Người dân dễ dàng tiếp cận nhà ga tuyến metro số 1 thông qua 61 tuyến xe buýt kết nối
Công tác chuẩn bị các phương tiện kết nối cho tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) gồm hệ thống xe buýt, xe đạp công cộng, xe điện 4 bánh… đã sẵn sàng.
Ra đường là lên xe
Bà Nguyễn Thị Dạ Thảo, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM, thông tin có 61 tuyến xe buýt kết nối với nhà ga tuyến metro số 1. Trong đó, 44 tuyến xe buýt hiện hữu, 17 tuyến mở mới.
17 tuyến này có số từ 153 đến 169 sẽ vận chuyển người dân từ nhiều khu vực lân cận, bến xe buýt, khu công nghệ cao, trung tâm thương mại, trường đại học, cao đẳng khu vực TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận 1 đến ga metro và ngược lại.
Đặc biệt, theo Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM, trong 61 tuyến có 27 tuyến xe buýt để người dân từ các huyện ngoại thành có thể đến ga trung tâm Bến Thành, quận 1.
Cụ thể, từ 2 huyện Cần Giờ, Nhà Bè và quận 7, có thể đón tuyến xe buýt số 75, Bến xe buýt Sài Gòn – Cần Giờ; số 102, Bến xe buýt Sài Gòn – Nguyễn Văn Linh – Bến xe Miền Tây; số 34, Bến xe buýt Sài Gòn – Bến xe buýt quận 8; số 31, Đại học Tôn Đức Thắng – Bến Thành – Đại học Văn Lang; số 44, cảng quận 4 – Bình Quới.
Bên cạnh những tuyến trên, hành khách từ huyện Nhà Bè và quận 7 có thêm lựa chọn với 3 tuyến 20, 72, 139.
Từ khu vực quận 5, 6, hành khách có thể đón các tuyến xe buýt số 01, 39, 53, 56… đến ga Bến Thành. Từ quận Gò Vấp, Bình Thạnh, đón khách là các tuyến số 18, 19… Khu vực huyện Hóc Môn, Củ Chi và quận Tân Bình, khách có thể lên các tuyến số 04, 13, 27… để đến ga Bến Thành.
Những chính sách hỗ trợ
Tại ga Bến Thành, hành khách được khuyến cáo di chuyển qua lối ra số 5 hoặc số 6 để thuận tiện tiếp cận trạm trung chuyển xe buýt Hàm Nghi, nơi có nhiều tuyến buýt kết nối với các khu vực trong thành phố.
Khách đi xe buýt đến ga Nhà hát Thành Phố có thể chọn tuyến số 3, Bến Thành – Thạnh Xuân; tuyến số 19, Bến Thành – KCX Linh Trung – Đại học Quốc gia; tuyến số 45, Đại học Kinh tế – Bến Thành – Bến xe Miền Đông vì đều có trạm dừng trên đường Hai Bà Trưng và tuyến xe buýt điện số 155 kết nối trực tiếp.
Hiện nay, ngoài xe buýt, metro số 1, các loại hình giao thông công cộng khác gồm buýt sông, xe hai tầng thoáng nóc đã được tích hợp trên ứng dụng Go!Bus, người dân dễ dàng tra cứu thông tin và lựa chọn lộ trình phù hợp.
Khách đi xe buýt đến ga Ba Son có thể đón các tuyến xe buýt số 44, cảng quận 4 – Bình Quới; số 56, Bến xe buýt Chợ Lớn – Bến xe Miền Đông mới; tuyến số 88, Bến Thành – chợ Long Phước. Những tuyến này đều có lộ trình qua trạm đường Tôn Đức Thắng và tuyến xe buýt điện 155 kết nối trực tiếp.
Khách đi xe buýt đến ga Tân Cảng có thể đón tuyến số 159, chung cư Ngô Tất Tố – Hàng Xanh; tuyến số 160, ga Văn Thánh – Vinhomes Central Park; tuyến 161, Bến xe buýt Văn Thánh – Bến xe Ngã tư Ga.
Về giá vé xe buýt, UBND TP HCM miễn phí vé đi 17 tuyến xe buýt gom kết nối với metro số 1 trong 30 ngày đầu hoạt động. Ngoài chính sách miễn phí trong tháng đầu, thành phố còn hỗ trợ miễn phí hoàn toàn cho các đối tượng ưu tiên sử dụng tàu điện và xe buýt như người có công với cách mạng, người khuyết tật, người cao tuổi…
Người dân muốn biết lộ trình xe buýt từ bất kỳ địa điểm nào trên địa bàn thành phố đến nhà ga của metro số 1 và ngược lại đều có thể tra trên app Go!Bus hoặc website: buyttphcm.com.vn.
Nhiều loại hình phối hợp
Theo tìm hiểu, ngoài xe buýt, hành khách có thể sử dụng xe đạp công cộng với 45 trạm tại quận 1 được bố trí lân cận các nhà ga. Trong đó, 3 vị trí gần Công trường Quách Thị Trang tại đường Hàm Nghi, Lê Lợi và Lê Lai.
Hiện nay Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM đang phối hợp nhiều cơ quan liên quan tổ chức khảo sát bổ sung 84 trạm xe đạp tại 5 quận 1, 3, 4, 5, 10. Sở Giao thông Vận tải đã ban hành danh mục bổ sung 37 vị trí tại quận 1 và 4.
Tại khu vực 3 ga ngầm (Bến Thành, Nhà hát Thành Phố, Ba Son) sẽ có xe điện 4 bánh hoạt động linh hoạt về lộ trình và thời gian, dựa trên nhu cầu của người dân, giá vé 5.000 – 10.000 đồng/lượt.
Ngoài phương tiện kết nối thì hạ tầng phục vụ kết nối xe buýt với tuyến metro số 1 đến nay đã hoàn tất. Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM đã đầu tư 5 bãi xe buýt tại các ga Văn Thánh, Thảo Điền, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái với tổng diện tích hơn 5.000 m2. Những bãi xe này mang tới cho hành khách nhiều tiện ích, có bãi giữ xe cá nhân với tổng sức chứa hơn 2.000 xe.
Ngoài ra, các nhà ga còn lại của tuyến metro số 1 được bố trí phần diện tích giữ xe cá nhân, khu vực dành cho xe taxi, ô tô, xe hai bánh công nghệ phục vụ đón, trả khách.
Bên cạnh đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM cũng đầu tư bổ sung mới 23 nhà chờ xe buýt tiếp cận các nhà ga trên trục xa lộ Hà Nội – Võ Nguyên Giáp và 230 điểm dừng cho các tuyến mở mới. Hiện đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thành các hạng mục sơn phết, lắp thiết bị điện, vệ sinh, vách ngăn…
Hào hứng “lên xe để đi tàu”
Từ Nghệ An vào TP Thủ Đức, TP HCM thăm con cháu hơn 1 tháng nay, vợ chồng ông Hoàng Nghĩa Lý – bà Trần Thị Tân bày tỏ hào hứng trước thông tin tàu metro chính thức phục vụ người dân vào ngày 22-12.
Ông Lý cho biết đã bàn với vợ rồi quyết định dời ngày về quê để “đi bằng được ít nhất một lần chuyến tàu điện xuyên thành phố”. Đọc thông tin trên báo chí về hệ thống hạ tầng, phương tiện kết nối metro, ông càng yên tâm vì dễ dàng lên xe để đi tàu.
“Tôi tin với việc chuẩn bị chu đáo và khoa học như vậy, tình cảm của người dân với metro nói riêng, với giao thông công cộng nói chung sẽ tăng lên, lan tỏa và góp phần lớn cho thương hiệu văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xanh, sạch, tiện lợi… của thành phố mang tên Bác” – ông Lý cảm nhận.
Nguồn: https://nld.com.vn/de-dang-don-xe-buyt-den-cac-ga-metro-so-1-196241218215239014.htm