Gần ba năm qua, châu Âu tăng tốc từ bỏ năng lượng Nga, thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, Moscow vẫn là một trong những nhà cung cấp năng lượng quan trọng nhất của châu lục này. Vì sao vậy?
Châu Âu đã chứng minh rằng, việc thiếu Nga, những quốc gia này vẫn ‘sống tốt’. (Nguồn: Getty Images) |
Ba năm trước, Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và châu Âu là khách hàng hàng đầu của nước này. Đối với các nhà lãnh đạo châu lục này, việc tiếp cận nguồn năng lượng giá rẻ đã vượt qua mọi mối lo ngại khi làm ăn với Tổng thống Vladimir Putin.
Sau đó, tháng 2/2022, Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Sự phụ thuộc quá lớn vào Nga – với vai trò là nhà cung cấp duy nhất – đã khiến châu Âu lao đao.
Thời điểm đó, Moscow cũng phải đối mặt với “cơn mưa” trừng phạt từ phương Tây. Trong khi châu Âu tích cực tìm kiếm các nguồn cung khí đốt thay thế, dần từ bỏ mặt hàng này của Điện Kremlin.
Châu Âu đang phải trả nhiều tiền hơn
Châu Âu đã chứng minh rằng, việc thiếu Nga, những quốc gia này vẫn “sống tốt”. Nhiều nhà nhập khẩu khí đốt, dầu và than, từng là “khách ruột” của Nga đã từ bỏ nước này để chuyển sang sử dụng các nguồn thay thế.
Ở châu Âu, người tiêu dùng cũng tìm cách sử dụng ít năng lượng hơn, giảm nhu cầu. Cuối cùng, đèn vẫn sáng bừng ở các nước châu Âu và hầu hết các nhà máy vẫn tiếp tục hoạt động hết công suất.
Thế nhưng, mọi chuyện không chỉ đơn giản như vậy!
Châu Âu đang phải trả nhiều tiền hơn cho khí đốt, dầu mỏ và một số ngành công nghiệp ngốn nhiều năng lượng hơn đang phải vật lộn để duy trì khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Và điều bất ngờ là: Nga vẫn là một trong những nhà cung cấp năng lượng quan trọng nhất của châu lục này. Vì sao vậy?
Từ hơn nửa thế kỷ trước, Liên Xô cần tiền và thiết bị để phát triển các mỏ khí đốt khổng lồ mới được phát hiện ở Siberia. Tây Đức đang săn lùng năng lượng giá rẻ để hỗ trợ lĩnh vực sản xuất đang phát triển nhanh chóng.
Năm 1970, Liên Xô và Tây Đức đã ký một thỏa thuận về đường ống dẫn khí đốt, trong đó các nhà máy Đức cung cấp hàng nghìn km đường ống để vận chuyển khí đốt của Nga đến Tây Âu.
Dòng năng lượng đó tăng trưởng ổn định trong những thập kỷ tiếp theo cho đến khi Berlin nhận thấy họ đang mua hơn một nửa lượng khí đốt từ Moscow, cùng với khoảng một phần ba tổng lượng dầu của nước này.
Đức và các nước châu Âu đã đầu chuyển sang sử dụng năng lượng gió và mặt trời trong những năm gần đây. Nhưng khí đốt qua đường ống của xứ bạch dương vẫn là một lựa chọn thuận tiện, giá cả phải chăng.
Một trang trại gió gần Hagen, miền Tây nước Đức. (Nguồn: AFP) |
Theo tổ chức nghiên cứu Bruegel ở Brussels, năm 2023, nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga vào Liên minh châu Âu (EU) đạt khoảng 1 tỷ USD/tháng, giảm từ mức cao 16 tỷ USD/tháng vào năm 2022.
Hầu hết lượng nhập khẩu còn lại là khí đốt tự nhiên.
Theo dữ liệu từ Ủy ban châu Âu, Moscow vẫn chiếm 15% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của khối 27 thành viên vào năm 2023, xếp sau Na Uy và Mỹ lần lượt là 30% và 19%. Phần lớn khí đốt của Nga được vận chuyển qua các đường ống đi qua Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong số những người mua lớn nhất có Áo, Slovakia và Hungary – những nước có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu.
Những nước tiêu thụ năng lượng lớn bao gồm Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ và Hà Lan cũng vẫn đang nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của xứ bạch dương.
Một số doanh nghiệp vẫn “gắn chặt” với khí đốt Nga
Các khách hàng châu Âu của Nga thường bị ràng buộc bởi những hợp đồng dài hạn, cứng rắn.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi, tìm kiếm nhà cung cấp thay thế Moscow có thể tốn kém vì nguồn cung sẵn có trên thị trường khí đốt toàn cầu dự kiến sẽ vẫn khan hiếm trong ít nhất một năm nữa.
Những khách hàng chính – bao gồm Slovakia và Hungary – cho biết họ đang tìm kiếm các nguồn thay thế. Nhưng các quốc gia không giáp biển này sẽ phải trả nhiều tiền hơn nếu họ mua khí đốt không phải của Nga.
Những quốc gia này đang nhập khí đốt của Moscow qua Kiev, theo hợp đồng thương mại duy nhất còn sót lại giữa hai đất nước chịu xung đột. Hợp đồng sẽ hết hạn cuối năm nay và Ukraine tuyên bố sẽ không gia hạn.
Các công ty lớn từ Slovakia và Hungary đang thúc đẩy một thỏa thuận cho phép tiếp tục vận chuyển khí đốt qua Ukraine vào năm 2025. Cuộc đàm phán đã diễn ra trong nhiều tháng nhưng hiện vẫn chưa có kết quả.
Hiện tại, không có lệnh cấm khí đốt của Nga trên toàn châu Âu, mặc dù một số nước như Anh, Đức và các nước vùng Baltic đã quyết định ngừng nhập khẩu nhiên liệu này.
Một số khách hàng lớn nhất và lâu đời nhất của tập đoàn khí đốt Gazprom như công ty Uniper SE của Đức và công ty năng lượng OMV AG của Áo, đã chấm dứt hợp đồng.
Các tập đoàn lớn khác của châu Âu vẫn có những khoản đầu tư lâu dài vào năng lượng của Moscow mà họ không muốn từ bỏ.
Cụ thể, TotalEnergies SE của Pháp vẫn là cổ đông của dự án Yamal LNG khổng lồ ở Bắc Cực của Nga. Công ty năng lượng Natorgy Energy Group SA của Tây Ban Nha có hợp đồng 20 năm mua nhiên liệu hóa lỏng từ Yamal cho đến năm 2038.
Dầu Nga “phăng phăng” tới châu Âu
Về lĩnh vực dầu thô, EU vẫn nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường ống và vận chuyển bằng đường bộ. Lệnh cấm của khối 27 thành viên chỉ áp dụng với vận chuyển bằng đường biển.
Vẫn chưa có lệnh cấm đối với các sản phẩm dầu được sản xuất tại các nhà máy lọc dầu bên ngoài châu Âu sử dụng dầu của Moscow, chẳng hạn như ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Global Witness, doanh số bán từ các nhà máy lọc dầu này vào EU đã mang lại cho Nga doanh thu thuế ước tính 1,1 tỷ EUR (tương đương 1,2 tỷ USD) vào năm 2023.
Giới chuyên gia nhận thấy, có khả năng, dầu thô của Nga đã tìm thấy đường đến châu Âu qua trung gian.
Việc truy tìm dầu thô và LNG của Nga trở nên khó khăn hơn kể từ khi Moscow triển khai một “hạm đội bóng tối” chở dầu lớn để tránh tác động của các lệnh trừng phạt quốc tế.
Năng lượng tái tạo – hướng đi của châu Âu
Nga chiếm chưa đến 10% lượng tiêu thụ khí đốt của châu Âu vào năm 2023, giảm so với hơn 1/3 trước năm 2022.
Na Uy đã thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt qua đường ống lớn nhất lục địa. Một phần nhờ vào các cơ sở mới được xây dựng ở châu Âu để vận chuyển LNG từ các quốc gia xuất khẩu thay thế. Trong khi đó, Mỹ đã trở thành nhà cung cấp LNG hàng đầu của châu Âu.
Châu Âu cũng đang tiêu thụ ít nhiên liệu hóa thạch hơn. Một số ngành sử dụng nhiều năng lượng đang gặp khó vì hóa đơn năng lượng tăng cao, khiến họ phải cắt giảm sản xuất hoặc chuyển sang sản xuất hàng hóa ít sử dụng năng lượng hơn.
Ngoài ra, châu Âu cũng tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.
Cuộc khủng hoảng năm 2022 khiến các chính phủ châu Âu quyết tâm hơn trong việc đẩy nhanh việc áp dụng năng lượng sạch.
Kết quả là sản lượng điện từ khí đốt và than đã giảm mạnh. Theo UBS Group AG, trong 8 tháng đầu năm nay, nhu cầu khí đốt của châu Âu thấp hơn 20% so với mức cùng kỳ năm 2021 – thời điểm trước khủng hoảng năng lượng.
Năng lượng tái tạo cũng giúp châu Âu tiến gần hơn đến mục tiêu loại bỏ hoàn toàn năng lượng Nga trước năm 2027, bao gồm cả dầu mỏ, khí đốt và than đá.
Nguồn: https://baoquocte.vn/dieu-bat-ngo-cua-nga-va-chau-au-co-lien-quan-den-khi-dot-huong-di-moi-co-the-giup-eu-hoan-toan-cach-nang-luong-moscow-297904.html