phương vẫn còn có khó khăn trong việc giữ vững an ninh trật tự, bảo đảm vệ sinh môi trường, quản lý đất công và trật tự xây dựng. Hoạt động giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, chưa thực chất… Trong khi đó, TP đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, đòi hỏi công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phải thực sự bền vững, hiệu quả.
Nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các địa phương, đơn vị nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, nhiệm vụ của công tác dân vận, đặc biệt là triển khai phong trào thi đua “dân vận khéo” với quan điểm trọng dân, gần dân, dựa vào Nhân dân. Mọi công việc, mọi nhiệm vụ được triển khai đều phải hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống thu nhập, bảo đảm ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng yêu cầu việc triển khai phong trào “Dân vận khéo” trong tình hình mới cần hướng đến những công việc, nhiệm vụ cụ thể, gắn với nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, các chi bộ, tổ dân phố và thôn xóm. Trong giai đoạn hiện nay, tập trung vào việc động viên Nhân dân giữ gìn ngõ, phố “sáng, xanh, sạch đẹp”; đẩy mạnh chuyển đổi số, coi đây là cuộc cách mạng, là thời cơ và cơ hội để Thủ đô có bước đột phá.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội phát huy vai trò giám sát, huy động sự vào cuộc của Nhân dân trong việc tích cực đóng góp ý kiến nhằm phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt, trong thời gian tới, khi thành phố tiến hành sắp xếp, tinh gọn bộ máy, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng thuận, ủng hộ các chủ trương lớn của T.Ư và TP, từ đó góp phần đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Trong dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy đã Khen thưởng 10 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai Quy định số 124-QĐ/TW và 10 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/dua-phong-trao-dan-van-kheo-tro-thanh-cong-viec-hang-ngay-thuong-xuyen-lien-tuc.html