Mặc dù cả nước đã có 5.036 tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) được thành lập, song số lượng các tổ KNCĐ hoạt động có hiệu quả còn ít. Một phần do chưa hiểu rõ cách thức hoạt động, vai trò của tổ, năng lực còn hạn chế; một phần chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để hoạt động hiệu quả.
Sáng 17/12, tại Cà Mau, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Trung tâm Khuyến nông Cà Mau tổ chức buổi tọa đàm “Nhân rộng mô hình tổ khuyến nông cộng đồng“, với sự tham gia của lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Trung tâm Khuyến nông Cà Mau; Trung tâm dịch vụ nông nghiệp TP.Cần Thơ, Hậu Giang cùng hơn 100 đại biểu là cán bộ khuyến nông, HTX và người dân.
Hoạt động tại một số tổ KNCĐ còn mang tính phong trào
Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” trong giai đoạn 2022 – 2024 của Bộ NNPTNT, đến nay, tỉnh Cà Mau đã thành lập và đi vào hoạt động 77 Tổ Công nghệ số và Khuyến nông cộng đồng với 1.084 thành viên.
Sau khi thành lập, các tổ đã triển khai tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác khuyến nông về Tổ hợp tác, Hợp tác xã được 7 lớp với 210 lượt người tham dự; chuyển giao, tư vấn tiến bộ kỹ thuật được 236 lớp có 8.550 người dân tham dự.
Phối hợp với các đơn vị thuộc Sở NNPTNT hỗ trợ cho 91 HTX về Luật HTX và các văn bản có liên quan; phối hợp các đơn vị tư vấn về chính sách được 25 cuộc, có 1.250 lượt người tham dự; dịch vụ giống, vật tư, thiết bị nông nghiệp, BVTV, thú y hiện nay có 06 hoạt động dịch vụ nông nghiệp mang tính tập thể.
Từ kết quả đạt được, bước đầu cho thấy các Tổ KNCĐ đã thực hiện tốt các hoạt động phát triển cộng đồng tại địa phương như: Hỗ trợ chuyển đổi số cho cộng đồng dân cư; tiêm ngừa bệnh dại, khử trùng chuồng trại khi dịch bệnh xảy ra; tuyên truyền vận động phát dọn, trồng cây xanh, dọn dẹp vệ sinh mô hình trường, thu gom vỏ, bao bì thuốc BVTV, tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, khai thác thủy sản đúng kích cở, không vi phạm lãnh hải các nước…
Ngoài ra, Tổ còn tham gia hỗ trợ bảo tồn và phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống, tham gia phát triển du lịch nông thôn gắn với nông nghiệp sinh thái, bảo tồn các giá trị văn hoá nông thôn.
Tọa đàm đã nghe 04 báo cáo tham luận của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố Cần Thơ, Hậu Giang và nhiều ý kiến thảo luận của đại biểu. Hầu hết các đại biểu tập trung thảo luận vào các vấn đề như: Những thuận lợi và khó khăn trong hoạt động của tổ KNCĐ, giới thiệu kết quả và kinh nghiệm trong việc xây dựng cũng như cách thức tổ chức hoạt động các tổ KNCĐ, các vấn đề liên kết chuỗi; tổ chức HTX trong liên kết sản xuất, xây dựng và thúc đẩy vùng nguyên liệu gắn với yêu cầu của thị trường…
Các đại biểu cho rằng, hiện nay số lượng tổ KNCĐ hoạt động hiệu quả chưa cao, hoạt động chủ yếu còn mang tính phong trào, hình thức và chưa có định hướng phát triển phù hợp trong thời gian tới nên dẫn đến các hoạt động còn thiếu chiều sâu; sự quan tâm của các cấp, ngành nhất là tại địa phương còn chưa cao… Nhiều ý kiến từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hộ sản xuất đặt ra sự băn khoăn về vai trò, trách nhiệm của từng đối tượng trong tổ KNCĐ.
Ông Mai Nam – Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố Cần Thơ cho biết: Các tổ KNCĐ đã lồng ghép các chương trình, dự án, nhân rộng các mô hình sản xuất vào hoạt động của tổ KNCĐ để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại số lượng các tổ KNCĐ hoạt động có hiệu quả còn ít, một phần do chưa hiểu rõ cách thức hoạt động, vai trò của tổ, năng lực còn hạn chế, chưa có cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ để hoạt động hiệu quả.
Trên cơ sở đó, ông Mai Nam kiến nghị Bộ NNPTNT sớm triển khai các nền tảng, ứng dụng công nghệ số để tăng cường vai trò hoạt động của tổ KNCĐ; Trung tâm Khuyến nông quốc gia tăng cường hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực hoạt động và cần có cơ chế đảm bảo tính pháp lý để hỗ trợ hoạt động cho các tổ KNCĐ, đồng thời trong giai đoạn xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 83/2018/NĐ-CP cần lồng ghép vai trò, vị trí của tổ KNCĐ.
Tạo “cánh tay nối dài” cho hoạt động khuyến nông
Phát biểu tại tọa đàm, ông Tiết Tiến Dũng – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Cà Mau nhấn mạnh, tọa đàm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tăng cường nhận thức, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về các giải pháp khuyến nông hiện đại, phù hợp với thực tế của tỉnh Cà Mau nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung.
“Đây không chỉ là cơ hội để nhìn nhận lại những kết quả, khó khăn và thách thức trong công tác truyền thông và hoạt động của Tố KNCĐ mà còn là dịp để các bên liên quan cùng nhau bàn thảo, xây dựng chiến lược phát triển công tác truyền thông và nâng cao năng lực cho tổ KNCĐ để hoạt động hiệu quả hơn”- ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, thời gian tới, ngành nông nghiệp Cà Mau sẽ tăng cường kết nối doanh nghiệp, hoạt động đào tạo tuyên truyền, tập huấn và chuyển giao khoa học công nghệ đến người dân thông qua tổ KNCĐ tại các địa phương để giúp người dân phát triển sản xuất, thay đổi tư duy từ phát triển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, góp phần phát triển sản phẩm nông nghiệp của các địa phương theo chuỗi giá trị và ngày càng có giá trị cao hơn, đặc biệt là công tác truyền thông triển khai thành công Đề án 1 triệu ha lúa.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định tổ KNCĐ là định hướng phát triển đúng đắn. Tổ có nhiệm vụ kết nối hệ thống khuyến nông với cộng đồng doanh nghiệp, HTX, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp nhằm hỗ trợ người dân tốt hơn trong việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giải pháp hữu ích vào sản xuất.
Mục tiêu cuối cùng là giúp bà con cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Ông Hồng nhấn mạnh, để tổ KNCĐ hoạt động hiệu quả cần phải nhờ vào hợp tác công tư, sự kết hợp hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở để tạo “cánh tay nối dài” nhằm chuyển giao nhanh các khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, góp phần gia tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
“Từ khi triển khai đến nay cho thấy, các tổ KNCĐ đã dần thay đổi tư duy, nhận thức trong hệ thống khuyến nông. Bên cạnh đó, cần củng cố lại hệ thống khuyến nông trên nguyên tắc không thay đổi bộ máy và biên chế khuyến nông, tổ chức lại lực lượng khuyến nông cơ sở gắn với địa bàn địa phương để thực hiện tốt công tác khuyến nông” – ông Hoàng Văn Hồng nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Hồng cho biết sẽ ghi nhận các kết quả đã đạt được về xây dựng và hoạt động của các tổ KNCĐ tại các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang và TP. Cần Thơ trong thời gian qua, đồng thời tiếp thu các ý kiến của các đại biểu để báo cáo lãnh đạo Bộ Nông Nghiệp và PTNT có những chủ trương, giải pháp cụ thể, phù hợp trong thời gian tới. Ông cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố những giải pháp cụ thể, phù hợp với mỗi địa phương để công tác khuyến nông ngày càng đạt hiệu quả cao.
Nguồn: https://danviet.vn/nhan-rong-mo-hinh-to-khuyen-nong-cong-dong-can-co-che-phap-ly-giup-cac-to-danh-chinh-ngon-thuan-20241218165027892.htm