‘Cho tôi hỏi những biểu hiện của suy thận sẽ như thế nào? Suy thận có uống cà phê được không ạ? Cảm ơn bác sĩ!’. (H.Nhiên, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM).
Thạc sĩ – bác sĩ Dương Thị Thanh Tâm, Trưởng đơn vị Thận – Thận nhân tạo, Bệnh viện Gia An 115, trả lời: Về biểu hiện của suy thận, chúng ta có thể phân biệt như sau:
Trong khi suy thận cấp có các biểu hiện rầm rộ do tình trạng đột ngột mất khả năng làm việc của thận (như thiểu niệu, vô niệu, phù, đau lưng và vùng thắt lưng, buồn nôn và nôn, mệt mỏi, ăn kém…), thì bệnh thận mạn (suy thận mạn) thường tiến triển âm thầm, ở giai đoạn đầu người bệnh hầu như không có biểu hiện cảnh báo nào. Các triệu chứng thường xuất hiện trễ khi bệnh đã vào giai đoạn cuối, cũng chính vì thế bệnh thận mạn thường được xem là “sát thủ thầm lặng”.
Việc thăm khám sức khỏe định kỳ và tầm soát bệnh thận mạn nếu nằm trong nhóm đối tượng nguy cơ cao có ý nghĩa quan trọng giúp phát hiện sớm bệnh.
Cần nghĩ đến bệnh thận mạn và đi khám thận ngay nếu bạn có một số biểu hiện như: Nước tiểu có nhiều bọt; phù nề – có thể là phù nề một cách kín đáo như đeo nhẫn, đi giày thấy chật hơn; đau lưng; thường xuyên chóng mặt, da nhợt nhạt, mệt mỏi, buồn ngủ. Đặc biệt những người trẻ có tăng huyết áp cần chú ý đến bệnh thận; phụ nữ từng bị tiền sản giật, những người thường xuyên uống các thuốc giảm đau cũng nên cảnh giác với bệnh thận mạn.
Người bệnh suy thận cần lưu ý
Với người suy thận, dinh dưỡng hợp lý có vai trò quan trọng vì sẽ giúp kiểm soát huyết áp, cân nặng, cholesterol, đường huyết, từ đó làm bệnh tiến triển chậm.
Người bệnh thận mạn cần đặc biệt lưu ý giảm muối, hạn chế một số trái cây và rau củ giàu kali, hạn chế các đồ kích thích như ớt, hạt tiêu, hành, tỏi trong khẩu phần ăn; không nên ăn các thức ăn chế biến sẵn như đồ ăn đóng hộp, xông khói; không ăn thức ăn muối chua, các loại nấm. Không nên uống rượu, bia, nước khoáng có nhiều natri.
Người bệnh thận mạn không cần tuyệt đối kiêng cà phê nhưng cần chú ý lượng uống để kiểm soát mức kali cũng như để tránh tăng huyết áp (do tác dụng của caffeine có trong cà phê). Bên cạnh đó, nên hạn chế hoặc tránh dùng kem và sữa trong cà phê.
Tốt nhất người bệnh thận mạn nên đi khám để bác sĩ điều trị tư vấn chi tiết về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp với tình trạng bệnh.
Bạn đọc có thể đặt câu hỏi cho chuyên mục Bác sĩ 24/7 bằng hình thức nhập bình luận bên dưới bài hoặc gửi qua email: [email protected].
Câu hỏi sẽ được chuyển đến các bác sĩ, chuyên gia… để trả lời cho bạn đọc.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bac-si-24-7-suy-than-co-uong-ca-phe-duoc-khong-18524121909071705.htm