Bên cạnh thị trường xuất khẩu lao động truyền thống Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam đã và đang kết nối nhiều thị trường mới như Hy Lạp, Pháp, Hungary, Tây Ban Nha, Phần Lan, Úc…
Ông Nguyễn Bá Hoan, thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trăn trở khi hiện còn nhiều đơn vị trong lĩnh vực xuất khẩu lao động hoạt động không hợp pháp. Nhiều đối tượng lừa đảo, thu tiền, tạo gánh nặng cho người lao động.
Sớm tuyển 1.000 lao động sang Úc làm việc
Thông tin này được nêu tại tọa đàm “Nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài” do báo Người Lao Động tổ chức hôm 18-12.
Ông Phạm Viết Hương – phó cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước – cho biết với thị trường Úc, chính phủ hai bên đã ký kết ghi nhớ hợp tác lĩnh vực nông nghiệp từ đầu năm nay.
“Chương trình này có khoảng 1.000 lao động Việt Nam được tuyển chọn đưa sang làm việc tại Úc. Chúng tôi đã công bố tiêu chí tuyển chọn doanh nghiệp tham gia chương trình và đã nhận được hồ sơ tham gia của 33 doanh nghiệp.
15 doanh nghiệp đã được chọn gửi cho phía Úc. Họ sẽ sàng lọc để chọn 6 doanh nghiệp phù hợp nhất theo tiêu chí của họ và sẽ sớm công bố”, ông Hương nói.
Hiện Việt Nam xúc tiến đàm phán, tiến tới ký các thỏa thuận về hợp tác lao động với các thị trường Hy Lạp, Pháp, Phần Lan, Ba Lan, Tây Ban Nha…
Đồng thời một số thị trường truyền thống cũng có thêm những ngành nghề mới. Chẳng hạn Hàn Quốc tuyển kỹ sư máy bay, Nhật Bản mở thêm kỹ sư đường sắt… Đây được xem là những bước tiến thuận lợi tạo điều kiện cho nhiều người lao động tìm kiếm việc làm tốt nhưng công tác tuyển chọn nguồn đang gặp khó khăn.
Trước đây doanh nghiệp khó kiếm hợp đồng, giờ kiếm được hợp đồng nhưng lại khó kiếm người khiến doanh nghiệp khó đảm bảo hợp đồng với đối tác.
“Tôi vừa đi công tác tại Nhật, nhiều doanh nghiệp than kiếm người khó quá, không đảm bảo được tiến độ nên phải chuyển hướng sang các thị trường Philippines, Myanmar, Indonesia…”, ông Nguyễn Bá Hoan thông tin.
Giải quyết tình trạng “bán” lao động
Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết hiện có trên 450 doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và sắp tới sẽ tăng lên 500 doanh nghiệp.
Tính đến tháng 11-2024, tổng số người lao động đang làm việc ở nước ngoài là 700.000 lao động với 30 ngành nghề tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên hiện nhiều trung tâm môi giới lao động không hợp pháp, thu nhiều tiền của người lao động, tạo thêm gánh nặng cho họ.
“Nhiều doanh nghiệp không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng tìm kiếm người rồi “bán” lại nguồn cho các công ty xuất khẩu với giá 10-20 triệu.
Họ không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng lại dự trữ nguồn và các doanh nghiệp được cấp phép phải mua lại”, bà Dương Thị Thu Cúc – tổng giám đốc Tập đoàn quốc tế Sài Gòn (Saigon Intergco) nêu thực tế.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho rằng cần phải loại bỏ hoạt động không hợp pháp, cạnh tranh không lành mạnh cũng như chi phí không hợp lý cho người đi xuất khẩu lao động.
Ông Hoan nói hành trang của người lao động phải nhẹ nhàng nhất. Khi đã được trang bị ngoại ngữ, có kỹ năng, ý thức kỷ luật… người lao động phải được bảo đảm làm việc trong môi trường tốt, hưởng đầy đủ các phúc lợi.
“Hiện tại nhiều người ngay từ lúc đăng ký đến lúc đi xuất khẩu lao động đã phải mang trên vai gánh nặng chi phí. Nên qua đến nơi họ phải tìm cách gỡ gạc dẫn đến vi phạm hợp đồng, trốn ở lại”, ông Hoan nhận định.
Vinh danh 8 doanh nghiệp xuất khẩu lao động tiêu biểu
Tại chương trình, báo Người Lao Động đã vinh danh 8 doanh nghiệp tiêu biểu đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2024 gồm:
– Công ty TNNH Esuhai (Esuhai Group).
– Công ty TNHH Hợp tác quốc tế Mai Linh.
– Công ty CP Cung ứng Nhân lực Quốc tế và Thương mại (SONA).
– Công ty CP Nhân lực Quốc tế SOVILACO.
– Công ty TNHH Đào tạo chuyển giao Lao động & Chuyên gia Haio.
– Công ty TNHH MTV Phát triển nhân lực Tocontap Sài Gòn.
– Công ty CP Đầu tư Thương mại Quốc tế Sài Gòn Thiên Vương.
– Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế Sài Gòn (Saigon Intergco).
Nguồn: https://tuoitre.vn/mo-rong-nhieu-thi-truong-xuat-khau-lao-dong-moi-tai-chau-au-uc-20241218164326788.htm