(ĐCSVN) – Hội thảo là diễn đàn khoa học có ý nghĩa hết sức cần thiết, cấp thiết cả trên phương diện lý luận lẫn thực tiễn, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII Đảng, đặc biệt là các Nghị quyết có liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên.
Sáng 18/12, tại Đà Nẵng, Học viện Chính trị khu vực III và Viện Khoa học xã hội Vùng Trung bộ phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học: “Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ”.
Tham dự Hội thảo có hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các viện, học viện, trường đại học, các cơ quan, đơn vị, địa phương tại các tỉnh, thành miền Trung- Tây Nguyên.
TS. Nguyễn Dũng Anh, Phó Giám đốc học viện Chính trị khu vực III trình bày Đề dẫn Hội thảo. |
Trình bày Đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Dũng Anh, Phó Giám đốc học viện Chính trị khu vực III cho rằng, phát triển bền vững (PTBV) là sự phát triển đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.
Ngày nay, phát triển bền vững vừa là mục tiêu, vừa là nguyên tắc sống còn của nhân loại, không phân biệt trình độ phát triển cũng như chế độ chính trị. Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với (BĐKH), Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường”; “Chủ động giám sát, ứng phó có hiệu quả với các BĐKH; phát triển kinh tế xanh, ít chất thải… “. Đại hội XIII của Đảng cũng đã đề ra mục tiêu: “Đến năm 2030, cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với BĐKH”.
Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ gồm 08 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và quốc phòng, an ninh; là cầu nối kinh tế, quốc phòng giữa vùng Bắc Trung Bộ với Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giữa đất liền với các quần đảo của nước ta. Trong những năm qua, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, định hướng phát triển và đã đạt được những thành tựu to lớn: quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế không ngừng tăng lên; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt; đóng góp của Vùng vào kinh tế cả nước luôn đạt tỉ lệ cao, góp phần nâng cao vị thế kinh tế của Vùng.
Trong những đóng góp quan trọng đó, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH của Vùng Duyên hải Nam trung bộ bước đầu đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và người dân, doanh nghiệp trong toàn xã hội bước đầu đã có sự thay đổi tích cực trong việc ứng xử với môi trường, tài nguyên và BĐKH. Công tác bảo vệ môi trường thay đổi mạnh mẽ về tư duy, với chủ trương xuyên suốt không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; từng bước chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm cao; quản lý chất thải và kiểm soát môi trường khu công nghiệp có nhiều tiến bộ. Ứng phó với BĐKH đã chuyển mạnh từ thích ứng sang giảm phát thải khí nhà kính, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, các-bon thấp, đặc biệt, Việt Nam đã mạnh mẽ đưa ra cam kết phát thải ròng băng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH của Liên hợp quốc lần thứ 26. Các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng được triển khai tích cực; năng lực giám sát BĐKH đã có tiến bộ; mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn được bổ sung và hiện đại hóa.
Chủ trì Hội thảo định hướng, trao đổi thông tin tại buổi Hội thảo. |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng BĐKH vẫn còn những hạn chế, yếu kém, đó là: Xu hướng ô nhiễm môi trường còn tiếp diễn, suy thoái đa dạng sinh học chưa được ngăn chặn; ô nhiễm môi trường còn xảy ra ở một số cụm công nghiệp, lưu vực sông, làng nghề; hạ tầng ứng phó ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu với diễn biến ngày càng phức tạp của BĐKH và thiên tai; công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai còn bị động, nặng về giải quyết tình huống khi có thiên tai, năng lực phản ứng còn chậm; công tác tổ chức cứu trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả đôi khi còn chậm, có nơi còn lúng túng, thiếu sự phối hợp thống nhất.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ, các biện pháp canh tác, chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với BĐKH còn hạn chế.
“Những hạn chế, yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do mô hình tăng trưởng kinh tế của Vùng vẫn thiên về chiều rộng. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực để phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Cạnh đó, sự gia tăng dân số, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ làm gia tăng phát thải khí nhà kính, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học. Đặc biệt, Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ là vùng thường xuyên bị thiệt hại do biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra”- TS. Nguyễn Dũng Anh nhấn mạnh và chia sẻ thêm: Theo thống kê, trung bình mỗi năm, tiểu vùng duyên hải Nam Trung Bộ phải đối mặt với khoảng 43,6% tổng số cơn bão ở Việt Nam, trong đó có nhiều cơn bão mạnh và siêu bão gây nguy cơ lũ lụt và thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng con người và tài sản.
“Vì vậy, để phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, tương xứng với lợi thế, tiềm năng của vùng cần phải đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, đổi mới nhận thức, có cơ chế chính sách để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH” – Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III nhấn mạnh.
Quang cảnh Hội thảo “Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ”.
|
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề, trong đó trọng tâm là các vấn đề: Thống nhất và nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH, giữa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH với phát triển bền vững; Quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH và phát triển bền vững; Nhận diện những cơ hội và thách thức đặt ra đối với các ngành, lĩnh vực trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Hội thảo cũng đề xuất các giải pháp, các mô hình nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ trong thời gian tới; chia sẻ và khuyến nghị cụ thể nhiều vấn đề đối liên quan đến phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
Theo đại diện Ban tổ chức, Hội thảo là diễn đàn khoa học có ý nghĩa hết sức cần thiết, cấp thiết cả trên phương diện lý luận lẫn thực tiễn, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII Đảng; đặc biệt là các Nghị quyết có liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, đó là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/phat-trien-kinh-te-gan-voi-bao-ve-moi-truong-va-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-vung-duyen-hai-mien-trung-686935.html