Thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn và sản phẩm quà tặng phục vụ du lịch tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái đã hình thành ở nhiều địa phương, phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững.
Du lịch nông thôn, sản phẩm quà tặng lưu niệm góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh đẹp về vùng đất con người Lào Cai
Theo báo cáo của Sở Du lịch Lào Cai, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 8 mô hình thí điểm cấp tỉnh về du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, trong đó 1 mô hình cấp tỉnh chủ trì, 7 mô hình do đơn vị cấp huyện chủ trì.
Đối với mô hình thí điểm cấp tỉnh, trong giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh Lào Cai được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt thực hiện 1 mô hình thí điểm “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Tày trên địa bàn xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên”.
Đối với 7 mô hình do đơn vị cấp huyện chủ trì, gồm: Mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát; mô hình phát triển du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Bản Phố 2C, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà; mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên; phát triển dịch vụ trải nghiệm, tham quan tại Trại nghiên cứu và sản xuất rau quả Bắc Hà; phát triển không gian du lịch cộng đồng đội 4 – thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa; du lịch cộng đồng dân tộc Xa Phó tại thôn Nậm Rịa, xã Hợp Thành, TP. Lào Cai…
Tnh đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 467 cơ sở homestay trong đó tập trung chủ yếu tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên, TP. Lào Cai, Văn Bàn. Từ mô hình phát triển du lịch cộng đồng phát triển đã thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia vào các hoạt động cung ứng dịch vụ lưu trú, công tác hướng dẫn khách du lịch, cung cấp dịch vụ xe ôm, khuân vác hành lý, biểu diễn văn nghệ, mua sắm thổ cẩm.
Hiện nay tỉnh Lào Cai đã có 3 nhóm cơ sở lưu trú tại gia homestay của đồng bào dân tộc Giáy tại xã Tả Van, thị xã Sa Pa và dân tộc Tày Tà Chải, huyện Bắc Hà, dân tộc Tày tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên được Hiệp hội du lịch các quốc gia ASEAN công nhận đạt chuẩn homestay ASEAN.
Ngoài ra, còn có các sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp gắn du lịch sinh thái phát triển mạnh được du khách yêu thích; du lịch tham quan trải nghiệm ruộng bậc thang; du lịch nông trại; phát triển sản phẩm hàng hóa phục vụ khách du lịch…
Hiện nay, quà lưu niệm của tỉnh Lào Cai chủ yếu thuộc các nhóm: thực phẩm; thức uống; văn hóa, mỹ thuật (các sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống: thổ cẩm, đan lát, chạm khắc…). Qua 06 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tính đến nay toàn tỉnh đang có 269 sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao (259 sản phẩm 3 sao, 08 sản phẩm 4 sao, 02 sản phẩm 5 sao).
Các sản phẩm, quà tặng, ấn phẩm lưu niệm tại các điểm du lịch đã mang lại những trải nghiệm thi vị cho điểm du lịch và hơn hết góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh đẹp về vùng đất con người Lào Cai đến với bạn bè, du khách. Nhiều cá nhân, tổ chức đã có những sự đầu tư để làm, sản xuất các sản phẩm du lịch đặc trưng để bán và giới thiệu với du khách. Cửa hàng lưu niệm có lượng sản phẩm hàng hóa khá đa dạng và gây ấn tượng đối với du khách, phần lớn các cửa hàng trưng bày bán thổ cẩm, các cửa hàng bày bán các sản phẩm nông sản địa phương.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nông thôn, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm quà tặng
Với những thế mạnh và đặc trưng riêng có, du lịch nông thôn Lào Cai đã thu hút được sự quan tâm của du khách và góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống cho cộng đồng các dân tộc tham gia vào các hoạt động du lịch cộng đồng, hình thành một số thương hiệu sản phẩm không chỉ tạo công việc làm, tăng thu nhập cho địa phương mà còn góp phần quảng bá trực tiếp cho các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. So với các địa phương khác trong cả nước, tỉnh Lào Cai có sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm khá đa dạng, mẫu mã chất lượng sản phẩm được quan tâm, dần nắm bắt được thị hiếu và nhu cầu của du khách hiện nay, bước đầu có sự hệ thống hóa các mặt hàng quà lưu niệm của mình để tìm ra sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng để giới thiệu đến du khách.
Tuy nhiên hiện nay chưa có tiêu chí về công nhận điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn để các địa phương có căn cứ xây dựng, công nhận các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; thiếu các hoạt động thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại địa phương; chưa tạo được sức lan tỏa vì vậy cần được đầu tư nhân rộng để nhiều cộng đồng các dân tộc thiểu số khác cũng có cơ hội tham gia và phát triển các ngành nghề truyền thống của mình, tạo sản phẩm, tăng thu nhập.
Hầu hết các tuyến, điểm tham quan du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn thiện hạ tầng du lịch thiết yếu theo quy định như: đường giao thông, bãi đỗ xe, hệ thống cấp thoát nước, nhà vệ sinh cộng cộng, điểm dừng chân ngắm cảnh và giới sản phẩm địa phương, hệ thống biển báo và biển chỉ dẫn du lịch, Nhà du lịch cộng đồng …. gây khó khăn cho du khách và các đơn vị lữ hành trong tiếp cận điểm đến và phục vụ du khách tại điểm đến.
Giá trị nông nghiệp bản địa, văn hóa truyền thống bản sắc, chuyên nghiệp chưa được nghiên cứu bài bản để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao phục vụ du khách. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp đã được khai thác trong nhiều năm, nhưng không được đầu tư làm mới, chủ yếu vẫn dựa vào môi trường sinh thái tự nhiên nên không còn hấp dẫn khách…
Do đó, trong thời gian tới Sở Du lịch Lào Cai định hướng sẽ nâng cấp những sản phẩm du lịch đã có và xây dựng những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn. Trong giai đoạn 2025-2030 sẽ xây dựng 6 mô hình du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn theo du lịch cộng đồng ASEAN và 11 mô hình du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn Việt Nam.
Trong đó, tập trung vào các sản phẩm Du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp – làng nghề; sản phẩm du lịch gắn với làng nghề… Ngoài ra, hiện nay, cần quan tâm đến phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm gắn với các đỉnh núi, thác nước trên địa bàn tỉnh đặc biệt là tại Bát Xát, Sa Pa như: núi Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa), núi Ky Quan San, Nhìu Cồ San, Lử Thẩn, Chung Nhía Vũ; thác Rồng, thác Xanh, thác Ong (Bát Xát)…
Ngoài ra Sở Du lịch Lào Cai cũng sẽ tập trung triển khai các giải pháp như: Nâng cao vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư khu vực nông thôn trong phát triển du lịch nông thôn; ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn từ cơ sở vật chất đến kĩ thuật, hạ tầng để đảm bảo điều kiện xây dựng sản phẩm du lịch hài hoà, phù hợp với điều kiện của từng vùng miền; khai thác các giá trị ưu thế nổi trội, khác biệt gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển một số sản phẩm mới, trọng tâm là sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm gắn với các đỉnh núi, thác nước trên địa bàn tỉnh đặc biệt là tại Bát Xát, Sa Pa. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nông thôn.
Xây dựng cơ chế cho làng du lịch, giải quyết vướng mắc về cơ chế quản lý đất đai cho nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp đăng ký kinh doanh, vay vốn ngân hàng lãi suất thấp, những ưu đãi về thuế cho những hộ dân, doanh nghiệp tham gia loại hình du lịch nông thôn.
Đẩy mạnh hoạt động quảng bá cho các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm quà tặng. Có sự kết nối giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các điểm du lịch nông thôn, các điểm, cửa hàng bày bán giới thiệu sản phẩm.
Theo Trung tâm Thông tin, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/lao-cai-phat-trien-du-lich-nong-thon-va-san-pham-qua-tang-tai-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-20241219083103568.htm