Quỹ đầu tư công (PIF) của Saudi Arabia tăng gấp hai lần tỷ lệ sở hữu tại Tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco lên 8% nhằm thực hiện chiến lược đa dạng hóa nền kinh tế của quốc gia này. Trong khi đó, Thái tử Mohammed bin Salman, đồng thời là Thủ tướng Saudi Arabia mới đây công bố thành lập bốn đặc khu kinh tế mới, với mục tiêu củng cố vị thế quốc gia như một điểm đến của đầu tư toàn cầu.
Riyadh Air thông báo đặt mua máy bay của Hãng Boeing (Mỹ). (Ảnh Nikkei Asia) |
Quỹ PIF do Thái tử Mohammed bin Salman đứng đầu, người đang thực hiện một chương trình cải cách rộng lớn nhằm giảm sự phụ thuộc của Saudi Arabia vào tài nguyên dầu mỏ. Những năm gần đây, PIF đã thực hiện các khoản đầu tư lớn vào các công ty quốc tế như Uber và Disney, cũng như dự án Neom-một siêu đô thị tương lai trị giá 500 tỷ USD đang được xây dựng trên sa mạc của Saudi Arabia. Theo Thái tử Mohammed bin Salman, quỹ PIF có kế hoạch tăng giá trị tài sản lên 1.000 tỷ USD vào cuối năm 2025.
Sau khi chuyển 4% cổ phần của Aramco cho PIF vào năm ngoái, Thái tử Mohammed bin Salman thông báo chuyển tiếp 4% cổ phần của Aramco cho Công ty đầu tư Sanabil Investments, một công ty thuộc sở hữu 100% của PIF. Sau thương vụ chuyển nhượng này, Nhà nước Saudi Arabia vẫn là cổ đông chính của tập đoàn nêu trên với tỷ lệ sở hữu 90,18%. Aramco đã được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Riyadh tháng 12/2019. Việc niêm yết 1,7% cổ phần của công ty này mang về 29,4 tỷ USD cho Saudi Arabia.
Đợt chuyển nhượng cổ phần nêu trên nằm trong kế hoạch tiếp tục triển khai các sáng kiến dài hạn nhằm kích thích và đa dạng hóa nền kinh tế của Saudi Arabia, đồng thời củng cố tình hình tài chính và xếp hạng tín dụng của PIF. Giá trị của thương vụ chuyển nhượng cổ phần này không được tiết lộ, nhưng theo giá hiện tại của cổ phiếu Aramco được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Riyadh, thỏa thuận này có giá trị gần 80 tỷ USD. Aramco đã công bố khoản lãi kỷ lục của tập đoàn này là 161,1 tỷ USD năm 2022, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước đó nhờ giá dầu thô tăng vọt.
Trong chiến lược phát triển nhằm đưa Saudi Arabia trở thành một trung tâm kinh tế lớn ở khu vực, Thủ tướng Saudi Arabia Mohammed bin Salman công bố thành lập bốn đặc khu kinh tế mới tại quốc gia này. Trước đó, Saudi Arabia cũng tuyên bố triển khai một số dự án tương tự khác, trong đó có việc ra mắt đặc khu logistics tích hợp tại Sân bay quốc tế King Salman ở Riyadh hồi tháng 11/2022.
Các dự án mới nằm trong giai đoạn đầu của chương trình dài hạn mà Saudi Arabia đang triển khai nhằm khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài, thu hút các nhân tài trên toàn thế giới, đồng thời thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và phát triển kinh tế tại nước này.
Bốn đặc khu kinh tế mới được đặt tại các thành phố Riyadh, Jazan, King Abdullah và thị trấn Ras al-Khair. Thủ tướng Saudi Arabia tin rằng, các đặc khu mới sẽ tạo hiệu ứng đáng kể đối với hoạt động kinh doanh tại nước này, có thể tạo ra hàng chục nghìn việc làm và đóng góp hàng triệu USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia.
Ông khẳng định Saudi Arabia chào đón các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới đến với những cơ hội lịch sử mà nước này mang lại. Những lợi ích mà các đặc khu kinh tế mới mang lại có thể kể đến như mức thuế suất doanh nghiệp cạnh tranh, miễn thuế hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và các chính sách thuận lợi để thu hút nhân tài trên toàn thế giới…
Với chiến lược phát triển mạnh mẽ, Saudi Arabia còn công bố thành lập một hãng hàng không quốc gia mới, trong khuôn khổ kế hoạch đưa Riyadh trở lại là một trung tâm hàng không toàn cầu cạnh tranh với các trung tâm khác trong khu vực như Dubai và Doha. Với dự kiến sẽ sử dụng các máy bay tân tiến nhất, Hãng hàng không mới Riyadh Air đặt mục tiêu đến năm 2030 triển khai các chuyến bay tới hơn 100 điểm đến trên toàn thế giới.
Theo Bộ trưởng Giao thông Saudi Arabia Saleh Al-Jasser, Hãng hàng không Riyadh Air là dự án mới nhất trong loạt dự án được đặt ra nhằm củng cố vị thế của Saudi Arabia như một trung tâm hàng không quốc tế và trung tâm logistics toàn cầu. Đây cũng là mục tiêu được đề ra trong chương trình cải cách “Tầm nhìn 2030” do Thái tử Mohammed bin Salman khởi xướng.
Các mục tiêu được đề ra trong lĩnh vực hàng không bao gồm tăng gấp ba lần lưu lượng hành khách hằng năm, đạt 330 triệu người vào cuối thập kỷ này, cũng như bảo đảm vận chuyển trung bình 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Theo nhandan.vn