Khánh Hòa đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong kiểm soát, khai thác, phát triển nghề cá
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Khánh Hòa cho biết để chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), địa phương đã đẩy mạnh việc đầu tư hệ thống giám sát tàu cá, bố trí cán bộ trực ban theo dõi 24/24 giờ để kiểm soát, cảnh báo, không để tàu cá vi phạm.
Dõi theo từng con tàu
Có mặt tại cảng cá Hòn Rớ, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, nhiều chuyến tàu biển xa bờ cập cảng mang theo hàng chục tấn cá ngừ sọc dưa, cá ngừ đại dương… khiến cả khu cảng rộn ràng. Các cán bộ của ban quản lý cảng, kiểm ngư đang rà soát thông tin, nhật ký hành trình, kiểm tra số hiệu tàu cập cảng để hướng dẫn các thủ tục cho tàu cá xác nhận chứng chỉ IUU.
Ngay tại cảng, trên tầng 2, một văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá cũng hoạt động hết công suất. Tại đây có hệ thống hiển thị công khai các thông tin kiểm soát tàu cá ra vào cảng (eCDT), hệ thống giám sát đội tàu, kho dữ liệu hồ sơ với các nhân viên túc trực.
Ông Nguyễn Văn Ba, Trưởng Ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ, cho biết ngay khi nhận được thông tin tàu cá cập cảng 1 giờ, văn phòng sẽ kiểm tra số hiệu tàu cá trên hệ thống eCDT, kiểm tra nhật ký khai thác, nhật ký giám sát hành trình, sản lượng khai thác, kiểm tra có vi phạm quy định liên quan… Nếu tàu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thì cho cập cảng để bán cá, kiểm tra thực tế và cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản (SC), các chứng chỉ liên quan. Ngược lại, nếu vi phạm sẽ lập biên bản, đề nghị các cơ quan chức năng xử phạt, không cấp giấy xác nhận. Những tàu vi phạm sẽ xem xét lỗi chủ quan hoặc khách quan. Nếu là lỗi chủ quan thì không đủ điều kiện để xuất khẩu, toàn bộ cá đánh bắt được chỉ tiêu thụ nội địa.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa, các vi phạm mà đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu đã chỉ ra trước đó vào lần 4 đã được xử lý rốt ráo, 3 doanh nghiệp vi phạm đã bị xử phạt, không được xuất khẩu; phối hợp 2 tỉnh Bình Định và Bà Rịa – Vũng Tàu xử lý, khởi tố các hành vi vi phạm IUU. Tín hiệu tốt là từ đầu năm đến nay, không có tàu cá nào vi phạm vượt ranh giới trên biển. Toàn tỉnh có 641/643 tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt 99,6%.
Tính đến cuối tháng 11-2024, lực lượng của Chi cục Thủy sản, Biên phòng và các địa phương đã tuần tra, kiểm tra, xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm về khai thác IUU, qua đó xử phạt 25 phương tiện vi phạm, với tổng số tiền hơn 255 triệu đồng.
Đồng bộ hạ tầng, nâng cao nhận thức
Ngư dân Trần Khắc Thạch, chủ tàu KH-99766-TS, cho biết mỗi năm ngư dân đi 4-10 chuyến biển. Sản phẩm về cảng mà không được chứng nhận thì khó tiêu thụ. Tàu cá không chấp hành nghiêm sẽ bị phạt nặng nên ngư dân bắt buộc phải chấp hành các quy định. Đến nay, ngư dân đã bắt đầu có thói quen khi đi và về đều khai báo đầy đủ.
Ông Nguyễn Văn Ba cho biết hiện nay việc sử dụng phần mềm eCDT đã hiển thị đầy đủ các thông số, giấy tờ, đăng kiểm… của tàu cá cả nước. Nhờ đó, ban quản lý dễ dàng kiểm tra các thông số kỹ thuật liên quan IUU. Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc về hạ tầng, trình độ ngư dân, doanh nghiệp thiếu chữ ký số, chứng thư… “Tôi cho rằng eCDT là một giải pháp công nghệ giúp việc quản lý IUU được minh bạch, chuẩn hóa nghề khai thác, bắt kịp với thế giới hiện đại. Do đó, phần mềm cần hình thành được một chuỗi đồng bộ, gồm: nhóm tàu cá có thông số kỹ thuật, thuyền viên, giám sát hành trình, nhật ký đánh bắt; nhà quản lý cấp chứng nhận, kiểm tra, giám sát; doanh nghiệp phải đủ điều kiện đăng ký thu mua, có sản lượng, hóa đơn… Từ đó, sản phẩm đưa về nhà máy chế biến sẽ có một mã, người tiêu thụ chỉ cần quét mã này sẽ hiển thị toàn bộ thông tin nói trên” – ông Ba đề xuất.
Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa, cho rằng yêu cầu hiện đại hóa là điều tất yếu của ngành thủy sản. Tỉnh đã tích cực thực hiện nhiều công nghệ hiện đại, áp dụng eCDT tại các cảng cá trên địa bàn, trang bị 4 máy Kiosk để kiểm soát tàu cá từ lúc xuất bến đến khi cập bến trên hệ thống để bảo đảm minh bạch, hợp pháp trong xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác xuất khẩu.
“Hiện đại ở đây không chỉ về công nghệ mà còn cả trong tư tưởng, suy nghĩ. Giải pháp mang hiệu quả cao nhất để gỡ “thẻ vàng” IUU là nâng cao nhận thức của cộng đồng ngư dân, thương lái, doanh nghiệp chế biến. Những chủ thể quan trọng nhất này sẽ đồng hành, chủ động chấp hành, tuân thủ đúng các quy định và cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng” – ông Quang nói.
Đi đầu trong truy xuất nguồn gốc thủy sản
Khánh Hòa là địa phương đi đầu trong việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (phần mềm eCDT). Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã cấp hơn 197 tài khoản trên hệ thống eCDT cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến hải sản; hướng dẫn cài đặt ứng dụng eCDT cho hàng trăm chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh… Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Khánh Hòa kiến nghị cung cấp thêm một tài khoản trên phần mềm VNFishBase cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để phục vụ việc tra cứu thông tin dữ liệu kịp thời.
Nguồn: https://nld.com.vn/hien-dai-hoa-nghe-ca-196241218213741491.htm