Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Toạ đàm quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định số 124/2024/NĐ-CP và Nghị định số 125/2024/NĐ-CP.
Tọa đàm được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của đại diện lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ GDĐT; đại diện các Sở GDĐT, Phòng GDĐT, các cơ sở GDĐT và các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.
Quang cảnh tọa đàm
Ngày 05/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 124/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục (Nghị định 124).
Nghị định số 124 đã cập nhật cụ thể một số nội dung quy định trong các văn bản quy phạm phát luật như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo đục đại học 2018, Luật Giáo dục năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020 và một số văn bản khác, góp phần cụ thể hóa chủ trương thúc đẩy hợp tác và thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, đơn giản và minh bạch các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các tổ chức, cơ sở giáo dục và nhà đầu tư.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Mai Thị Anh trao đổi tại tọa đàm
Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 125/2024/NĐ-CP ngày 05/10/2024 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục (Nghị định số 125). Nghị định số 125 đã thay thế Nghị định số 46/2017/NĐ-CP và và Nghị định số 135/2018/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2024.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: Nghị định số 124 góp phần thể chế hóa chủ trương của Đảng về chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo và thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về việc khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo tiên tiến trên thế giới, thu hút các cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới mở phân hiệu tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại tọa đàm
Nghị định 125 có sự kế thừa những quy định còn phù hợp tại Nghị định số 46/2017/NĐ-CP và 135/2018/NĐ-CP, đồng thời, bổ sung, sửa đổi những quy định về điều kiện và trình tự thực hiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cho phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng các yêu cầu về cải cách hành chính, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc đầu tư, xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Vì vậy, đây là hai Nghị định rất quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ với một số điểm mới, liên quan đến hoạt động đầu tư trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.
Tọa đàm cũng là cơ hội để các đơn vị chức năng của Bộ GDĐT có những chia sẻ, giải đáp vướng mắc cho các cơ quan quản lý ở địa phương, các cơ sở giáo dục và nhà đầu tư, nhằm thu hút đầu tư, thu hút nguồn lực xã hội trong lĩnh vực giáo dục.
Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế Nguyễn Tiến Dũng báo cáo tại tọa đàm
Báo cáo một số điểm mới của Nghị định số 124, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế Nguyễn Tiến Dũng cho biết, Nghị định số 124 có một số nội dung mới, thay đổi cơ bản so với Nghị định số 86/2018/NĐ-CP như: Đơn giản hóa thủ tục và công khai, minh bạch thông tin; Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong hợp tác, đầu tư nước ngoài; Tăng cường công tác quản lý và trách nhiệm của địa phương.
Trong đó, Nghị định số 124 bổ sung quy định Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi, quyền hạn được giao có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, thanh tra, đánh giá kết quả hoạt động hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục; giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm theo thẩm quyền trong lĩnh vực này tại địa phương. Quy định này góp phần nâng cao vai trò chủ động và tăng cường công tác quản lý và trách nhiệm của địa phương trong hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đào Hồng Cường báo cáo tại tọa đàm
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đào Hồng Cường, Nghị định số 125 có một số điểm mới, như: Cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ GDĐT; nội dung cơ bản về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt…
Đặc biệt, Nghị định 125 đã kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức. Việc ban hành Nghị định 125 đã đạt mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ GDĐT, khắc phục được nhiều quy định còn hạn chế, bất cập của các quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP và Nghị định số 135/2018/NĐ-CP, đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Phạm Quốc Toản trao đổi tại tọa đàm
Tại tọa đàm, các ý kiến thống nhất cho rằng các Nghị định mới ra đời đã tháo gỡ vướng mắc, cải thiện môi trường pháp lý cho các nhà đầu tư. Các Sở GDĐT, cơ sở giáo dục và các nhà đầu tư cũng thảo luận, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để các đơn vị thuộc Bộ GDĐT hướng dẫn, giải đáp những nội dung mới.
Với phạm vi tác động rộng, liên quan đến nhiều Bộ luật khác, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ GDĐT cập nhật, giải đáp những thắc mắc, tiếp thu các ý kiến tại tọa đàm, nghiên cứu và xử lý khẩn trương, kịp thời, chất lượng.
Nguồn: https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10132