(Dân trí) – Lãnh đạo Cục Trẻ em khẳng định, mạng lưới phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em lao động trái quy định của pháp luật và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em đã được triển khai.
Giảm tỷ lệ lao động trẻ em
Quyết định phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em lao động trái quy định của pháp luật và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em.
Theo đó, phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,9%.
100% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý, theo dõi; trên 90% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em được tiếp cận giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp.
Trong công tác truyền thông về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, mục tiêu đặt ra là 90% cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, 70% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
Bên cạnh đó, 70% trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
90% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
Định hướng đến năm 2030, phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,5%; giảm tối đa tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số lao động trẻ em và người chưa thành niên.
Ngay sau khi Quyết định được ban hành, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản hướng dẫn bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Chương trình; hướng dẫn xác định trẻ em và người chưa thành niên lao động trái quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 8 Bộ, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình, 13 địa phương lồng ghép kế hoạch triển khai Quyết định trong kế hoạch triển khai Chương trình hành động vì trẻ em trên địa bàn.
Tỷ lệ lao động trẻ em thấp hơn trung bình của khu vực
Trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhờ đó, tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam thấp hơn 2% so với trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Nỗ lực của Việt Nam trong việc giảm thiểu lao động trẻ em đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Chính phủ Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn nhiều công ước quốc tế về quyền trẻ em và chống lao động trẻ em, như Công ước 138 và 182 của ILO. Luật Trẻ em 2016 quy định rõ về quyền của trẻ em, bao gồm quyền được bảo vệ khỏi lao động trẻ em và các hình thức bóc lột khác.
Luật cũng đề xuất các biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm quyền trẻ em.
Tại Bộ luật Lao động 2019 cấm hoàn toàn việc sử dụng lao động trẻ em dưới 15 tuổi, trừ một số công việc nhẹ nhàng không ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập của trẻ; Đối với trẻ em từ 15 đến 18 tuổi, luật cũng có những quy định chặt chẽ về thời gian làm việc, loại hình công việc và điều kiện lao động.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua, nhiều giải pháp, hình thức truyền thông, giáo dục, vận động xã hội không ngừng được đổi mới và mở rộng diện bao phủ để giải quyết vấn đề nhận thức của các gia đình, cha mẹ và chính trẻ em về giáo dục, việc làm và giảm, xóa nghèo bền vững.
Các chiến dịch truyền thông được phát động ở cả trung ương và địa phương; Cộng đồng, gia đình, trẻ em và người chưa thành niên liên tục được cập nhật thông tin qua nhiều hình thức như: Báo chí và truyền thông đại chúng, mạng xã hội, các câu lạc bộ, nhóm truyền thông tại cộng đồng dân cư.
Bà Nga cho rằng, nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, trường học, các tổ chức xã hội, người sử dụng lao động, nhất là cha mẹ và trẻ em đã được cải thiện đáng kể, góp phần tích cực vào kết quả giảm trẻ em tham gia hoạt động kinh tế, trẻ em làm việc, đặc biệt là lao động trẻ em.
Đặc biệt, hệ thống pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật được hoàn thiện, phù hợp với các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn.
Đến nay, quy trình, mạng lưới phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em lao động trái quy định của pháp luật và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em gắn với hệ thống bảo vệ trẻ em đã được triển khai.
Chỉ còn 1 năm nữa để hoàn thành sáng kiến 8.7 nhằm đóng góp vào Mục tiêu Phát triển Bền vững số 8 và tiến tới xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025 mà Việt Nam là một trong 15 quốc gia tiên phong ở khu vực châu Á.
Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, muốn làm được điều này đòi hỏi phải có nỗ lực liên tục và lâu dài từ nhiều phía, bao gồm Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cộng đồng, gia đình và chính trẻ em.
“Chỉ có sự hợp tác chặt chẽ và cam kết mạnh mẽ, Việt Nam mới có thể đạt được mục tiêu bảo vệ trẻ em và đảm bảo tương lai tươi sáng cho thế hệ trẻ”, bà Nga nhấn mạnh.
Bởi trẻ em có quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động, không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại theo quy định của pháp luật.
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/lien-nganh-chung-tay-phong-ngua-giam-thieu-tre-em-lao-dong-trai-quy-dinh-20241219114032021.htm