Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu 32 tỉnh, thành phố phía Nam tiếp tục học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung quy định mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng về báo chí, xuất bản.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN) |
Ngày 11-5, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai các quy định mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về báo chí, xuất bản tại 32 tỉnh, thành phố phía Nam.
Cụ thể là Quy định số 85-QĐ/TW, ngày 7-10-2022 về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội; Quy định số 99-QĐ/TW, ngày 27-2-2023 về cờ Đảng Cộng sản Việt Nam và việc sử dụng cờ Đảng; Quy định 100-QĐ/TW và 101-QĐ/TW, ngày 28-2-2023 về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản; xây dựng kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925-21-6-2025) tại 32 tỉnh, thành phố phía Nam.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự và chủ trì hội nghị.
Cùng dự hội nghị có đại diện các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các Tỉnh ủy, Thành ủy và một số ban, sở, ngành trực thuộc; lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí, chủ quản nhà xuất bản, lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản ở Thành phố Hồ Chí Minh và 32 địa phương khu vực phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào).
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tổ chức thực hiện các quy định này trong thực tế với tư cách là bộ phận cấu thành quan trọng của công tác tuyên giáo.
Trên cơ sở hội nghị này, Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các địa phương tiếp tục học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung quy định với nhiều hình thức phù hợp giúp cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên hiểu rõ và vận dụng đúng quy định.
Đặc biệt cần xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên; tăng cường kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai quy định trên; biểu dương, khen thưởng cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thực hiện tốt; nhắc nhở, phê bình, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, hiệu quả; kịp thời báo cáo, phản ánh khó khăn, vướng mắc về Ban Tuyên giáo Trung ương để có chủ trương chỉ đạo kịp thời, sát tình hình thực tế.
Về kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925-21-6-2025), Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam.
Từ nay đến thời điểm đó, báo chí cần thể hiện rõ hơn nữa vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa, thực hiện xây dựng nền báo chí truyền thông ngày càng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, đổi mới và sáng tạo theo kịp xu thế trên tinh thần văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN) |
Tại hội nghị, các báo cáo viên trình bày nội dung cơ bản về quy định mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Đề án về kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đây là những nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp, mật thiết đến công tác tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hằng ngày của cấp ủy, chính quyền, tổ chức, đoàn thể.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn cho biết, 4 quy định mới được quán triệt tại hội nghị là những văn bản rất quan trọng, khẳng định sự quan tâm sâu sắc, vai trò trực tiếp, toàn diện của Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tác động trực tiếp đến các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong cả nước.
Nội dung các quy định thể hiện nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận-thực tiễn, giữa kế thừa và phát triển, cần được quán triệt, triển khai nghiêm túc, bài bản, thật sự đi vào cuộc sống, áp dụng thống nhất trong cấp ủy, chính quyền, toàn hệ thống chính trị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe dự thảo Đề án kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925-21-6-2025). Với bề dày truyền thống vẻ vang – 100 năm đồng hành cùng dân tộc, cùng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân, báo giới cả nước có quyền tự hào về truyền thống cách mạng, sứ mệnh nghề nghiệp cao cả, những đóng góp quan trọng đối với đất nước, dân tộc.
Nhìn lại 100 năm qua để đánh giá, tổng kết, tự hào nhưng cũng là dịp cùng nhau xây dựng chiến lược, kế hoạch giúp báo chí cách mạng vững vàng bước sang giai đoạn phát triển mới; cổ vũ, động viên báo giới cả nước tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết trong những thành quả của tỉnh đạt được, có sự đóng góp quan trọng của các cơ quan báo chí, xuất bản trong và ngoài tỉnh.
Với vai trò kênh thông tin chính thống, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, các cơ quan báo chí, xuất bản của tỉnh, cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại tỉnh luôn nỗ lực hoạt động hiệu quả, đúng tôn chỉ, mục đích, bám sát thực tiễn, thông tin, tuyên truyền đầy đủ, toàn diện các lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh; phản ánh kịp thời vấn đề, sự kiện quan trọng.
Nhiều thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận, thống nhất nhận thức và tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Đặc biệt, thông qua tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật, đội ngũ nhà báo, văn nghệ sỹ, góp phần tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa sâu rộng thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, tiềm năng lợi thế cùng với hình ảnh, nét đẹp đặc trưng của vùng đất, con người Bình Dương.
Theo TTXVN/Vietnam+