(Dân trí) – Gần đây, nhiều dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội được triển khai. Sở Xây dựng Hà Nội cho biết từ nay đến năm sau, TP có 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành với gần 6.000 căn.
Nhiều dự án nhà ở xã hội được khởi công
Mới đây, Tổng Công ty 319, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ khởi công dự án khu nhà ở xã hội xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Dự án được xây dựng trên diện tích khu đất rộng 15.286m2 (hơn 1,5ha), với tổng diện tích xây dựng 6.880m2. Quy mô gồm 4 khối nhà cao 9 tầng (tổng diện tích sàn xây dựng cả 4 khối nhà khoảng hơn 61.000m2, mật độ xây dựng 45%). Tổng mức đầu tư dự án hơn 600 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp tổng số 466 căn hộ từ 40m2 đến gần 77m2 ra thị trường. Công trình dự kiến hoàn thành vào ngày 30/10/2026.
Đầu tháng 12, liên danh Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC, Công ty cổ phần Xây dựng Lắp máy Điện nước Hà Nội (Haweicco) và Công ty cổ phần Phát triển Nhà DAC Hà Nội làm chủ đầu tư đã khởi công dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị Hạ Đình (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Khu đất xây dựng dự án rộng hơn 9.300m2 thuộc Khu đô thị mới Hạ Đình, huyện Thanh Trì. Theo quy hoạch, dự án cao 25 tầng, gồm 5 tầng đế, 20 tầng căn hộ và một tầng hầm, diện tích xây dựng là hơn 3.700m2, tổng diện tích sàn là 62.550m2.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp 440 căn hộ, trong đó 365 căn hộ nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua và 75 căn hộ để kinh doanh thương mại. Quy mô dân số khoảng 1.230 người. Dự kiến công trình sẽ được thi công trong thời gian 30 tháng.
Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng cho liên danh Công ty cổ phần Him Lam Thủ đô và Công ty cổ phần BIC Việt Nam xây dựng công trình chung cư cao tầng CT1 thuộc dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh và đấu nối hạ tầng khu vực, quận Long Biên. Giấy phép xây dựng có hiệu lực khởi công xây dựng trong 12 tháng.
Dự án nằm trên ô đất có tổng diện tích hơn 5.100m2, diện tích xây dựng khoảng 3.300m2. Tổng diện tích sàn xây dựng phần nổi gần 63.500m2
Công trình được cấp phép cao 22 tầng nổi, 1 tum và 3 tầng hầm. Dự án khi hoàn thành sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 600 căn hộ, diện tích dao động khoảng 64-77m2.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết từ nay đến năm sau, thành phố có 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành với gần 6.000 căn, tương đương 345.000m2 sàn.
Giai đoạn 2026-2030, có 50 dự án dự kiến triển khai với gần 57.200 căn, tương ứng 3,2 triệu m2 sàn. Trong đó, thành phố đang thẩm định chủ trương đầu tư 4 trên 5 khu nhà ở xã hội độc lập tập trung tại các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh. Các dự án có tổng diện tích trên 200ha, cung ứng hơn 12.000 căn.
Làm thế nào để tăng nguồn cung nhà ở xã hội?
Theo dữ liệu của một đơn vị nghiên cứu, từ đầu năm tới nay, nguồn cung căn hộ chung cư tại Hà Nội chứng kiến mức phục hồi đáng kể. Nhưng tình trạng mất cân đối cung – cầu trở nên nghiêm trọng hơn khi khoảng 80% nguồn cung căn hộ mở bán tại Hà Nội đều có giá bán từ 50 triệu đồng/m2 trở lên.
Giá căn hộ chung cư liên tục tăng và thiết lập mặt bằng mới, ở ngưỡng cao trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, vượt xa khả năng chi trả và tốc độ gia tăng thu nhập của đại đa số người dân. Điều này khiến giấc mơ sở hữu nhà ở thành phố của nhiều người bị “đứt gánh”. Việc đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội được coi là giải pháp tối ưu cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam – nhìn nhận trước đây, việc thực hiện dự án nhà ở xã hội có nhiều khó khăn, vướng mắc, tập trung vào 5 yếu tố: quỹ đất, thủ tục, cơ chế, vốn và đầu ra thị trường. Hiện nay, vấn đề thủ tục, đầu ra và vốn đã gần như được “cởi trói” ở các quy định pháp luật gần đây.
Tuy nhiên, ông cho rằng còn một số vấn đề gây khúc mắc như lãi suất vẫn cao gây băn khoăn, đặc biệt với khách hàng mua nhà. Yếu tố đầu ra cần quan tâm hơn tới đối tượng chính sách, người có công, công nhân trong khu công nghiệp…
Theo đó, ông nhấn mạnh vai trò chủ đạo làm nhà ở xã hội vẫn ở cơ quan Nhà nước, đặc biệt cần bố trí đất, vốn, cần có quỹ phát triển chứ không thể chờ vốn rẻ từ tín dụng. Vấn đề thủ tục triển khai, Nhà nước cũng cần tháo gỡ đơn giản hơn.
Để tăng khả năng tiếp cận nhà ở của người dân, ông Lê Đình Chung – chuyên gia bất động sản – kiến nghị, Nhà nước cần thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội ngoài nội thành để kéo giảm chi phí thực hiện xuống thấp. Từ đó, giá mở bán nhà ở xã hội sẽ thấp hơn.
Song song với đó, ông cho rằng, Nhà nước cũng cần chú trọng thực hiện đồng bộ hạ tầng ở các khu vực vùng ven kết nối với nội đô, từ đó thu hút được người dân mua nhà ở vùng ven, giảm áp lực quá tải cho trung tâm.
Nguồn: https://dantri.com.vn/bat-dong-san/nha-o-gia-re-sap-o-at-do-bo-thi-truong-bat-dong-san-ha-noi-20241219012624052.htm